'Nhiều địa phương lo đến mất bình tĩnh khi địa bàn lân cận có dịch'
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho rằng một số địa phương chưa có dịch, chưa có kinh nghiệm nên lo lắng khi thấy dịch xuất hiện ở địa bàn lân cận, thậm chí mất bình tĩnh.
Ngày 5/6, Thủ tướng ban hành công điện số 789 yêu cầu chấn chỉnh việc áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết gây ảnh hưởng sản xuất kinh doanh.
Mệnh lệnh này được đưa ra ngay sau khi một số địa phương lân cận TP.HCM áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan gây phản ứng trong dư luận, thậm chí có nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.
Cảnh giác, nhưng không hốt hoảng
Trao đổi với Zing, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, khẳng định Chính phủ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh và nhắc nhở các địa phương trong việc này.
Cùng với nhiệm vụ xuyên suốt thực hiện “mục tiêu kép”, người phát ngôn Chính phủ nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chống hai khuynh hướng là chủ quan và hoảng sợ. Địa phương phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống thực tiễn.
Song thực tế, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho rằng một số địa phương chưa có dịch, chưa có kinh nghiệm chống dịch lại quá lo lắng khi thấy dịch xuất hiện ở địa bàn lân cận, thậm chí "lo đến mất bình tĩnh".
Một số địa phương quá lo lắng khi thấy dịch xuất hiện ở địa bàn lân cận, thậm chí mất bình tĩnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn
“Trước khi Thủ tướng có công điện, chúng tôi liên tục gọi điện cho lãnh đạo các địa phương để trao đổi, truyền đạt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ. Một số lãnh đạo chia sẻ quá lo lắng trước tình hình dịch diễn biến khó lường, nhưng sau khi được phân tích, nhắc nhở, họ đã ngay lập tức có điều chỉnh phù hợp”, người phát ngôn Chính phủ nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của “mục tiêu kép”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho rằng khi dịch xảy ra có ảnh hưởng đến kinh tế xã hội nhưng không nhiều, song nếu giãn cách xã hội, phong tỏa thì việc ảnh hưởng gần như tuyệt đối.
Vì vậy, quan điểm của Chính phủ là nơi nào có dịch thì khoanh vùng thật chặt để kiểm soát, nơi nào không bị ảnh hưởng thì làm ăn, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
“Vấn đề quan trọng nhất và cần tập trung đẩy mạnh hiện nay là thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine, đẩy nhanh tiêm chủng diện rộng cho toàn dân để tạo được miễn dịch cộng đồng”, ông Sơn nêu rõ.
Nhìn từ góc độ chuyên gia, TS Kinh tế Trần Du Lịch nhắc đến việc Đồng Nai vừa qua ra quyết định yêu cầu người về/đến từ TP.HCM phải cách ly 21 ngày là “cứng nhắc”. Song, ông cũng hoan nghênh địa phương này sau khi gặp phản ứng đã kịp thời tiếp thu và điều chỉnh.
Không chỉ Đồng Nai, nhiều địa phương khác cũng ra quyết định tương tự khi yêu cầu những người đến từ TP.HCM phải cách ly 21 ngày, như Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Lâm Đồng… Một số nơi như Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Quảng Nam… thì tuyên bố cách ly những người đến từ quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM - tức là ở phạm vi hẹp hơn.
“Các tỉnh, thành cần đề phòng cảnh giác, tập trung chống dịch nhưng không hốt hoảng dẫn đến những quyết định, phản ứng thiếu cân nhắc”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Chính phủ chưa bao giờ có chủ trương đóng cửa nên các địa phương cũng không thể tự cô lập trong cuộc chiến chống đại dịch
TS Trần Du Lịch
Theo ông, quan hệ kinh tế không mang tính ranh giới hành chính. Ví dụ, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai có thị trường lao động chung, mang tính chất vùng. Vì vậy, khi thực hiện mục tiêu kép, phải xử lý theo quan hệ vùng chứ không thể theo đơn vị hành chính, kể cả biện pháp chống dịch cũng vậy. "Đây là cái cần rút kinh nghiệm và cần tính toán trong quản lý địa bàn”, ông Lịch nói.
Quan sát những chỉ đạo chống dịch từ năm 2020, tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng giải pháp truy vết, khoanh vùng, cách ly đã được Việt Nam thực hiện có hiệu quả nhưng chiến lược quan trọng nhất hiện nay là tập trung vào vaccine để theo kịp đà của khu vực và thế giới. Trong chiến lược này, vị chuyên gia kinh tế cũng góp ý không nên thực hiện theo ranh giới hành chính mà cần tính đến liên kết vùng.
“Nếu như ưu tiên tiêm cho công nhân khu công nghiệp, phải thấy các khu công nghiệp ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương có liên kết với nhau chứ đây không phải chuyện riêng của mỗi tỉnh, phải làm vậy mới có hiệu quả trong tạo miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, cần ưu tiên cho lực lượng tham gia lao động sản xuất để không gãy đổ nền kinh tế”, ông góp ý.
Nhấn mạnh “Chính phủ chưa bao giờ có chủ trương tự đóng cửa”, tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng các địa phương cũng không thể tự cô lập mình trong cuộc chiến chống đại dịch.
Không thể tự đặt ra quy định, tự cô lập mình
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách), phân tích đợt dịch thứ tư có 3 dấu hiệu đặc trưng, khác với giai đoạn trước. Một là biến chủng virus độc lực mạnh hơn, hai là tốc độ lây lan nhanh hơn, ba là thế giới đã có vaccine ngừa Covid-19.
Vì thế, cách phòng, chống dịch phải phù hợp với giai đoạn này, như Thủ tướng đã truyền đi thông điệp “chuyển từ phòng ngự sang tấn công”.
Theo ông Vân, nếu duy trì phương thức cũ là bao vây, truy vết, cách ly thì không còn phù hợp vì chúng ta đã có công cụ chống lại dịch bệnh là vaccine. Chiến lược mới trong chống dịch được Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia nhấn mạnh là “5K + vaccine + công nghệ”.
Bên cạnh đổi mới phương thức chống dịch, ông Vân đánh giá cao việc Chính phủ phân cấp, phân quyền cho địa phương. Theo ông, điều này đòi hỏi 3 yếu tố mà các tỉnh, thành, đặc biệt người đứng đầu, phải nắm rõ.
Thứ nhất là tính chủ động, chủ công, tự chủ của chính quyền địa phương phải phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế. Chính sách ban hành phải tính tới tác động đối với quan hệ bên ngoài ranh giới hành chính.
Thứ hai, mỗi địa phương phải hiểu thế nào là chủ động tấn công và công cụ để tấn công là gì.
Các địa phương không thể chọn cách dễ nhất cho mình mà gây khó cho người khác
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân
Thứ ba, các tỉnh, thành đảm bảo an toàn cho mình nhưng cũng phải đảm bảo cho cả những người xung quanh. “Nghĩa là các tỉnh không chỉ tính tới an toàn cho địa phương mình mà phải bảo đảm được an toàn cho địa phương khác. Chính vì thế, không thể chọn cách dễ nhất cho mình mà gây khó cho người khác”, ông Vân nhấn mạnh.
Theo ông, việc áp dụng biện pháp cứng nhắc, cực đoan sẽ làm đứt đoạn giao lưu về xã hội, cắt đứt mạch máu lưu thông kinh tế.
Vị đại biểu Quốc hội cho rằng điều này đòi hỏi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải có nhận thức đúng. Đây cũng là thách thức phản ánh trình độ, năng lực cán bộ, nhất là người đứng đầu ở địa phương.
“Khi có dịch bệnh, anh cũng phải sẵn sàng chia sẻ với khó khăn của địa phương khác, cùng địa phương khác tháo gỡ, nhất quán thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với quy định của pháp luật. Không thể tự đặt ra quy định, lợi dụng quy định phân cấp, phân quyền để áp dụng biện pháp cực đoan, tự cô lập mình với địa phương khác”, ông Vân nhấn mạnh.
Theo ông, chống dịch là yếu tố quyết định, nhưng nếu không quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sẽ không có nguồn lực để tiếp tục chống dịch.
“Tập trung chống dịch là tốt nhưng làm cực đoan thì vô hình trung sẽ cắt đứt mạch máu về kinh tế vốn dĩ kết nối liên thông địa phương này với địa phương khác, tổ chức kinh tế này với tổ chức kinh tế khác, như vậy làm sao sản sinh được của cải vật chất cho xã hội để lấy nguồn lực đó tiếp tục chống dịch”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, lưu ý.