Nhiều địa phương ở ĐBSCL yêu cầu người dân không được ra đường vào ban đêm

Hôm nay 27/7, nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL đã có chỉ đạo, yêu cầu người dân không được ra đường vào ban đêm.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh yêu cầu kể từ 18h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau, người dân tuyệt đối không ra đường (trừ trường hợp cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch; lực lượng phòng, chống thiên tai; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài; lực lượng phát hành thư báo; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến"; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gas). Thời gian thực hiện từ ngày 27/7 đến ngày 2/8/2021.

Bắt đầu từ tối 27/7, Hậu Giang yêu cầu người dân tuyệt đối không ra đường. Ảnh: Lý Anh Lam

Bắt đầu từ tối 27/7, Hậu Giang yêu cầu người dân tuyệt đối không ra đường. Ảnh: Lý Anh Lam

Tại tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời có công văn chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cùng các quy định tương tự tỉnh Hậu Giang, với gian thực hiện bắt đầu từ ngày 27/7 đến hết ngày 1/8/2021.

Trong công văn vừa ban hành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh- Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu kể từ 18h cho đến 5h sáng hôm sau, tất cả người dân trên địa bàn tỉnh không được phép ra đường (lưu thông trên bộ và trên sông), trừ trường hợp thật cần thiết như: cấp cứu, công vụ, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch hoặc thực hiện nhiệm vụ cấp bách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Thời gian áp dụng kể từ ngày 27/7 cho đến khi có thông báo mới của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Lương thực, thực phẩm luôn dồi dào tại các siêu thị ở Kiên Giang. Ảnh: Lam Hiếu

Lương thực, thực phẩm luôn dồi dào tại các siêu thị ở Kiên Giang. Ảnh: Lam Hiếu

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai nội dung chỉ đạo nêu trên trên các phương tiện thông tin cho người dân được biết, chấp hành thực hiện, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cũng đã chỉ đạo bắt đầu từ 0h ngày 28/7 người dân không được ra đường từ sau 18h hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương quy định cụ thể về thời gian người dân đi mua lương thực, hàng hóa thiết yếu theo nguyên tắc mỗi hộ gia đình chỉ cho phép 1 người đi mua lương thực, hàng hóa thiết yếu; từ 5-10 ngày đi chợ 1 lần; thực hiện luân phiên ngày chẵn, ngày lẻ; giới hạn thời gian đi mua lương thực, hàng hóa thiết yếu mỗi ngày 6 giờ (buổi sáng 3 giờ, buổi chiều 3 giờ).

Thành phố Bến Tre trước thời điểm quy định khung giờ đi chợ, ra đường. Ảnh: Chu Trinh

Thành phố Bến Tre trước thời điểm quy định khung giờ đi chợ, ra đường. Ảnh: Chu Trinh

Cũng theo tinh thần chỉ đạo này thì việc quy định thời gian đi mua hàng của người dân phải đảm bảo tránh đông người cùng một lúc; vận động người dân mua lương thực thực phẩm đủ dùng từ 5 đến 10 ngày để hạn chế tối đa việc người dân ra đường.

Kiên Giang phấn đấu không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm. Sở công thương theo dõi sát nguồn hàng thiếu yếu của người dân, có phương án phục vụ, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm hàng hóa thiết yếu cho người dân; có kế hoạch điều tiết, cung ứng hàng hóa kịp thời, trong đó ưu tiên các nguồn hàng có sẵn của địa phương bằng cách tổ chức thu mua và bán tại địa phương các loại rau xanh, lương thực, thực phẩm.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 gia tăng nhanh, bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng vừa ký văn bản số 4364 quy định khung giờ của một số hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre quy định, khung giờ đi chợ trên phạm vi toàn tỉnh là từ 6h đến 10hvà từ 14 đến 17 giờ mỗi ngày. Thời gian áp dụng kể từ 6h ngày 28/7. Từ 6 giờ ngày 28/7, người dân không được ra đường từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau. Đối với các trường hợp được ưu tiên ra đường trong khung giờ này là: đi cấp cứu, mua thuốc trị bệnh, thi hành công vụ,chuyên chở hàng hóa thiết yếu và các vấn đề cấp thiết khác.../.

PV/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-dia-phuong-o-dbscl-yeu-cau-nguoi-dan-khong-duoc-ra-duong-vao-ban-dem-877540.vov