Nhiều địa phương đã áp dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử

Chiều 11/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử tại 7 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì buổi làm việc.

Kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử tăng đáng kể

Báo cáo của các địa phương cho thấy, tất cả đã triển khai kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp đăng nhập một lần, đồng bộ trạng thái hồ sơ. 5/7 tỉnh đã tích hợp đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (trừ Nam Định, Bắc Giang). 6/7 tỉnh đã tích hợp với nền tảng thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (còn Nam Định). Trong đó, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh có số lượng giao dịch thành công phát sinh nhiều, các tỉnh còn lại chỉ dừng ở hoàn thành kết nối kỹ thuật, chưa phát sinh giao dịch hoặc số lượng giao dịch rất ít.

Việc triển khai tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của các tỉnh đều rất chậm, số lượng rất ít như Thái Bình (5 dịch vụ công), Nam Định (6 dịch vụ công), Phú Thọ (6 dịch vụ công) và hầu hết là các dịch vụ công trực tuyến được triển khai từ trước tháng 3/2020.

Thêm vào đó, nhiều dịch vụ công/thủ tục hành chính đã quá hạn hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao. Tiến độ triển khai như hiện nay sẽ khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu Chính phủ đặt ra trong năm 2020 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP. Hiện nay, mới chỉ có Nam Định đã chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Các tỉnh đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia và hầu hết đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính. Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, nhất là ở Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Giang.

Một số tỉnh đạt tỷ lệ cao về gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan trong tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử như Bắc Giang 98%, Bắc Ninh 95%. Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc ở các cấp chính quyền đã được triển khai, bước đầu xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử.

Có tỉnh, số lượng xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử chiếm tới 92% như Thái Bình, nhưng cũng còn một số tỉnh có tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử chưa cao như Bắc Ninh, mới đạt 45,75% ở cấp tỉnh, 3,74% ở cấp huyện và 0% ở cấp xã.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi làm việc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi làm việc

Áp dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử

Theo báo cáo của Tổ công tác, Nam Định, Hà Nam, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã áp dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử. Thái Bình, Bắc Ninh đang triển khai, thử nghiệm áp dụng chữ ký số cá nhân.

Một số địa phương phản ánh độ ổn định của ký số trên SIM còn thấp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho hay, phải ngồi nhà mới ký số được vì SIM ký số chưa ổn định, chỉ ký được trên một trang, chưa đáp ứng được việc ký số trên các phụ lục của văn bản ban hành. Hình thức hiển thị, vị trí của ký số trên SIM còn nhiều lệch lạc. Ông đề nghị cần tập trung nâng cấp SIM.

Về hỗ trợ các địa phương triển khai chữ ký số, Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ Nguyễn Đăng Lực cho biết, tính đến tháng 9/2020, Ban đã cung cấp trên 276.800 chứng thư số cho các bộ, ngành, địa phương. Các tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ và đơn vị phát triển phần mềm triển khai tích hợp chữ ký số vào hệ thống quản lý văn bản, điều hành.

Về xác thực đăng nhập trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) tích hợp, triển khai dịch vụ định danh và xác thực điện tử. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng chứng thư số do Ban cấp có thể xác thực, đăng nhập một lần qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với VNPT tích hợp dịch vụ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào công cụ ký số bản sao điện tử, đảm bảo tính pháp lý của chữ ký số trên bản sao điện tử được chứng thực.

Để hỗ trợ tốt cho các bộ, ngành, địa phương triển khai Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính, Ban Cơ yếu Chính phủ đã và đang đổi mới mạnh mẽ phương thức trong các hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số như ứng dụng hệ thống thông tin quản lý, cấp phát chứng thư số, phân cấp tối đa cho bộ, ngành, địa phương để chủ động quản lý, cấp phát chứng thư số, rút ngắn thời gian cung cấp chứng thư số…

Các địa phương cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ

Nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền kinh tế số và yêu cầu của Thủ tướng phải kết nối được 30% dịch vụ công của địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia vào cuối năm 2020, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đa số các địa phương đến nay mới chỉ tích hợp được 6-7 dịch vụ công.

Từ nay đến hết năm, thời gian không còn nhiều, ông đề nghị các địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ công việc đạt yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng, tập trung tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa, đặc biệt là những thủ tục liên quan đến dịch vụ công của người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện thủ tục, thay đổi tư duy đã sử dụng văn bản điện tử thì không kèm văn bản giấy, bởi nếu không sẽ tốn kém gấp đôi.

Từ nay đến hết tháng 11/2020, các tỉnh này thực hiện kết nối 100% hệ thống chỉ tiêu, báo cáo, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử cấp tỉnh sử dụng chữ ký số đạt 70%, cấp huyện 60% và cấp xã, phường, thị trấn đạt 30%.

Dẫn câu chuyện từ Thái Bình hiện mới đang thử nghiệm chữ ký số cá nhân, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu, nhiều địa phương đã gửi nhận văn bản tới 4 cấp. Cấp xã, phường, huyện ký nhưng lãnh đạo tỉnh không ký. Muốn thông được, trên phải thông trước, làm sao phải đồng bộ.

Nêu rõ đây là việc rất quan trọng, Bộ trưởng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, các nhà mạng đốc thúc đẩy nhanh tiến độ. Về đề nghị ủy quyền cho địa phương cấp chữ ký số, Bộ trưởng cho biết, vấn đề này đã được bàn thảo nhưng còn có những lo ngại trong quá trình quản lý, cán bộ địa phương có thể bảo mật không tốt, dẫn đến lộ, lọt thông tin.

Do vậy, trong khi chưa thực hiện phân cấp được, Ban Cơ yếu Chính phủ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh ổn định SIM ký số cho cá nhân, về lâu dài từng bước giao cho địa phương theo “chân rết” ngành dọc của Cơ yếu.

Đào Giang

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/nhieu-dia-phuong-da-ap-dung-chu-ky-so-trong-gui-nhan-van-ban-dien-tu_99534.html