Nhiều doanh nghiệp ngoại đạo 'lấn sân' đầu tư địa ốc
Địa ốc được đánh giá là lĩnh vực đem lại lợi nhuận cao, do vậy, nhiều doanh nghiệp ngoại đạo sẵn sàng rót vốn đầu tư. Tuy nhiên 'miếng bánh' này liệu có dễ ăn?
Đua nhau bỏ vốn vào địa ốc
Trong năm qua, làn sóng chuyển hướng sang đầu tư bất động sản ngập tràn khắp thị trường. Đã có không ít doanh nghiệp ngoại đạo lấn sân sang kinh doanh địa ốc để tìm kiếm cơ hội sinh lời tốt hơn.
Cụ thể, tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 của Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM), Ban lãnh đạo Công ty cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh năm 2021, bên cạnh tập trung vào mảng cốt lõi, Thành Công sẽ phát triển mảng kinh doanh bất động sản.
Theo đó, doanh nghiệp ngành dệt may này triển khai đầu tư xây dựng 3 tòa tháp Thành Công Tower 1, 2, 3 (TC1, TC2, TC3). Trong đó, dự án TC1 được tái triển khai trên khu đất có diện tích 9.898 m2 tại địa chỉ số 37, Tân Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM; Tòa tháp TC2 là khu phức hợp được triển khai trên khu đất của nhà máy hiện tại có diện tích khoảng 6,6 ha; Tòa tháp TC3 là dự án thương mại dân cư có diện tích 13.178 m2, nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP.HCM.
Tương tự, Công ty cổ phần Sản xuất, Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) cũng chuyển hướng sang bất động sản khu công nghiệp. Định hướng của HĐQT từ năm 2021 là tập trung giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex tại Thừa Thiên Huế. Quy mô dự án 460,8 ha, tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp lớn trong ngành điện là Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) cũng đã công khai chiến lược mới của mình với việc rút khỏi mảng logistics, chuyển hướng sang bất động sản khu công nghiệp. Trước đó, Gelex đã đưa ra kế hoạch thực hiện dự án khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Hay như mới đây, HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã thông qua chủ trương góp vốn thêm 3.300 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Hòa Phát.
Cẩn trọng không thừa
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang nóng trở lại, kế hoạch phát triển dự án bất động sản của các doanh nghiệp sôi động là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng gặt hái được thành công trên sân chơi mới này.
Đơn cử tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, doanh thu thuần cả năm 2021 của Công ty gần như đi ngang so với cùng kỳ 2020, đạt 3.535 tỷ đồng và lãi ròng giảm 48%, xuống còn 142,5 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng vẫn neo ở mức cao. Biên lãi gộp trong năm cũng thu hẹp từ 18% năm 2020, xuống còn 15%. Với kết quả này, Thành Công chỉ mới thực hiện 50% kế hoạch lợi nhuận năm. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2017 của Công ty.
Theo lý giải của lãnh đạo Công ty, 3 tòa tháp TC1, TC2, TC3 chưa mang về doanh thu cho Công ty là bởi tòa tháp TC1 đang làm thủ tục xây dựng, dự kiến mất khoảng 12 - 15 tháng. Doanh thu và lợi nhuận của mảng bất động sản sẽ được ghi nhận khoảng 2 - 3 năm sau. Còn tòa tháp TC2 và tòa tháp TC3 vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch và ký kết hợp tác kinh doanh.
Trước đó, đã có không ít doanh nghiệp sa lầy vào bất động sản, gây ảnh hưởng tới thị trường. Chẳng hạn Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh, là một hãng taxi lớn nhất tại thị trường Việt Nam về cả thị phần và số lượng đầu xe, cũng từng chuyển hướng đầu tư bất động sản nhà xưởng, trụ sở văn phòng phục vụ cho hoạt động vận tải. Nhưng đơn vị này đã rơi vào tình cảnh nợ nần trong thời gian dài, cuối cùng đã phải bán bớt để có nguồn tiền thanh toán các khoản nợ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về câu chuyện doanh nghiệp “ngoại đạo” lấn sân đầu tư bất động sản, bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty Đức Linh Real cho biết, việc mở rộng đầu tư vào bất động sản của các doanh nghiệp ngoài ngành là tín hiệu đáng mừng cho thị trường trong bối cảnh cung cầu lệch pha. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp còn giúp khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn, giúp doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích khi bỏ trứng vào nhiều rổ.
Song cũng phải cảnh báo những trường hợp doanh nghiệp đầu tư ồ ạt chạy theo lợi nhuận, trong khi nguồn vốn, năng lực và kinh nghiệm hạn chế, có thể dẫn đến sa lầy, làm ăn thua lỗ, gây ra nợ xấu và tổn thương thị trường, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn cho bất động sản bị siết chặt.
Theo bà Linh, để thành công trong lĩnh vực bất động sản, các “tân binh” cần học hỏi rất nhiều yếu tố như khả năng đánh giá, phân tích thị trường, quảng cáo cho dự án, truyền thông, năng lực bán hàng…
Thực tế cho thấy, việc quyết định xuống tiền quá nhanh mà chưa nghiên cứu rõ về thị trường đã khiến không ít chủ đầu tư thất bại. Do đó, những nhà đầu tư mới tham gia vào lĩnh vực này nên bắt đầu từ dự án nhỏ, có những bước đi thận trọng, tìm kiếm đối tác tốt. Nếu ngay từ đầu đã làm dự án hoành tráng, ôm tham vọng lớn, trong khi tiềm lực tài chính không có sẽ phải chịu sức ép đi vay. Điều này dễ dẫn đến sa lầy do không đảm bảo dòng tiền cho hoạt động chính, đồng thời khó rút chân khỏi bất động sản.
Khi tham gia đầu tư, trước hết, nhà đầu tư mới cần chú ý về hồ sơ pháp lý của dự án đã hoàn thiện ở mức nào. Các thủ tục cơ bản thông thường gồm: phê duyệt quy hoạch 1/500, quyết định giao đất, giấy chứng nhận đầu tư, tiền sử dụng đất... Sau đó, cần xác định ngay từ đầu việc phát triển dự án, định vị phân khúc. Các câu hỏi cần được trả lời là: nhóm khách hàng nào phù hợp, dung lượng thị trường ở phân khúc đó có lớn không, thanh khoản ra sao?