Nhiều điểm mới về mức đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở tăng từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng/tháng. Đây là điều chỉnh theo Nghị định 38 của Chính phủ, nhằm phần nào đáp ứng sự thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước.
Lương cơ sở tăng 100.000 đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 38/2019/NĐ-CP ngày 9/5/2019 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội...
Theo đó từ 1/7/2019, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ chính thức tăng lên 1.490.000 đồng/tháng, thay vì 1.390.000 đồng/tháng như hiện tại.
Theo Nghị định 38, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng có thời điểm bắt đầu hưởng trước ngày 1/7/2019 được điều chỉnh tăng thêm 7,19% so với mức tiền lương hiện hưởng tháng 6/2019.
Để các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH biết được cách tính lương hưu mới ra sao, số tiền mình được hưởng hàng tháng tăng hơn bao nhiêu so với mức hưởng hiện hành, BHXH Hà Nội đã công khai và hướng dẫn cách tính lương hưu mới để mọi người dân cùng biết. Cách tính như sau: Ví dụ: ông Nguyễn Văn A có mức hưởng lương hưu tháng 6/2019 là 5.254.778 đồng. Từ ngày 1/7/2019 mức hưởng của ông Nguyễn Văn A được điều chỉnh như sau: 5.254.778 + (5.254.778 x 7.19 %) = 5.632.596 đồng (tăng 337.800 đồng).
Mức đóng
Do lương cơ sở tăng nên kể từ 1/7/2019, một số đối tượng sẽ có mức thay đổi đáng kể về số tiền để đóng bảo hiểm y tế (BHYT) và BHXH bắt buộc. Cụ thể như sau: Số tiền đóng BHYT (của người hoạt động không chuyên trách cấp xã) là: 4,5% x 1.490.000 = 67.050 đồng/tháng (tức tăng 4.500 đồng/tháng).
Số tiền đóng BHYT (theo gia đình) cụ thể như sau: Người thứ nhất: 4,5% x 1.490.000 = 67.050 đồng/tháng (tức tăng 4.500 đồng/tháng); Người thứ hai: 70% x 67.050 = 46.935 đồng/tháng (tức tăng 3.150 đồng/tháng); Người thứ ba: 60% x 67.050 = 40.230 đồng/tháng (tức tăng 2.700 đồng/tháng); Người thứ tư: 50% x 67.050 = 33.525 đồng/tháng (tức tăng 2.250 đồng/tháng); Từ người thứ năm trở đi: 40% x 67.050 = 26.820 đồng/tháng (tức tăng 1.800 đồng/tháng).
Số tiền đóng BHXH (đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất của người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn) là: 8% x 1.490.000 = 119.200 đồng/tháng (tức tăng 8.000 đồng/tháng).
Số tiền tối đa để đóng BHXH đối với người lao động và người hưởng tiền lương sẽ do Nhà nước quy định. Căn cứ Khoản 3, Điều 89 Luật BHXH 2014, tiền lương tháng tối đa để tính đóng BHXH là: 1.490.000 x 20 = 29.800.000 đồng. Theo đó, số tiền tối đa đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động sẽ là: 1.490.000 x 20 x 8% = 2.384.000 đồng/tháng (tức tăng 60.000 đồng).
Mức hưởng
Do mức đóng thay đổi, nên từ ngày 1/7/2019, mức hưởng chế độ BHXH với NLĐ được thực hiện như sau: Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 447.000 đồng (mức hiện hành là 417.000 đồng). Với lao động nữ sinh con hoặc NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2.980.000 đồng (mức hiện hành là 2.780.000 đồng); trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 2.980.000 đồng (mức hiện hành là 2.780.000 đồng) cho mỗi con.
Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật một ngày bằng: 372.500 đồng (mức hiện hành là 347.500 đồng) nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; 596.000 đồng (mức hiện hành là 556.000 đồng) nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung.
Đối với mức hưởng BHYT, theo quy định tại Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ từ 1/7/2019 mức hưởng BHYT là: 5% mức lương cơ sở, tức 223.500 đồng; 6 tháng lương cơ sở, tức 8.940.000 đồng.