Nhiều điểm mới trong nghị định của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm
Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ đảm bảo phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Sáng 16/2, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng hình thức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc điều hành tại điểm cầu Hà Nội.
Ngày 30/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2023 (thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017). Mục tiêu của nghị định nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của khuôn khổ pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác liên quan; thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký và hệ thống đăng ký. Đồng thời nắm bắt, bao quát được những vấn đề mới, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn và trong quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP kế thừa Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, phạm vi điều chỉnh của nghị định được xác định là quy định về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản (gọi chung là biện pháp bảo đảm); quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Đối với hoạt động của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: cần quán triệt việc thực hiện quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP tại địa phương; công bố, niêm yết thủ tục hành chính trong đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương; thực hiện truyền thông về thi hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP; chủ động tổ chức tập huấn nghiệp vụ về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, công tác quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm tại địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung liên quan đến Nghị định số 99/2022/NĐ-CP như: tác động của nghị định đối với hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tại tổ chức tín dụng; một số nội dung mới, cơ bản về đăng ký biện pháp bảo đảm và công tác triển khai thi hành; triển khai một số quy định về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP đảm bảo phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; bám sát phương châm hành động, trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về cải cách TTHC, đảm bảo hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, góp phần phát triển an toàn, ổn định việc tiếp cận vốn cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Nghị định đảm bảo phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; phù hợp với quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính; kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP; pháp triển các thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành liên quan và các địa phương bám sát các nội dung được trình bày tại hội nghị để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 99/2022/NĐ-CP.