Nhiều dịch bệnh bùng phát, cần phải đầu tư nguồn lực lâu dài để ứng phó
Nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong tương lai ra sao và những giải pháp chiến lược về y tế dự phòng sẽ phải chuẩn bị những gì? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.
Nhiều dịch bệnh xuất hiện và bùng phát cùng lúc như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, chân tay miệng, bạch hầu, đậu mùa khỉ, whimore… đã khiến các cơ sở y tế quả tải, thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân nặng. Cùng lúc xuất hiện nhiều dịch bệnh có là điều bất thường hay không? Nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong tương lai ra sao và những giải pháp chiến lược về y tế dự phòng sẽ phải chuẩn bị những gì? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, thời điểm này có thể coi là dịch chồng dịch hay không khi xuất hiện đồng loạt nhiều dịch bệnh đang lây lan nhanh? Hiện tượng này có được coi là bất thường hay không?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Dịch chồng dịch là câu cửa miệng. Bệnh dịch lưu hành năm nào cũng có, chỉ ít hay nhiều, dịch bệnh chu kỳ 3-5 năm hoặc vài năm lại xuất hiện. Đồng thời, dịch bệnh xuất hiện phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên. Chẳng hạn sốt xuất huyết, nhiệt độ từ 25 độ trở lên, nóng ẩm, mưa nhiều thì bùng phát nhiều. Năm nay nhuận hai tháng 4, nắng nhiều, dịch đáng lẽ từ tháng 4 đến tháng 10, nhưng giờ kéo dài đến tháng 11. Sốt xuất huyết cũng phụ thuộc vào yếu tố xã hội như đi lại của người dân, dịch có thể lây lan từ Bắc đến Nam. Hoặc bệnh tay chân miệng bùng lên khi học sinh đi học trở lại. Hay bệnh bạch hầu bùng lên do trong thời gian đại dịch không tiêm chủng, thiếu vaccine 5 trong 1.
Hơn 2 năm đại dịch COVID-19 người dân giãn cách, phong tỏa, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay… thì những dịch bệnh này gần như không có. Nhưng sau đại dịch, các biện pháp giám sát gỡ bỏ, phòng dịch cũng không còn chú trọng, dịch sẽ bùng lên. Đặc biệt, trong đại dịch, tỉ lệ tiêm phòng vaccine ở một số nơi chưa cao nên không có miễn dịch, hay còn gọi là "nợ miễn dịch", một số bệnh lại không có vaccine, sau khi hết dịch COVID-19, các dịch bệnh khác mới bùng lên. Dịch bùng lên là sự tất yếu, không nằm ngoài dự đoán, không phải quá bất thường.
PV: Dịch sốt xuất huyết đang tăng rất cao, đã có nhiều ca tử vong, đặc biệt tại Hà Nội được đánh giá tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, sốt xuất huyết bị "vỡ" quy luật chu kỳ 4-5 năm bùng phát đỉnh dịch. Điều này có đáng lo ngại không, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Như tôi đã nói ở trên, sốt xuất huyết năm nay bùng phát mạnh là do thời tiết, nhuận hai tháng 4, nên dịch kéo dài tới tháng 11. Sốt xuất huyết bùng phát cũng không có gì bất thường, do sau đại dịch chúng ta không còn giãn cách xã hội, sự giao lưu đi lại nhiều thì bệnh cũng lây truyền nhiều. Do biến đổi khí hậu, thời tiết mưa nắng thất thường, hiện tượng El Nino… nên sốt xuất huyết không đi theo chu kỳ 4-5 năm mới có một trận dịch lớn, làm quy luật bị phá vỡ. Năm nay, số bệnh nhân tăng, ca nặng nhập viện tăng cũng không bất thường.
Ngoài nguyên nhân về khí hậu, thời tiết, sốt xuất huyết bùng phát còn do ý thức của người dân, chính quyền có nơi chưa vào cuộc mạnh mẽ, thiếu hóa chất để phun, thiếu sự quan tâm đúng mức nên nhiều ổ dịch tồn tại kéo dài và bùng phát mạnh. Điều cần làm là phải nâng cao ý thức của người dân, chính quyền và y tế cơ sở vào cuộc mạnh mẽ, phun hóa chất ngay khi phát hiện ổ dịch để nhanh chóng dập dịch, không để bùng phát, lan rộng. Quan trọng nhất của sốt xuất huyết là phải phòng bệnh ngay từ chính gia đình, như loại bỏ dụng cụ chứa nước là các vật dụng phế thải, thay nước các lọ hoa, chậu cảnh thường xuyên, thả cá vào bể, chum chứa nước mưa hoặc đậy kín thì mới hiệu quả.
PV: Dịch đau mắt đỏ đang hoành hành ở nhiều địa phương trên cả nước, theo ông vì sao dịch bệnh này lại lây lan mạnh như hiện nay? Có sự biến đổi của nguyên nhân gây bệnh hay không?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Đau mắt đỏ bùng phát và lây lan mạnh ra nhiều địa phương cũng không phải là điều bất thường, do giao lưu nhiều thì lây lan nhiều. Yếu tố thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều làm cho virus phát triển. Vài năm, dịch có một lần và do đây là bệnh chưa có vaccine, nên khi bùng phát, sẽ lây lan mạnh. Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ có thể là do Adenovirus, Hecpec, Enterovirus, với những biểu hiện như kích ứng mắt, đỏ mắt, sợ ánh sáng, tiết dịch mủ, chảy nước mắt nhiều. Đến nay, chưa ghi nhận sự biến đổi của virus hay vi khuẩn gây bệnh.
Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, thường tự khỏi nên người dân không quá lo lắng, khi bị đau mắt đỏ đến cơ sở y tế khám và được kê thuốc, không tự ý dùng lá trầu không đắp lên mắt, dùng nước tiểu nhỏ mắt, đắp thuốc đông y, hay dùng nước muối kiềm Smart A nhỏ vào mắt, thấm vào khăn gạc đắp lên mắt… Đây là những phương pháp phản khoa học, có thể dẫn đến bội nhiễm, làm nhiễm trùng nặng nề hơn, gây tổn thương cho mắt…
PV: Việt Nam xuất hiện 2 ca đậu mùa khỉ không có yếu tố dịch tễ đi nước ngoài. Liệu có ổ dịch trong cộng đồng mà chúng ta chưa phát hiện ra hay không, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Nguyên nhân dịch tễ cần phải điều tra, bởi đây là bệnh không lưu hành ở Việt Nam, có nguồn gốc từ châu Phi và châu Âu. Đậu mùa khỉ lây lan trong cộng đồng hẹp, quan hệ tình dục đồng tính, lây qua giọt bắn khi tiếp xúc gần…Vì vậy, điều tra dịch tễ kỹ xem các bệnh nhân trên có tiếp xúc với người nước ngoài và người từ nước ngoài về hay không. Hoặc có khả năng, người từ nước ngoài về đã khỏi bệnh, nhưng người tiếp xúc không biết, hoặc biết nhưng giấu không khai. Ngoài ra, cần giám sát ở cộng đồng xem có bệnh nhân nào mới không. Mặt khác, cần tăng cường giám sát ở cửa khẩu, đặc biệt là những người đi từ vùng dịch tễ về.
Đối với bệnh đậu mùa khỉ, điều tra và giám sát là quan trọng, phải đánh giá nguy cơ, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó để không để dịch rơi vào tình trạng mất kiểm soát, nhưng cũng không đầu tư quá tốn kém, gây lãng phí nguồn lực vì còn phải chống nhiều dịch khác như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tay chân miệng… Nếu chưa điều tra kỹ thì chưa kết luận được.
PV: Vậy, với sự bùng phát cùng lúc nhiều dịch bệnh như hiện nay, người dân cần phải làm gì, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Lúc này người dân cần phải làm tốt công tác phòng vệ. Chúng ta phải hiểu tất cả các bệnh lây theo hình thức gì để phòng. Có bệnh lây theo đường hô hấp nhưng không gây ra bệnh ở đường hô hấp nên phải hiểu biết từng bệnh thì mới có biện pháp phòng bệnh. Ví dụ đau mắt đỏ không phải đeo kính là phòng được bệnh cho người khác, mà bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, qua đường hô hấp, qua nước mắt, nước bọt, bắt tay… Bệnh cũng có khả năng lây qua tiếp xúc gián tiếp như cầm, nắm, chạm vào những vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh, sau đó đưa lên mắt; dùng chung vật dụng với bệnh nhân.
Nhiều người lại nhầm nằm cạnh người bị sốt xuất huyết thì lây, mà bệnh này lây qua muỗi đốt (muỗi gây bệnh sốt xuất huyết). Hay đậu mùa khỉ không lây theo đường tiêu hóa mà lây qua tiếp xúc khoảng cách gần với người bệnh bao gồm qua tiếp xúc mặt với mặt, cọ xát da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục. Tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa (phân-miệng) thông qua các giọt bắn từ miệng vào đồ chơi, qua phân của người bệnh ra ngoài vào thức ăn, nước uống và người lành ăn phải. Khi phát tán ra ngoài, virus vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, quần áo.
PV: Ông đánh giá thế nào về nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sẽ xuất hiện trong tương lai?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trong tương lai, những dịch bệnh nguy hiểm mới nổi sẽ có, đặc biệt những bệnh truyền từ động vật sang con người. Ví dụ, đã có những bệnh truyền từ động vật sang người như: HIV, corona, Nipah, Zika… Người vào rừng tiếp xúc với động vật lây sang người; hoặc ăn động vật xuất hiện dịch bệnh từ động vật sang người. Trong thời đại hiện nay, càng giao lưu đi lại nhiều càng lây lan dịch bệnh nhiều, dịch bệnh lây lan nhanh trong 24 giờ. Dịch bệnh bùng phát phụ thuộc vào 2 yếu tố tự nhiên và xã hội. Tình trạng đô thị hóa, biến đổi khí hậu, dụng cụ phế thải nhiều, ăn ở kém vệ sinh, vector truyền muỗi tăng lên dẫn đến sốt xuất huyết tăng lên. Dịch sẽ xuất hiện nhiều bệnh mới, những bệnh kháng kháng sinh, những bệnh đã thanh toán thì nay tái nổi.
PV: Việt Nam phải có giải pháp chiến lược về y tế dự phòng như thế nào để đáp ứng và ngăn chặn những dịch bệnh mới nổi, tái nổi, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Việt Nam là đất nước lưu hành nhiều dịch bệnh truyền nhiễm. Trước dịch bệnh diễn biến phức tạp phải có chính sách về dự phòng (phòng bệnh) dựa theo giải pháp của từng bệnh. Bệnh lây qua đường tiêu hóa phải có dự phòng; bệnh nào có vaccine thì tăng cường tiêm phòng. Nhà nước cần kêu gọi ý thức của toàn dân, vai trò của chính quyền cơ sở, chống dịch là sự vào cuộc của các cấp chứ không chỉ ngành y tế. Tăng cường cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… Nâng cao năng lực của y tế dự phòng và y tế cơ sở; đầu tư cho y tế dự phòng và không đầu tư lâu dài không được. Tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin để người dân biết dịch bệnh. Đầu tư nguồn lực phòng, chống dịch và đẩy mạnh truyền thông cho người dân, cùng vào cuộc để phòng, chống có hiệu quả.
PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!