Nhiều địa phương long trọng mừng thọ người cao tuổi

Xuất phát từ quan niệm trọng xỉ, tục mừng thọ người cao tuổi trở thành nét văn hóa trong đời sống từ bao đời nay…

Lễ mừng thọ ở thôn Kim Thượng, xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý ngày mồng 4 tết Canh Tý

Xưa kia, dân gian hay truyền tụng câu “Triều đình thượng tước, hương đảng thượng xỉ”, có nghĩa là triều đình xem trọng chức tước, hương đảng xem trọng tuổi tác. Thời gian cứ trôi, chế độ xã hội cũng thay đổi, nhưng quan niệm này vẫn tồn tại trong tâm thức con người tạo nên văn hóa ứng xử truyền thống cho nhiều thế hệ người Việt Nam. Trong thời đại Hồ Chí Minh, người cao tuổi được tôn trọng trên nhiều phương diện: tuổi tác, kinh nghiệm sống, truyền thống và các giá trị đạo đức xã hội…

Chăm sóc người cao tuổi là hoạt động được luật hóa, thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi – trụ cột tinh thần của gia đình và xã hội, trong đó, mừng thọ đầu xuân là một trong nhiều hoạt động thể hiện sự quan tâm ấy. Vì thế, cứ đến mỗi độ xuân về, các địa phương long trọng tổ chức lễ mừng thọ người cao tuổi. Cho dù việc tổ chức các nghi lễ ở mỗi địa phương không giống nhau, nhưng mừng thọ luôn là nét đẹp văn hóa đầu xuân, tạo nên những giá trị tinh thần sâu sắc cho mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã An Ninh, huyện Bình Lục trao giấy mừng thọ cho các cụ trong ngày lễ mừng thọ

Ở Hà Nam, lễ mừng thọ được tổ chức sau ngày mồng Một Tết. Hầu hết, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các địa phương đứng lên tổ chức nghi lễ một cách trang trọng. Người cao tuổi được mừng thọ từ 70 tuổi trở lên, theo tuổi chẵn như 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100… Tùy vào điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình mà việc tổ chức mừng thọ cho cha mẹ, ông bà tại gia khác nhau, nhưng sau khi tổ chức tại gia, các con cháu trong gia đình, dòng họ sẽ rước các cụ ra đình hoặc nhà văn hóa thôn, làng để chính quyền tổ chức nghi lễ mừng thọ chung. Các cụ được trao tặng giấy mừng thọ của Trung ương Hội Người cao tuổi, quà tặng của chính quyền địa phương, các dòng họ, các tổ chức đoàn thể… Ngày mừng thọ cho Người cao tuổi trở thành ngày hội đầu tiên của năm đối với mỗi làng.

Gia đình anh Trần Gia Hưng hạnh phúc trong ngày mừng thọ cha, ông mình

Anh Trần Gia Hưng, thôn An Tiến, xã An Ninh, huyện Bình Lục năm nay tổ chức mừng thọ cho cha tròn 90 tuổi, chia sẻ: “Thật vô cùng ý nghĩa khi mùa xuân Canh Tý chúng tôi tổ chức mừng thọ cha 90 tuổi cũng là mùa xuân Đảng ta tròn 90 năm. Gia đình tôi không chỉ hạnh phúc khi cha sống mạnh khỏe, thọ trường bên con cháu mà còn vinh dự tự hào khi mùa xuân này cụ đã gần 55 tuổi Đảng. Đây là dịp để con cháu hội tụ, nhắc nhở nhau truyền thống của ông cha, cố gắng phấn đấu, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội, làm tốt những điều cha tôi dăn dạy!”

Lãnh đạo địa phương tặng hoa, quà chúc mừng người cao tuổi, ghi nhận những đóng góp của các cụ đối với sự phát triển của quê hương.

Lễ mừng thọ cụ Trần Văn Chứ, thôn An Tiến, xã An Ninh, huyện Bình Lục được tổ chức tại gia. Đại diện chính quyền địa phương có mặt tham gia các nghi thức mừng thọ. Ông Lê Trọng Luyện, Bí thư Đảng ủy xã An Ninh nói: “Mùa xuân là mùa của lễ hội, mùa của đoàn tụ. Nhiều gia đình đã tổ chức mừng thọ cho cha mẹ, ông bà thể hiện sự quan tâm, chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần cho người cao tuổi. Tôi cho rằng, hoạt động này những năm qua đã phát huy tích cực giá trị văn hóa của đời sống, gìn giữ đạo đức gia phong, tác động tới tinh thần của người cao tuổi để họ sống vui, sống khỏe, sống có ích hơn”.

Chứng kiến buổi lễ mừng thọ của cụ ông Trần Văn Chứ, nhiều người cảm thấy hạnh phúc trước sự sum họp đầm ấm của gia đình, dòng họ, xóm làng. Trong những ngày đầu xuân năm mới, những lễ mừng thọ như thế diễn ra ở khắp các làng quê, chỉ lễ mừng thọ ở làng quê đầu xuân mới thực sự có niềm vui trọn vẹn…

Nghi lễ phát lộc cho con cháu với mong muốn tạo phúc của người già trong lễ mừng thọ

Giang Nam

Chu Uyên

Nguồn Hà Nam: http://www.baohanam.com.vn/doi-song/nhieu-dia-phuong-long-trong-mung-tho-nguoi-cao-tuoi-20724.html