Nhiều địa phương không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản
4 năm qua, 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước đang nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Song song với công tác tuyên truyền, các địa phương đã tăng cường xử lý mạnh các vi phạm về khai thác IUU để tăng tính răn đe, đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghề cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
Một trong những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu để được gỡ “thẻ vàng” đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam là bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến 24m. Đây cũng là một trong những giải pháp để góp phần quản lý, phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản (KTTS).
Thực hiện khuyến nghị này, thời gian qua, tất cả các tỉnh, thành ven biển đã rà soát, đẩy mạnh tiến độ lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá. Tại tỉnh Quảng Bình, đến nay, có gần 1.100 tàu cá đã lắp đặt thiết bị GSHT, đạt gần 90%. Đối với số tàu cá còn lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Bình đang phối hợp với các ngành chức năng theo dõi, giám sát, hỗ trợ chuyển đổi nghề hoặc tiếp tục vận động lắp đặt thiết bị GSHT.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành lắp đặt thiết bị GSHT cho tất cả tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên. Từ năm 2018 đến nay, Quảng Ninh không có tàu cá vi phạm KTTS ở vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện 5.722 vụ vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xử phạt 5.686 vụ, thu phạt, nộp ngân sách nhà nước gần 42 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy 34 tàu cá và nhiều tang vật vi phạm.
Trong khi đó, thông qua công tác tuyên truyền, cảnh báo, các tàu cá và ngư dân Quảng Trị không vi phạm vùng biển nước ngoài. Hiện, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các lực lượng chức năng như BĐBP, Cảnh sát biển... tiếp tục thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân các quy định của pháp luật về KTTS, không khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng cá, không giải quyết cho tàu cá xuất bến nếu không đảm bảo các quy định an toàn, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Còn tại tỉnh Ninh Thuận, đến hết năm 2021, đã có 755/778 tàu cá lắp thiết bị GSHT, đạt 97%; 1.651/2.236 tàu được cấp giấy phép khai thác, đạt 73,8%. Các lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức 40 chuyến tuần tra trên biển và xử phạt 74 trường hợp vi phạm các quy định về KTTS, đồng thời, tổ chức tập huấn tuyên truyền về IUU cho chủ tàu, ngư dân... Tính đến nay, Ninh Thuận không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tăng cường xử phạt tàu cá vi phạm
Song song với công tác tuyên truyền, triển khai lắp đặt thiết bị GSHT, các địa phương đã tăng cường xử lý các vi phạm về KTTS. Trong quý I-2022, tỉnh Quảng Ngãi không có tàu cá nào của ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm về KTTS.
Chỉ tính riêng tháng 3-2022, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi phát hiện 77 tàu cá vượt ra khỏi sơ đồ trên phần mềm của hệ thống giám sát tàu cá và 253 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến 24m cùng 6 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên mất kết nối trên biển trên 10 ngày. Các cơ quan chức năng địa phương này đã xử phạt vi phạm hành chính 26 trường hợp/26 phương tiện, với số tiền gần 400 triệu đồng.
Tại tỉnh Quảng Trị, trong quý I-2022, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 3 chuyến tuần tra trên biển và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại các cảng cá, phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 12 trường hợp... Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Quảng Trị sẽ tiếp tục phối hợp với các đồn Biên phòng tuyến biển kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động KTTS.
Với mục tiêu góp phần sớm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, những năm qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tàu cá KTTS bất hợp pháp. Các lực lượng thanh tra thuộc Chi cục Thủy sản, lực lượng BĐBP đã phối hợp với ban, ngành, UBND các huyện, thị xã ven biển tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, với sự tham gia của nhiều ban, ngành, UBND các huyện, thị xã ven biển... Trong năm 2021, lực lượng chức năng kiểm tra hơn 2.700 lượt phương tiện, phát hiện và xử phạt 84 vụ/84 đối tượng/84 phương tiện.
Thực hiện quyết tâm gỡ “thẻ vàng”, cùng với các sở, ngành, địa phương, các đơn vị Biên phòng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân, nhất là các chủ tàu cá, thuyền trưởng để thay đổi, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho ngư dân, đi đôi với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế biển bền vững, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý người, tàu cá trước khi xuất, nhập bến và cả khi hoạt động trên biển; quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ các đối tượng tàu cá “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài để kịp thời có biện pháp ngăn chặn vi phạm.
Bên cạnh đó, các đơn vị BĐBP còn tích cực tham mưu cho các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, các phương tiện trốn tránh vi phạm di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác hoạt động; tăng cường lực lượng, phương tiện ở các địa bàn trọng điểm về tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định.
Các đơn vị BĐBP cũng phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố tuyến biển tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài...