Nhiều địa phương giao trắng nhiệm vụ PCCC cho công an, kiểm lâm

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, nhiều địa phương gần như giao trắng nhiệm vụ PCCC cho lực lượng chuyên nghiệp của công an, kiểm lâm.

Ngày 13/11, thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giai đoạn 2014-2018, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, sau thảm kịch cháy chung cư Carina (TP HCM) hơn 1 năm trước, nhiều người dân ở chung cư vẫn chưa hết giật mình mỗi khi chợt nghe tiếng còi cứu hỏa. Công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn còn quá nhiều tồn tại, thiếu sót.

Chỉ có 26% số vụ hỏa hoạn được dập tắt bởi lực lượng tại chỗ

Trong 4 năm, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham gia và phối hợp với các lực lượng dập tắt được gần 10.000 vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ cháy); lực lượng PCCC tại chỗ xử lý được trên 3.000 vụ cháy từ khi phát sinh.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương).

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương).

Mặc dù vậy, việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy ở một số cơ sở vẫn còn tính hình thức hoặc đối phó. Việc xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy (giao thông, nguồn nước, phương tiện...) chưa được quan tâm, chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy. Nhiều vụ cháy do nhiều lý do không được dập tắt kịp thời đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng PCCC chưa thực sự chặt chẽ.

Theo đại biểu Phạm Trong Nhân, từ báo cáo giám sát cho thấy nhân lực và vật lực phòng, cháy chữa cháy đều không đạt cả về chất lẫn về lượng. Đội văn phòng cho công tác này chỉ đạt 23%, lực lượng ở cơ sở và chuyên ngành cũng chỉ hơn 60%. Nhân lực ở cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, khó bố trí nhân sự trong lực lượng chuyên ngành. Phương châm 4 tại chỗ không ngoài mục đích "nước xa không cứu được lửa gần". Tuy nhiên thực trạng trên có phải phần nào lý giải cho nguyên nhân vì sao chỉ có khoảng 26% số vụ hỏa hoạn được dập tắt bởi lực lượng tại chỗ.

“Quốc hội nghĩ gì về số xe chữa cháy sử dụng trên 20 năm, xe chất lượng kém hư hỏng, chiếm hơn 50%. Số trụ nước bể nước bến nước không chỉ thiếu vài chục mà nhiều địa phương con số lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn. Điển hình như Hà Nội thiếu gần 300 bể nước, 400 bến lấy nước, 7.000 trụ nước. Trong số các trụ còn lại có 522 trụ không sử dụng được. Khánh Hòa thiếu 3.559 trụ, Hải Phòng 3.500 trụ. Trong khi đó nguồn nước tự nhiên ở các ao, hồ, sông ngòi ngày càng cạn kiệt. Đáng ngại hơn, hệ thống thiết bị phòng, cháy chữa cháy không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến không hoạt động mà vụ cháy chung cư Carina là một điển hình” - đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh).

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh).

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, các tổ chức phòng, chống cháy, chữa cháy đã được tăng cường cả lực lượng chuyên nghiệp và lực lượng toàn dân, trang thiết bị thiết yếu đã được đầu tư, qua đó, công tác phòng, chống cháy đã đạt được nhiều kết quả, từng bước nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kiềm chế được một số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn, chính quyền các cấp vẫn chưa quan tâm vào cuộc một cách đồng bộ, nhiều địa phương gần như giao trắng nhiệm vụ phòng, chống cháy cho lực lượng chuyên nghiệp của công an, kiểm lâm. Hệ thống tổ chức phòng, chống cháy chưa thực sự được quan tâm đúng mức, một số nơi lực lượng dân phòng và phòng cháy, chữa cháy cơ sở, phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành chưa được huấn luyện thường xuyên, chưa phát huy tốt vai trò nòng cốt, tổ chức diễn tập để người dân được tham gia trong phòng cháy, chữa cháy.

Hệ thống tổ chức phòng, chống cháy chưa thực sự được quan tâm đúng mức, một số nơi lực lượng dân phòng và phòng cháy, chữa cháy cơ sở, phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành chưa được huấn luyện thường xuyên.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị quy định và triển khai thống nhất đảm bảo chế độ, chính sách đối với lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng kiểm lâm, nhất là các bộ phận thường trực sẵn sàng 24/24. Có chính sách đầu tư từ cơ sở vật chất, thiết bị và cơ sở hạ tầng cho lực lượng phòng, chống cháy, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trang thiết bị chữa cháy cho các lực lượng tác chiến.

Đặc biệt, ngoài lực lượng kiểm lâm, công an thì quân đội và một số lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên cũng cần có các trang thiết bị như là cưa máy, máy thổi, can nhựa, các dụng cụ phun sương và dụng cụ cấp cứu khi thực hiện công tác trực tiếp chữa cháy. Có cơ chế, chính sách để thúc đẩy quá trình xã hội hóa trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

“Chính phủ cần có nghị định để giao các bộ, ban, ngành liên quan xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng công an, kiểm lâm, quân đội trong công tác tuyên truyền, phòng, chống cháy rừng, nhất là chủ rừng, người dân sống gần rừng và các lực lượng của địa phương trong việc phối hợp khi diễn ra sự cố cháy rừng, đảm bảo không trùng lặp nhiệm vụ khi tham gia phòng, chống cháy” - đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị.../.

Thy Hạt/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-dia-phuong-giao-trang-nhiem-vu-pccc-cho-cong-an-kiem-lam-978112.vov