Nhiều doanh nghiệp '3 tại chỗ' ở Bình Dương dừng hoạt động
Nhiều doanh nghiệp đang thực hiện '3 tại chỗ' (cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất) trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 trong nhà máy.
Trước thực trạng này, hàng chục doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” phải tạm thời ngừng sản xuất; trong đó nhiều nhà máy bị phong tỏa để ngành y tế truy vết dập dịch, dẫn đến không đảm bảo đủ điều kiện để tiếp tục "3 tại chỗ”.
Kế hoạch “3 tại chỗ” không như mong muốn
Tính đến ngày 29/7, tổng số doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” là 3.436 doanh nghiệp. Cụ thể, trong khu công nghiệp có 1.894 doanh nghiệp với gần 273.842 lao động đăng lý làm việc; ngoài khu công nghiệp có 1.542 doanh nghiệp với gần 117.179 lao động đăng ký làm việc. Khi công nhân ở lại làm việc tại nhà máy, các doanh nghiệp được lo ăn, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết và một số đơn vị có chi hỗ trợ phụ cấp thêm, trung bình từ 1 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Chỉ tính riêng hệ thống Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 191 doanh nghiệp đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” với hơn 46.000 công nhân.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, sau khi đưa công nhân, người lao động vào ở trong nhà máy đã phát sinh nhiều vấn đề mới ngoài mong muốn. Theo tìm hiểu, tại một số doanh nghiệp đăng ký “3 tại chỗ” bắt đầu tổ chức hàng tuần lấy mẫu xét nghiệm nhanh sàng lọc cho công nhân trong nhà máy.
Kết quả, qua sàng lọc mới đây đã ghi nhận có hơn 18 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp VSIP có công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Đối với những công ty phát hiện F0 đều yêu cầu phong tỏa, ngừng sản xuất để cơ quan chức năng truy vết khoanh vùng dập dịch.
Theo một chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất giấy bao bì tại thị xã Tân Uyên, trong thời gian giãn cách xã hội, doanh nghiệp muốn công nhân, người lao động không mất việc làm và có thu nhập trong mùa dịch nên đã tổ chức hoạt động “3 tại chỗ” đưa người lao động vào ở trong nhà máy.
“Hiện mỗi ngày doanh nghiệp đều có kịch bản phương án phòng, chống dịch, tổ chức lấy mẫu test nhanh... Mặc dù tuân thủ các phương án nhưng vì chưa bao giờ tập trung số lượng lớn người lao động sinh sống kéo dài trong nhà máy dễ phát sinh rủi ro; trong đó riêng việc lo ăn, ở cũng phát sinh nhiều chi phí lớn cho doanh nghiệp”, chủ doanh nghiệp trên chia sẻ.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi hôm 27/7 vừa qua, Bí thư Thành ủy Dĩ An Bùi Thanh Nhân cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có một số doanh nghiệp tham gia mô hình sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” vẫn chưa tuân thủ nghiêm túc, đúng phương pháp nên thời gian qua đã xuất hiện một số ổ dịch mới.
Cụ thể, Công ty Long Việt chuyên về sản xuất đồ gỗ đã thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ” trước yêu cầu 14 ngày. Nhưng do đơn vị triển khai không đúng về quy trình xét nghiệm sàng lọc trước, nên để xảy ra ổ dịch đến nay ghi nhận 288/300 công nhân lao động mắc COVID-19. Hiện toàn bộ công ty đang được phong tỏa dừng hoạt động sản xuất để các ngành chức năng tập trung xử lý, giải phóng đưa công nhân mắc bệnh đi điều trị.
Tại các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội gỗ Bình Dương cũng có 57 doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ". Nhưng hiện nay việc duy trì hoạt động cũng gặp rất nhiều khó khăn do xuất hiện các ca mắc COVID-19 trong doanh nghiệp không rõ nguồn lây.
Theo đó, Liên đoàn kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cần tiếp tục tăng cường lực lượng phản ứng nhanh tham gia trong phòng, chống dịch, thực hiện đồng bộ phương châm "4 tại chỗ," nhất là nhân lực tại chỗ nhằm kịp thời phối hợp xử lý, phân luồng nhanh hơn nữa F0, F1 tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp có đông công nhân lao động. Đồng thời, khẩn trương giải phóng, chuyển các trường hợp nghi nhiễm đến khu vực cách ly tạm thời theo chỉ định của ngành y tế; thực hiện nhanh việc sàng lọc, test COVID-19 đối với F1 có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Qua đó sớm ổn định tình hình, duy trì hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” của doanh nghiệp.
Chỉ “3 tại chỗ” với doanh nghiệp hoạt động đúng, tốt
Ngày 29/7, UBND tỉnh Bình Dương phát đi công văn chỉ đạo các địa phương nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó yêu cầu đối với những doanh nghiệp đảm bảo đủ điều kiện tổ chức hoạt động theo phương châm "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 địa điểm" mới được phép hoạt động, nếu không đảm bảo điều kiện thì phải cương quyết cho ngừng hoạt động. Còn đối với các doanh nghiệp cho ngừng hoạt động phải tổ chức trật tự, an toàn và xét nghiệm sàng lọc để đưa công nhân lao động về địa phương.
Liên quan đến vấn đề này, hôm qua (28/7), Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương Đoàn Hồng Tươi đã có công văn gửi đến các doanh nghiệp trên địa bàn muốn tạm dừng hoạt động, sản xuất kinh doanh theo phương án "3 tại chỗ". Hiện trên địa bàn thị xã Tân Uyên có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ”.
Theo đó, UBND thị xã Tân Uyên đề nghị các doanh nghiệp muốn dừng hoạt động sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" phải tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho tất cả người lao động trước khi đưa người lao động trở về nơi cư trú địa phương. Thị xã Tân Uyên yêu cầu tất cả công nhân phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến. Doanh nghiệp nào thực hiện đúng và tốt thì cho hoạt động, còn nơi nào không bảo đảm thì kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo địa phương và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cần phối hợp với doanh nghiệp ngừng hoạt động tiến hành sàng lọc, bảo đảm đầu ra công nhân lao động “sạch COVID-19”, không để mang mầm bệnh trở về địa phương nơi cư trú.