Nhiều doanh nghiệp kinh doanh khí đốt bị đề nghị kiểm tra vì có dấu hiệu kinh doanh vi phạm quy định
Công ty Gas Hừng Sáng chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu hóa lỏng nhưng được Công ty Super Gas ký hợp đồng mua bán, hai bên tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp khác để tiếp tục hợp thức hóa hợp đồng, kinh doanh khí dầu hóa lỏng.
Công ty Gas Hừng Sáng không đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng
Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kết luận thanh tra (KLTT) số 831/KL-QLTTĐN về việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh khí đối với Công ty TNHH Super Gas (Công ty Super Gas - địa chỉ tại cảng Gò Dầu A, xã Phước Thái, huyện Long Thành).
Từ kết quả thanh tra, UBND tỉnh Đồng Nai đã xử phạt Công ty Super Gas với tổng số tiền phạt và số tiền buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm về kinh doanh khí là hơn 308 triệu đồng.
Trong quá trình thanh tra, Đoàn Thanh tra đã kiểm tra, xác minh việc chấp hành quy định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân (xuất, nhập khẩu: khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)) đối với các hợp đồng 2 bên và 3 bên giữa Công ty Super Gas và các đối tác. Đoàn Thanh tra đã xác định có nhiều dấu hiệu vi phạm nên đề xuất Cục trưởng Cục Quản lý thị trường có văn bản kiến nghị Cục Quản lý thị trường địa phương xác minh kiểm tra, xử lý đối với thương nhân ký hợp đồng kinh doanh mua bán, chiết nạp khí có dấu hiệu vi phạm.
Cụ thể trong quá trình kinh doanh việc Công ty Super Gas tổ chức mua, bán LPG bồn theo hợp đồng với Công ty TNHH Gas Hừng Sáng (Công ty Gas Hừng Sáng – trụ sở: khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) theo các Hợp đồng 2 bên, Hợp đồng 3 bên, phát sinh từ năm 2019. Thời điểm ký hợp đồng, Công ty Gas Hừng Sáng chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện (ĐĐK) trạm nạp LPG vào chai/LPG vào xe bồn và Giấy chứng nhận ĐĐK kinh doanh mua bán LPG. Điều này là sai phạm quy định theo khoản 3 Điều 32 Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15.6.2018 về quyền và nghĩa vụ của cửa hàng bán lẻ LPG chai.
Tại KLTT, Cục Quản lý Thị trường Đồng Nai cũng chỉ ra: các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Kinh doanh khí miền Nam – Chi nhánh miền Tây (Công ty Khí miền Nam – Chi nhánh miền Tây tại khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP. Cần Thơ), Công ty TNHH MTV Khí đốt Gia Đình - Chi nhánh Đặng Toàn và Công ty TNHH TMDV Đặng Toàn (Công ty Đặng Toàn, cùng tại xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang): trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh (trong khoảng thời gian từ 2019 – 2023 (tùy đơn vị) đã ký hợp đồng 3 bên với Công ty Super Gas và Công ty Gas Hừng Sáng.
Nội dung thực hiện hợp đồng là Công ty Super Gas đồng ý cho cho Công ty Gas Hừng Sáng thuê kho chứa LPG (hoặc bồn chứa LPG) của một trong 3 đơn vị trên và các đơn vị này chiết vào chai LPG có nhãn hiệu Siamgas của Công ty Super Gas. Hình thức hợp tác: Công ty Gas Hừng Sáng thuê xe bồn đến Công ty Super Gas nhận khí LPG chở đến kho và trạm chiết của các đơn vị trên để lưu giữ và chiết nạp rồi mang ra thị trường bán, phân phối.
Theo Cục Quản lý Thị trường tỉnh Đồng Nai, các đơn vị vừa nêu trên có dấu hiệu vi phạm tổ chức chiết nạp khí vào chai LPG khi Công ty Gas Hừng Sáng không có Giấy chứng nhận ĐĐK kinh doanh mua bán LPG theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 23 Nghị định số 87/2018/NĐ-CP.
Ký hợp đồng với bên thứ 3 để hợp thức hóa
Theo KLTT, khối lượng khí LPG Công ty Super Gas xuất xe bồn cho Công ty Gas Hừng Sáng kể từ khi phát sinh hoạt động năm 2019 như sau: năm 2019: 352.63 tấn, năm 2020: 452.43 tấn, năm 2021: 500.78 tấn, năm 2022: 501,03 tấn, năm 2023: 559.03 tấn, đến tháng 3.2024: 114.86 tấn.
KLTT cho biết, Công ty Super Gas và Công ty Gas Hừng Sáng ký hợp đồng theo hình thức mua bán sản phẩm LPG. Lúc này Công ty Gas Hừng Sáng không có giấy chứng nhận ĐĐK trạm nạp LPG vào chai hoặc không có Giấy chứng nhận đủ ĐĐK kinh doanh mua bán LPG.
Để hợp thức hóa việc ký kết hợp đồng (2 bên) nói trên, hai đơn vị trên và Công ty Đặng Toàn ký kết hợp đồng (3 bên). Lý do Công ty Đặng Toàn có giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai. Tuy nhiên, Đoàn Thanh tra xác định tại khoản 2.2. Điều 2 của hợp đồng 3 bên này nêu rõ Công ty Super Gas – Công ty Gas Hừng Sáng vẫn tuân thủ thỏa thuận mua bán LPG như hợp đồng 2 bên (nói trên).
Sau khi hết hạn hợp đồng 3 bên nói trên, Công ty Super Gas, Công ty Gas Hừng Sáng và Chi nhánh miền Tây – Công ty Khí miền Nam ký một hợp đồng 3 bên. Tại hợp đồng này, Công ty Super Gas đồng ý cho Công ty Gas Hừng Sáng thuê kho và ủy quyền làm việc liên quan đến chiết nạp LPG vào chai tại trạm chiết nạp của Chi nhánh miền Tây – Công ty Khí miền Nam.
Đoàn Thanh tra nhận thấy việc đồng ý và ủy quyền của Công ty Super Gas cho Công ty Gas Hừng Sáng là không có cơ sở vì Công ty Gas Hừng Sáng là pháp nhân độc lập không phải công ty trực thuộc hoặc chi nhánh trực thuộc của Công ty Super Gas.
Tiếp đó, sau khi thanh lý hợp đồng (3 bên) nói trên, Công ty Super Gas, Công ty Gas Hừng Sáng và Công ty Khí đốt Gia Đình ký hợp đồng 3 bên. Ở hợp đồng này, Công ty Khí đốt Gia Đình chỉ là bên chiết nạp thuê cho Công ty Gas Hừng Sáng. Như vậy, Công ty Super Gas và Công ty Gas Hừng Sáng vẫn thực hiện mua bán khí LPG khi Công ty Gas Hừng Sáng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mua bán LPG.
Theo KLTT, Công ty Super Gas có ứng dụng công nghệ thông tin lập số theo dõi LPG chai bán cho thương nhân kinh doanh LPG khác hoặc khách hàng sử dụng. Tuy nhiên, việc cập nhật số theo dõi chưa đầy đủ thông tin quy định (còn thiếu địa chỉ thương nhân mua LPG chai). Trong thời kỳ thanh tra, Công ty Super Gas không đáp ứng quy định tại khoản 19 Điều 20 Nghị định 87/2018/NĐ-CP…