Nhiều doanh nghiệp BĐS phải dừng hoạt động vì hết tiền
Từ khi thị trường trầm lắng, khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp BĐS. Cuối năm, nhiều doanh nghiệp buộc phải chấp nhận đóng cửa hoặc cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc.
Doanh nghiệp BĐS đóng cửa vì hết tiền
Bức tranh doanh nghiệp đóng cửa giải thể vì hết tiền vẫn đang tiếp tục diễn ra. Mới đây, Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) đã phát thông báo cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc không lương từ 26/11, với lý do cạn dòng tiền.
Lý giải về động thái này, ông Đinh Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc HDTC, cho biết hiện nguồn tài chính của công ty vô cùng khó khăn, không có nguồn thu để chi trả lương cho lãnh đạo, nhân viên.
Vì vậy, để phù hợp với tình hình hoạt động trong thời gian hiện nay, hội đồng quản trị đã thống nhất sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt nhằm củng cố công ty giai đoạn trước mắt.
"Vì vậy, công ty thông báo toàn thể cán bộ, nhân viên đang làm việc tại HDTC, chi nhánh công ty tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc", ông Minh nêu trong thông báo.
Trước đó, tại Hà Nội, Công ty PVR cũng đã nhận được giấy xác nhận từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp về việc tạm ngừng kinh doanh một năm từ ngày 15/11/2023 đến ngày 14/11/2024.
Về lý do tạm ngừng, PVR cho biết, do công ty bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án và năm 2023, công ty không có kinh phí để duy trì hoạt động, dự kiến năm 2024 vẫn không có kinh phí.
Việc tạm ngừng là thời gian để công ty xem xét tìm kiếm giải pháp, phương hướng để công ty có tài chính hoạt động trở lại.
Tình hình kinh doanh PVR khá khó khăn, từ năm 2022 đến nay không ghi nhận bất kỳ đồng doanh thu nào. Lợi nhuận ít ỏi đến từ hoàn nhập dự phòng khi đầu tư chứng khoán.
Tại báo cáo tài chính quý 3/2023, mục doanh thu để trắng. Trong khi vẫn phải trả chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp, kết quả PVR lỗ 77 triệu đồng quý 3. Còn lỗ lũy kế tại thời điểm 30/9/2023 gần 79 tỷ đồng.
Thị trường BĐS bao giờ mới phục hồi?
Khó khăn của thị trường chung khiến những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng gặp khó khăn. Báo cáo tài chính quý 3/2023 của DXG ghi nhận cơ cấu tổ chức gồm 86 công ty con.
Tuy nhiên trong số này, không ít công ty đang làm thủ tục giải thể như Công ty cổ phần bất động sản miền Đông, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Đông Nam Bộ, Công ty TNHH Đất Xanh Finance, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Bình Phước, Công ty cổ phần đầu tư Diamond Tower, Ruby Tower, Sapphire Tower, Emerald Tower.
Nếu như hơn 2 năm trước, doanh nghiệp bất động sản là nhóm ngành có thưởng Tết khả quan cho nhân viên thì đến nay, dù cận Tết, nhiều doanh nghiệp tuyên bố sẽ không có thưởng Tết.
Bởi thực tế, ngay cả việc duy trì hoạt động của công ty cũng đã còn gặp khó khăn về dòng tiền.
Trong báo cáo quý 3/2023 mới công bố, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết, thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện, tuy nhiên chưa hoàn toàn và diện rộng.
Mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Nhiều nơi đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, "sống bằng niềm tin" thị trường sẽ khôi phục cuối năm 2023.
Kết quả khảo sát gần đây của VARS với các hội viên, có tới 60% số người được hỏi cho biết khách hàng của họ sẽ đầu tư bất động sản nếu lãi suất tiếp tục giảm.
Cũng theo VARS, lượng giao dịch toàn thị trường đang tăng dần. Quý 2/2023 thị trường ghi nhận 3.700 giao dịch, tăng 37% so với mức 2.700 ở quý 1. Đến quý 3, thị trường đã ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý 2 và hơn 2 lần so với quý 1/2023.
Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch mới chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ và bằng khoảng 20% so với giai đoạn sốt đất. VARS chỉ ra do thị trường vẫn thiếu vắng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân, giá cả tăng liên tục và chưa có tín hiệu dừng lại.
Ở góc độ khác, ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI) cho biết, trong giai đoạn khó khăn, M&A và mở rộng hợp tác đang trở thành xu hướng của các chủ đầu tư lớn tại Việt Nam, bao gồm cả chủ đầu tư nước ngoài.
Các chủ đầu tư nước ngoài có định hướng chiến lược phát triển rõ ràng, chuẩn bị bài bản, nên luôn có nguồn tài chính sẵn sàng để hợp tác khi có cơ hội.
Tuy nhiên, để hoạt động M&A diễn ra một cách thuận lợi và tài sản/dự án được định giá ở mức hợp lý, vừa có lợi cho bên mua, nhưng cũng không gây thiệt hại cho bên bán, thị trường rất cần một kênh xúc tiến đầu tư bất động sản chuyên biệt, uy tín, hiệu quả.