Nhiều diện tích rừng trồng ven biển, đầm phá bị chết
Dự án đầu tư phát triển rừng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên-Huế do Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh Thừa Thiên-Huế làm chủ đầu tư đã giao cho doanh nghiệp (DN) thực hiện, nhưng sau một thời gian, nhiều diện tích rừng trồng thuộc dự án này đã bị chết, gây lãng phí kinh phí.
Từ cuối năm 2021, phường Thuận An, TP Huế là một trong số các địa phương ở tỉnh Thừa Thiên-Huế được CCKL tỉnh triển khai thực hiện trồng hơn 15.500 cây phi lao. Khu vực trồng rừng thuộc vùng cát ven biển, tổ dân phố Hải Tiến, Hải Bình và An Hải, phường Thuận An, TP Huế trên diện tích 4,7ha. Diện tích rừng nằm trong dự án đầu tư phát triển rừng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên-Huế, do Công ty TNHH MTV Thiên Chấn Hưng (gọi tắt Công ty Thiên Chấn Hưng, đóng tại TP Đà Nẵng) nhận trồng.
Theo phản ánh của người dân ở tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An, TP Huế, diện tích cây phi lao được trồng mới với mật độ khá dày trên vùng cát ven biển của địa phương nhằm mục đích phục hồi hệ sinh thái, chống cát bay, cát nhảy, xói lở, xâm nhập mặn, bảo đảm an toàn cho vùng dân cư. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn được trồng, hiện phần lớn số cây phi lao được trồng trên vùng cát ven biển nơi đây đã bị chết gần hết, chỉ có một số ít cây sống sót.
Tương tự, hàng nghìn cây phi lao được trồng trên vùng cát ven biển qua tổ dân phố Hải Bình và An Hải, phường Thuận An, TP Huế cũng bị chết khô. Nhiều diện tích trồng rừng trước đây nay chỉ là bãi cát trắng hoang vu, cỏ dại mọc um tùm.
“Nghe triển khai dự án trồng rừng ở vùng cát ven biển để chống cát bay, cát nhảy, phòng, chống thiên tai nên người dân miền biển chúng tôi rất vui mừng. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng cây được trồng xuống thì bắt đầu héo khô và chết dần, đến nay cả vùng cát ven biển rộng lớn phía sau khu dân cư chỉ có vài cây phi lao sống được”, ông Nguyễn Văn Đình ở phường Thuận An cho biết thêm.
Qua tìm hiểu được biết, tại khu vực ven biển phường Thuận An, TP Huế, vào giữa năm 2017, dự án đầu tư phát triển rừng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã tiến hành trồng nhiều diện tích rừng phi lao và bị chết. Tiếp đó, vào năm 2019, toàn bộ diện tích rừng ở khu vực này được trồng lại nhưng sau đó vẫn bị chết do nắng hạn. Và đến cuối năm 2021, đơn vị trồng rừng tiến hành trồng rừng phi lao lại lần thứ 3 nhưng đến nay cây vẫn bị chết.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục Trưởng CCKL tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, mới đây, sau khi nhận được thông tin diện tích rừng trồng phi lao bị chết, ông và cán bộ Chi cục đã về hiện trường kiểm tra. Qua đó xác định nguyên nhân rừng trồng chết là do ảnh hưởng thời tiết và bị trâu, bò, dê phá hoại. Theo ông Tuấn, vào năm 2018, kinh phí rừng trồng phi lao tại khu vực ven biển phường Thuận An, TP Huế đã được thanh toán cho Công ty Thiên Chấn Hưng với gần 214 triệu đồng. Trước sự việc rừng trồng bị chết, CCKL tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu Công ty Thiên Chấn Hưng tự bỏ vốn để khắc phục lại diện tích rừng phi lao bị chết ở khu vực ven biển Thuận An.
Dự án đầu tư phát triển rừng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên-Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt với tổng mức đầu tư 110,5 tỷ đồng do CCKL tỉnh Thừa Thiên-Huế làm chủ đầu tư. Dự án có 4 lần điều chỉnh, kéo dài đến năm 2024 và đầu tư thực hiện tại các địa phương ven biển, đầm phá, gồm TP Huế và các huyện, thị xã Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà.
Ngoài diện tích rừng phi lao trồng ở vùng cát ven biển phường Thuận An, TP Huế bị chết, có nhiều diện tích rừng ngập mặn với các loại cây dừa nước, bần, tràm Úc được trồng trên 18,5ha đất ngập nước tại xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) và nhiều ha rừng ngập mặn tại xã Điền Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên Tam Giang - Cầu Hai được trồng từ năm 2020 cũng bị chết sau khi trồng. Những diện tích rừng ngập mặn này đều thuộc dự án đầu tư phát triển rừng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên-Huế và được đơn vị chủ đầu tư giao cho Công ty Thiên Chấn Hưng trồng từ năm 2020.
Qua trao đổi, ông Phạm Công Phước, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho biết, sau khi nhận được phản ánh rừng ngập mặn ở địa bàn xã vừa trồng bị chết, Công ty Thiên Chấn Hưng đã cử nhân lực và mang cây giống về trồng dặm lại số cây bị chết, trong đó cây được trồng lại chủ yếu là cây bần, loại cây thích hợp với vùng đất ngập mặn ở địa phương. Thời gian tới, UBND xã sẽ thực hiện kiểm tra diện tích rừng ngập mặn vừa được trồng lại. Nếu tiếp tục xảy ra trường hợp rừng trồng bị chết thì xã sẽ báo cáo CCKL tỉnh Thừa Thiên-Huế để yêu cầu đơn vị trồng rừng có biện pháp khắc phục.