Nhiều địa phương ở ĐBSCL khẩn trương khắc phục hậu quả dông, lốc
Trận mưa lớn kèm theo dông, lốc mạnh xảy ra ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã làm sập và tốc mái nhiều nhà dân.
Ngày 27/7, ông Dương Minh Sự - Phó chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra dông lốc làm sập và tốc mái nhiều nhà dân.
Theo đó, vào rạng sáng 26/7, trên địa bàn huyện U Minh xảy ra cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy, gió giật mạnh làm sập nhiều nhà dân.
Qua rà soát của cơ quan chức năng, tại 2 xã Khánh Hòa và Khánh Tiến có 21 căn nhà bị sập và tốc mái. Trong đó, có 8 căn sập hoàn toàn, 13 căn bị tốc mái, thiệt hại ước tính gần 1,3 tỉ đồng. Rất may vụ việc không gây thiệt hại về người.
Tại Bến Tre, lốc xoáy làm tốc mái 84 căn nhà. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Chợ Lách đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân các xã, huy động các nguồn lực "4 tại chỗ" để hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả thiên tai.
Còn tại Bạc Liêu, mưa dông đã làm 9 căn nhà ở xã Vĩnh Trạc bị sập và tốc mái, đồng thời làm gãy đổ trụ thu phát sóng, thiệt hại ước tính trên 200 triệu đồng. Đoàn công tác của tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên các hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Trước đó, do ảnh hưởng của các cơn mưa lớn kéo dài, trên địa bàn huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) cũng xảy ra điểm sạt lở ven sông vào rạng sáng 25/7, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân địa phương.
Theo đó, vị trí sạt lở là tuyến đường giao thông nông thôn thuộc địa bàn ấp Vinh Điền, xã Long Điền Tây. Trong đó, đoạn bị sạt lở hoàn toàn có chiều dài 30m, tiếp giáp với tuyến kênh. Ước tính thiệt hại trên 100 triệu đồng.
Mới đây, tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng khiến cho gần 6.000m2 đất ven sông Tiền thuộc xã An Hiệp bị nước cuốn trôi. Nhiều diện tích cây ăn trái đang bị đe dọa.
Hiện phần đất sạt lở được ghi nhận chủ yếu là đất vườn của 4 hộ dân. Do khu vực này không có nhà cửa nên không gây ra thiệt hại về người và các tài sản khác. Tuy nhiên, theo bà con, nơi đây đã có kè ngầm bảo vệ từ nhiều năm qua nên vụ sạt lở khiến mọi người rất bất ngờ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Tiếu - Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp, huyện Châu Thành, cho biết: Sạt lở có chiều dài khoảng 91m và ăn sâu vào đất liền 65m. Trước tình hình trên, UBND xã đã chỉ đạo các lực lượng đi đến khu vực sạt lở để thực hiện các nội dung phòng chống thiên tai".
Do mực nước đang dâng cao và xoáy mạnh nên dự báo, khu vực này nhiều khả năng vẫn còn tiếp tục xảy ra sạt lở. Hiện nằm trong vành đai sạt lở này có hơn 40 lồng bè nuôi cá điêu hồng của người dân. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân cần theo dõi diễn biến sạt lở, sẵn sàng phương án ứng phó, tránh những thiệt hại nghiêm trọng.
Dự báo, do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khả năng Tây Nguyên, Nam bộ vẫn có mưa dông kèm lốc xoáy đến hết tháng, nguy cơ dông lốc vẫn còn, người dân chú ý gia cố lại nhà cửa để phòng tránh thiệt hại do dông lốc gây ra.