Nhiều diện tích lúa, cây ăn trái bị đe dọa bởi hạn, mặn
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Long An, hiện nay, độ mặn tại hầu hết các trạm trên hệ thống sông, rạch trên địa bàn tỉnh tăng nhanh đột xuất và độ mặn cao hơn cùng kỳ năm 2016 từ 1,2-6,4 gam/lít.
Ranh giới độ mặn 4 gam/lít xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 82km ở sông Vàm Cỏ Tây (phường 5, phường 6, TP.Tân An), hơn 87km ở sông Vàm Cỏ Đông (xã Lương Hòa, Thạnh Hòa, huyện Bến Lức). Ranh giới độ mặn 1 gam/lít sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 93km ở sông Vàm Cỏ Tây (xã Mỹ Phú, Bình An, huyện Thủ Thừa), hơn 100km ở sông Vàm Cỏ Đông (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa). Trước tình hình nắng nóng kéo dài kết hợp với gió mạnh và triều cường cuối tháng Chạp có khả năng đẩy độ mặn xâm nhập sâu, nhanh và mạnh vào các cửa sông và nội đồng. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập trên hệ thống các sông Long An có khả năng ở cấp độ 1.
Qua khảo sát, tổng diện tích lúa Đông Xuân 2019-2020 trên địa bàn các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Châu Thành và TP.Tân An khoảng 62.268ha, trong đó diện tích có khả năng ảnh hưởng hạn, mặn khoảng 14.095ha. Tại huyện Tân Trụ, hiện có khoảng 700ha lúa Đông Xuân 2019-2020 có nguy cơ bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đoàn Văn Hoàng thông tin: “Hiện tại, độ mặn tăng cao. Tất cả cống trên địa bàn huyện đã đóng hơn 1 tháng nay. Lượng nước ngọt trữ tại các tuyến kênh đã giảm đi phân nửa, vì vậy khả năng nông dân thiếu nước ngọt sản xuất trong thời gian tới là rất cao. Giải pháp trước mắt, địa phương xây dựng 9 trạm bơm dã chiến, tận dụng phương tiện, người dân có để bơm, trữ nước ngọt tối đa có thể. Hiện nay, có khoảng 700ha lúa không tiếp cận được hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo nên nguy cơ hạn, mặn xâm nhập cuối vụ”. Bên cạnh đó, có trên 11.000ha cây ăn trái, rau màu có khả năng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, huyện Châu Thành có khoảng 9.100ha thanh long; Bến Lức có khoảng 200ha thanh long, 300ha chanh; Thủ Thừa có khoảng 220ha thanh long, 640ha chanh, 50ha rau màu; Thạnh Hóa có khoảng 500ha khoai mỡ có khả năng thiếu nước tưới vào mùa khô năm 2020.
Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Để chủ động ứng phó hạn, mặn, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên thông tin, tuyên truyền đến người dân theo dõi chặt chẽ các dự báo khí tượng - thủy văn, kiểm tra thực tế tình hình nguồn nước, dịch bệnh gây hại cho cây trồng tại địa phương. Đối với vùng có nguy cơ thiếu nước, tận dụng, trữ nguồn nước ngọt cho sản xuất lúa và hạn chế bị hạn, thiếu nước xâm nhập mặn cuối vụ theo lịch khuyến cáo của tỉnh; khuyến khích người dân áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt) và triển khai nhân rộng các mô hình này, điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt bảo đảm hiệu quả sản xuất. Các địa phương chủ động khẩn trương khảo sát khu vực có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và thực hiện đắp ngay các đập tạm tại đầu các tuyến kênh nối với sông, kênh trục bị nhiễm mặn bảo đảm nước mặn không xâm nhập vào nội đồng; cần rà soát, tu bổ tôn cao các tuyến bờ bao xung yếu, bờ bao thấp và đắp đập để trữ nước ngăn mặn, tổ chức nạo vét hệ thống kênh, mương, khơi thông dòng chảy. Riêng đối với khu vực hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo - Tân Trụ, khả năng ảnh hưởng mặn trong năm 2020 là rất nghiêm trọng, theo dự báo thì hiện nay sẽ không thể bổ sung nước ngọt. Do đó, các địa phương trong khu vực cần khảo sát, thi công ngay các đập tạm đầu các kênh cấp 1, 2, 3 nội đồng, tập trung bơm nước nhiều cấp để trữ nước trong nội đồng và tạo không gian, hạ thấp mực nước ngoài kênh trục chính để bổ sung nguồn nước trữ bảo đảm phục vụ trong mùa khô”./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nhieu-dien-tich-lua-cay-an-trai-bi-de-doa-boi-han-man-a89189.html