Nhiều địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng 2 con số trong năm 2025

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 8/1, các địa phương thể hiện tinh thần quyết tâm, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2025, cùng cả nước vững bước, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 8/1, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định, năm 2024, Chính phủ đã điều hành đúng theo phương châm đã đề ra, kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, tăng tốc, sáng tạo, hiệu quả và bền vững.

Trong đó, điều hành thực hiện các dự án trọng điểm theo tinh thần quyết liệt, sâu sắc, hiệu quả, tạo áp lực và biến áp lực thành động lực. Điển hình của Dự án đường dây 500 kV mạch 3, được thực hiện trong thời gian rất ngắn với nhiều công việc. Thực sự là một kỳ tích truyền cảm hứng cho các địa phương thực hiện các dự án.

Đồng thời, việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, tạo thông thoáng hơn, phân cấp mạnh mẽ hơn. Trong thời gian vừa qua, nhất là tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, đã thông qua 18 Luật và 21 Nghị quyết, sửa 4 Luật, tạo điều kiện cho việc thực hiện các nhiệm vụ, khơi thông các nguồn lực cho sự phát triển đất nước nói chung và các địa phương nói riêng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quan tâm chỉ đạo các việc liên quan đến hỗ trợ người dân, nhất là người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, điển hình là người dân ở phía Bắc, chịu tác động của cơn bão số 3; và những người dân có khó khăn thông qua chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Đặc biệt, Chính phủ đã triển khai rất quyết liệt và mạnh mẽ cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy.

Trong tinh thần đó, năm 2024, tỉnh Nghệ An đã đạt và vượt 27/28 chỉ tiêu kinh tế, xã hội. Cụ thể, tăng trưởng GRDP trên 9% (9,01%), thu ngân sách đạt 25.400 tỷ đồng; tiếp tục duy trì top 10 các tỉnh, thành phố trong thu hút đầu tư với 1,75 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công đạt 92,5%.

Nghệ An cũng tập trung hoàn thành được các công trình trọng điểm, đảm bảo yêu cầu về hạ tầng cho sự phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, chủ động thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, hoàn thành 11.787 căn nhà, đạt 75% mục tiêu, và quyết tâm hoàn thành vào ngày 31/8/2025.

"Năm 2025, Nghệ An xác định đặt mức tăng trưởng là không dưới 10%, tập trung chỉ đạo thực hiện thành công, an toàn tuyệt đối Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; tập trung cao độ để thực hiện và hoàn thành có hiệu quả, có kết quả về tinh gọn, tổ chức bộ máy," Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung nêu.

Bí thư Thành ủy TP Huế Lê Trường Lưu: Năm 2025, TP Huế quyết tâm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng đạt hai con số là 10% và cũng đã đề ra nhiều cái nhóm giải pháp cụ thể - Ảnh: VGP

Bí thư Thành ủy TP Huế Lê Trường Lưu: Năm 2025, TP Huế quyết tâm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng đạt hai con số là 10% và cũng đã đề ra nhiều cái nhóm giải pháp cụ thể - Ảnh: VGP

Bày tỏ sự phấn khởi tại hội nghị khi trở thành thành phố thứ 6 trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1/2025, Bí thư Thành ủy TP Huế Lê Trường Lưu thông tin, năm 2024, TP Huế hoàn thành 13/15 chỉ tiêu chủ yếu và tăng trưởng đạt 8,15%, thu ngân sách đạt trên 13.000 tỷ đồng, du lịch tiếp tục khởi sắc, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 85%, nhiều công trình trọng điểm tạo động lực và góp phần thay đổi diện mạo đô thị Huế theo hướng văn minh, hiện đại.

"Năm 2025, TP Huế quyết tâm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng đạt hai con số là 10% và cũng đã đề ra nhiều cái nhóm giải pháp cụ thể," Bí thư Thành ủy TP. Huế nhấn mạnh.

Gửi gắm kiến nghị đến Chính phủ, ông Lê Trường Lưu mong muốn Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương phối hợp với TP Huế trong quá trình tổng kết Nghị quyết 54, Nghị quyết 83 của Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị. Đồng thời phối hợp hướng dẫn rà soát nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, có tính đột phá để tiếp tục tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo phù hợp với tính chất mô hình tổ chức chính quyền của thành phố Huế.

Đồng thời, TP Huế kiến nghị Chính phủ tăng hạn mức sử dụng đất xây dựng khu công nghiệp để sớm chuẩn bị đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng. Tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các dự án đầu tư bất động sản, dự án ngoài ngân sách để giải phóng nguồn lực và chống lãng phí.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh tỉnh Tây Ninh tiếp tục phát triển toàn diện, có mặt nổi bật, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế, xã hội.

Đặc biệt tăng trưởng kinh tế GRDP vượt Nghị quyết, tăng 8,45%. Du lịch tiếp tục là điểm sáng. Kim ngạch xuất khẩu vượt kế hoạch tăng 16,7%, đạt 7,6 tỷ USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 118,5% so với dự toán.

Tây Ninh tiếp tục duy trì nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất, giải ngân vốn đầu tư công đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. An sinh xã hội được bảo đảm. Tiếp tục duy trì nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước, và triển khai được 50% Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

"Năm 2025, Tây Ninh thể hiện quyết tâm cao, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, trong đó, thực hiện thành công việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu quả, hiệu lực theo chủ trương trong quý 1/2025," Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định.

Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương hiện thực hóa nhanh các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội, khai thác hiệu quả, tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực để tạo đột phá trong thực hiện phát triển kinh tế trong năm 2025 và cả giai đoạn 2026 – 2030.

Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ triển khai nhanh, có hiệu quả quy hoạch vùng và các chương trình hợp tác đã ký kết, đặc biệt là các dự án trọng điểm, liên kết vùng về giao thông.

Đồng thời, quan tâm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy phát nhanh, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án trọng điểm công - tư của địa phương để tạo ra động lực phát triển. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để xây dựng môi trường đầu tư chuyên nghiệp, minh bạch, thân thiện, có tính cạnh tranh cao.

"Tây Ninh sẽ nỗ lực lớn, quyết tâm cao vì cả nước, cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là phấn đấu đạt ở mức cao nhất về tăng trưởng hai con số trong năm 2025, cùng cả nước vững bước, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam," Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc nói.

Lãnh đạo các địa phương dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ - Ảnh: VGP

Lãnh đạo các địa phương dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ - Ảnh: VGP

Cũng thể hiện quyết tâm vững bước vào kỷ nguyên mới, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh, tỉnh Hải Dương xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để đạt được cam kết những mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời phải tập trung vào Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; thực hiện quyết liệt nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Theo đó, tỉnh đã đề ra 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội chủ yếu, trong đó mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, phấn đấu đạt trên 12% so với năm 2024.

"Để đạt được mục tiêu, trước mắt tỉnh sẽ quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài. Đồng thời, lãnh đạo khắc phục triệt để các dự án chậm tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa các dự án, công trình vào hoạt động, không để tiếp tục xảy ra lãng phí," lãnh đạo Tỉnh Hải Dương bày tỏ quyết tâm.

Để hoàn thành được nhiệm vụ, Hải Dương đã chủ động xây dựng và ban hành kịch bản điều hành tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, kịch bản giải ngân vốn đầu tư công theo từng tháng, từng quý, từng công trình, từng dự án, đảm bảo cả năm vượt các chỉ tiêu đề ra và triển khai ngay trong toàn tỉnh. Đồng thời, đây là cơ sở để theo dõi, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần đẩy mạnh phòng chống lãng phí, tiêu cực.

 Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng: Tỉnh đã đề mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, phấn đấu đạt trên 12% so với năm 2024 - Ảnh: VGP

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng: Tỉnh đã đề mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, phấn đấu đạt trên 12% so với năm 2024 - Ảnh: VGP

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, tiền đề vững bước vào năm 2025 xuất phát từ một số kết quả nổi bật về phát triển kinh tế, xã hội của địa phương 2024. Trong đó, năm 2024, Hải Dương là một trong các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề của cơn bão số 3. Với quyết tâm cao, Hải Dương đã tăng trưởng mạnh mẽ, tăng 12% so với năm 2023, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng khi tăng trưởng đạt 14,17%.

Ngoài ra, lần đầu tiên thu ngân sách của tỉnh đạt trên 30.000 tỷ đồng, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong công tác tài chính, đưa Hải Dương vào trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách đạt mốc 30.000 tỷ đồng.

Năm 2024, tỉnh cũng đã tập trung cao độ việc đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình giao thông trọng điểm quan trọng, kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển mới cho tỉnh. Giải ngân đầu tư công đạt trên 117% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt trên 95% kế hoạch tỉnh giao.

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhieu-dia-phuong-xay-dung-kich-ban-tang-truong-2-con-so-trong-nam-2025-37327.html