Nhiều địa phương của Việt Nam mong muốn thu hút vốn đầu tư từ Pháp
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt – Pháp diễn ra tại Hà Nội vào sáng 15/4, đại diện nhiều địa phương mong muốn thu hút được nguồn vốn đầu tư từ Pháp.
Kỳ vọng Pháp đầu tư nhiều hơn tại các địa phương
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt – Pháp nằm trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12 do UBND TP. Hà Nội chủ trì diễn ra từ ngày 13-16/4 tại Hà Nội. Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết: Lũy kế từ năm 1989 tới nay, thành phố Hà Nội đã thu hút khoảng 494,4 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp từ Pháp. Trong đó, riêng trong năm 2022 thu hút khoảng 7,8 triệu USD và 3 tháng đầu năm 2023 thu hút thêm 0,92 triệu USD.
Một số dự án lớn của Pháp tại Hà Nội trong những năm qua phải kể đến như: Dự án Cửa hàng Bán lẻ của Công ty TNHH Louis Vuitton Việt Nam; Dự án Schneider Electric IT Việt Nam; Dự án Công ty TNHH L’OREAL VIỆT NAM; Trung tâm Mega Market; Dự án Công ty TNHH Christian Dior Việt Nam…
Với nền tảng tốt đẹp đó, đại diện UBND TP. Hà Nội mong muốn, thông qua Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Pháp sẽ có thêm cơ hội để kết nối thêm các nhà đầu tư từ nước Pháp vào Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng trong thời gian tới.
Trong bài phát biểu giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương, bà Trần Thị Hải Yến - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng cho biết: Hải Phòng là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài khi “hội tụ” đủ 5 loại hình giao thông như: Đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường sông. Hải Phòng cũng là đầu mối giao thông quan trọng kết nối các tỉnh ven biển duyên hải Bắc bộ với Thủ đô Hà Nội.
Đặc biệt, đây là địa phương được đánh giá là đầu mối hàng hải quốc tế chiến lược, cảng biển quốc tế Hải Phòng là cửa ngõ từ miền Bắc Việt Nam, miền Nam Trung Quốc (tỉnh Vân Nam) đến các nơi khác trên thế giới.
Hiện Hải Phòng đã thu hút được 852 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 24,5 tỷ USD, trong đó FDI từ châu Âu là 56 dự án, có tổng vốn đăng ký 1,115 tỷ USD. Với Pháp, hiện Hải Phòng đã thu hút được 4 dự án, có tổng vốn đăng ký 50,87 triệu USD.
Cũng theo bà Trần Thị Hải Yến, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Hải Phòng đặt mục tiêu thu hút khoảng 11 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên… trên cơ sở đó, Hải Phòng mong muốn sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, triển khai dự án đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Pháp.
Cũng mong muốn thu hút được các nhà đầu tư đến từ Pháp, bà Nguyễn Thị Kiều Duyên - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm thành phố Cần Thơ cho biết: Là Trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện thành phố Cần Thơ là một trong những vùng đô thị phát triển nhanh tại Việt Nam với GRDP bình quân đầu người đạt 85,99 triệu đồng/người.
Cần Thơ cũng là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, trong đó hệ thống đường bộ với 400 km đường cao tốc mới dự kiến hoạt động vào năm 2025; cảng đường thủy nội địa với hơn 50 cảng sông, trải dài 170 km và nhiều cảng biển quan trọng. Đặc biệt, sân bay quốc tế Cần Thơ cách trung tâm thành phố 15 km với công suất phục vụ tối đa vào khoảng 3 triệu hành khách, hiện có thể mở rộng thêm 1 đường băng và nâng công suất lên 7 triệu hành khách…
Thành phố Cần Thơ cũng có 8 khu công nghiệp, trong đó 6 khu công nghiệp đang hoạt động và 1 khu công nghiệp đang triển khai xây dựng, 1 khu công nghiệp đang quy hoạch. Tính đến tháng 2/2023, địa phương đã thu hút 258 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. 80% doanh nghiệp tại Cần Thơ là doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản.
Từ những lợi thế trên, bà Nguyễn Thị Kiều Duyên cho biết, thành phố Cần Thơ mong muốn thu hút các nhà đầu tư Pháp quan tâm, nghiên cứu thực hiện các dự án sản xuất, chế biến, cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông sản tại địa phương.
Tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến Việt Nam
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội vượt kỳ vọng, đạt tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Nhờ đó, hoạt động đầu tư, thương mại tiếp tục đạt kết quả tích cực, đưa Việt Nam nằm trong top 20 nước thu hút FDI lớn nhất và top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Việt Nam và Pháp có mối quan hệ Đối tác chiến lược hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Trên cơ sở đó, các quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại được thúc đẩy và đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Về đầu tư: Nhà đầu tư Pháp đã đến Việt Nam từ rất sớm (1990), trong lúc Việt Nam còn đang rất khó khăn, điển hình như dự án khách sạn Metropole, dự án viễn thông France Telecom và sau này là bệnh viện hữu nghị Việt – Pháp... Đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư của Pháp tại Việt Nam đạt trên 3,8 tỷ USD, đứng thứ 16/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Pháp đã có mặt tại 36 địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa Vũng Tàu... Trong khi đó, Việt Nam đầu tư sang Pháp với tổng số vốn trên 73 triệu USD.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Pháp năm 2022 đạt 5,33 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt 3,7 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 1,63 tỷ USD.
Về hỗ trợ phát triển (ODA), Pháp là một trong những nước cung cấp ODA sớm nhất và dẫn đầu châu Âu về vốn cam kết, với mức vốn trung bình tăng đều qua các năm và đạt con số hơn 100 triệu Euro/năm kể từ năm 2002. Hiện nay mô hình hợp tác của Pháp đối với Việt Nam rất ổn định và có hiệu quả cao.
Hiện Việt Nam đang khuyến khích và ưu tiên thu hút FDI có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm gắn với thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, tài chính – ngân hàng, y tế, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hạ tầng, y tế, dược phẩm và môi trường… đây đều là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Pháp có nhiều lợi thế.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - với vai trò tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đầu tư, hợp tác đầu tư sẽ cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Pháp.
Ở chiều ngược lại, ông Yann Frollo de Kerkivio – Tham tán thương mại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết: Hiện tại Chính phủ Pháp cũng đang có những cơ chế hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Pháp đến năm 2030. Cũng theo ông Yann Frollo de Kerkivio, Pháp là quốc gia có lợi thế về công nghệ và chính sách thu hút đầu tư thuận lợi, theo đó, sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam xem xét và lựa chọn.