Nhiều điểm lợi khi tăng hạn tuổi phục vụ trong Công an nhân dân
Việc điều chỉnh độ tuổi phục vụ trong Công an nhân dân sẽ tạo sự đồng bộ, tương tích với Bộ Luật Lao động và tăng dày thêm các quỹ bảo hiểm xã hội...
Thừa hưởng kinh nghiệm, tạo điều kiện tốt trong công việc
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân trong phiên thảo luận tổ chiều 27/5, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) chỉ ra, việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an có nhiều điểm lợi.
Theo ông Trung, điều chỉnh tuổi như trên sẽ tạo sự đồng bộ, tương tích với Bộ Luật Lao động và tăng dày thêm các quỹ bảo hiểm xã hội.
“Số sĩ quan, nhất là sĩ quan cấp cao (từ thượng tá trở lên) khi được kéo dài tuổi sẽ giúp thừa hưởng kinh nghiệm của họ, từ đó tạo điều kiện tốt cho công việc, lực lượng” – ông Trung phân tích.
Về tăng tuổi đối với nữ sĩ quan, Giám đốc Công an TP.Hà Nội nói, hiện số lượng nữ trong lực lượng công an chỉ chiếm hơn 10%. Số cán bộ nữ này phần lớn làm công tác trong giáo dục, y tế, công tác đảng, chính trị, hậu cần, tài chính, còn làm việc bộ phận khác không nhiều.
Ông Trung phản ánh, trước đây tất cả cán bộ nữ đều về hưu ở tuổi 55 nhưng sau đó có thay đổi cho phép một số vị trí phó chủ tịch tỉnh, ủy viên Trung ương trở lên hay trong công an nếu là tướng trở lên sẽ nghỉ ở tuổi 60.
“Dư luận từng nhiều lần lên tiếng ủng hộ việc tăng tuổi làm việc cho nữ, họ nói “đến tuổi 55 chưa kịp cất cánh đã hạ cánh”. Họ phân tích, trước tuổi 55 phải lo việc gia đình, rất nhiều thứ, đến lúc con cái lớn, rảnh hơn để lo công việc lại nghỉ hưu mất rồi" – ông Trung phản ánh.
Liên quan đến nâng hạn tuổi phục vụ trong công an, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhận xét, đề xuất sĩ quan công an là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp được kéo dài thời hạn phục vụ từ 60 lên 62 tuổi với nam; 55 lên 60 tuổi với nữ là thống nhất với các ngành khác.
Theo bà, những người có học hàm, học vị cao luôn được khuyến khích làm việc tiếp, cũng cần quy định rõ những người này chỉ làm chuyên môn chứ không làm quản lý.
Vẫn theo nữ đại biểu của TPHCM, kéo dài tuổi hưu, nhìn mặt tích cực là sẽ tận dụng được kinh nghiệm, chất xám trong khi đất nước còn thiếu người có trình độ cao.
Trước đó, tại tờ trình dự thảo luật, lý giải cho đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ trong Công an nhân dân, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc này nhằm đảm bảo sự thống nhất với Bộ Luật lao động, vốn được coi là “luật gốc” về tuổi nghỉ hưu của người lao động nói chung.
Đề nghị nâng trần hàm Đại tướng cho vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách Quốc phòng - An ninh
Đề cập đến việc bổ sung thêm 6 vị trí có trần hàm cấp tướng, đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương) thông tin, theo thông báo của Bộ Chính trị từ năm 2014, Luật Công an nhân dân 2018 thì hiện nay trong lực lượng CAND có tối đa 205 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, gồm: 1 vị trí đại tướng, 6 vị trí thượng tướng, 35 vị trí trung tướng và 157 vị trí thiếu tướng.
“Hiện nay tổng số mới có 199 vị trí có hàm cấp tướng. So với số vị trí cơ quan có thẩm quyền cho phép thì còn 6 vị trí” – ông Khánh nói đồng thời cho biết, từ thực tiễn tổ chức bộ máy của Bộ Công an sau khi kiện toàn từ 2018 đến nay và theo yêu cầu thực tiễn, Chính phủ đề nghị bổ sung 6 vị trí mang hàm cấp tướng là phù hợp. Trong số này có 1 vị trí thượng tướng cho sỹ quan công an biệt phái giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội.
“Những khóa gần đây, người giữ chức vụ này chủ yếu là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng biệt phái sang và trước khi sang đã đeo quân hàm thượng tướng theo vị trí của Bộ Quốc phòng. Còn khóa XV, vị trí này do một Thứ trưởng Bộ Công an đảm nhiệm. Khi nhận nhiệm vụ này đồng chí Lê Tấn Tới đeo quân hàm thiếu tướng, vừa rồi tháng 11-2022 được phong quân hàm trung tướng” – đại biểu Khánh chia sẻ.
Luật hiện hành chưa có quy định chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh là sỹ quan công an mà mới có Phó chủ nhiệm là công an với trần cao nhất là trung tướng. Điều này, theo ông Khánh, chưa bảo đảm tiêu chí của người giữ chức vụ Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội nói chung, Ủy ban Quốc phòng - An ninh nói riêng.
“Vị trí này có thể xếp tương đương với bộ trưởng nhưng luật hiện nay chưa quy định, do đó bổ sung quy định cấp hàm thượng tướng là rất hợp lý” – ông Khánh nói.
Vẫn theo Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh, vị trí này không hoàn toàn là chỉ dành cho sỹ quan công an mà việc này thuộc thẩm quyền phân công của Đảng và Quốc hội bầu. Khi sửa Luật sỹ quan quân đội nhân dân thì cũng cần thiết kế một quy định tương tự như vậy thì hoàn toàn phù hợp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Minh Đức chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã thống nhất với Bộ Quốc phòng, năm 2024, theo yêu cầu của Trung ương, dự kiến Bộ Quốc phòng sẽ trình Luật Sĩ quan quân đội (sửa đổi)”.
Còn về một số vị trí được nâng trần thiếu tướng, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) cho hay, có 2 vị trí ở trường Đại học An ninh nhân dân và trường Đại học Cảnh sát nhân dân ở phía Nam.
“Khi xây dựng Luật Công an nhân dân 2018 chủ trương là không tổ chức hoàn chỉnh 2 trường này ở phía Nam mà chỉ xác định đây sẽ trở thành phân hiệu của các trường ngoài Bắc. Tuy nhiên, sau đó có nhiều ý kiến phải xây dựng 2 trường hoàn chỉnh ở phía Nam” – ông Trung nói.
Do đó, vẫn duy trì hai trường này ở phía Nam và chức năng, nhiệm vụ không khác các trường khác của lực lượng công an, song không có trong danh sách phong hàm cấp tướng. Vì thế, việc bổ sung là rất hợp lý.
Tán thành với các nội dung sửa đổi, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) khẳng định, việc bổ sung thêm một vị trí có hàm thượng tướng đối với sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội là hợp lý.
“Quy định này phù hợp với vị trí, vai trò, nhiệm vụ quan trọng của Chủ nhiệm phụ trách một lĩnh vực hết sức quan trọng” – bà Hoa nêu quan điểm.
Nhắc lại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề xuất Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách về quốc phòng - an ninh phải có hàm Đại tướng, đại biểu Hoa bày tỏ: “Tôi cho rằng đề xuất này có tính hợp lý. Bởi rõ ràng, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách quốc phòng - an ninh là cấp lãnh đạo của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh. Mà chủ nhiệm là thượng tướng rồi thì đương nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng phải ít nhất là thượng tướng, còn không phải là đại tướng như đại tướng Đỗ Bá Tỵ khóa XIV”.
Đồng quan điểm, cả đại biểu Dương Văn Thăng và Văn Thị Bạch Tuyết của đoàn TPHCM đều đề nghị, cần xem xét quy định cấp bậc hàm đại tướng cho Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách mảng quốc phòng - an ninh.