Nhiều doanh nghiệp phải khóc vì quy định vô lý
Những quy định không phù hợp với thời cuộc luôn được xếp vào hàng đầu danh sách phải cắt giảm. Nhưng thực tế không như vậy và nhiều doanh nghiệp đang thực sự vất vả để tuân thủ.
Doanh nghiệp công nghệ khóc vì hộp đèn taxi.
“Tôi, Lâm Minh Chánh, đồng sáng lập của Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp với hơn 50.000 thành viên, đề nghị Chính phủ không phê duyệt phương án của Bộ Giao thông - Vận tải về việc xem xe công nghệ là xe taxi và yêu cầu gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe công nghệ”.
Ông Lâm Minh Chánh, Giám đốc Trường Đào tạo quản lý kinh doanh BizUni, đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp đã kết luận bức thư ngắn, khoảng 800 chữ, gửi tới Báo Đầu tư như vậy.
Với ông Chánh và những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xe công nghệ là một phát minh tuyệt vời của con người trong thời đại kỹ thuật số. Chỉ một ứng dụng (app), người có xe và người muốn đi xe gặp được nhau. Người đi xe có thể quản lý lịch trình, uy tín của lái xe, giá tiền, chi phí giảm tối đa - những điều mà taxi truyền thống không làm được.
“Điểm mấu chốt, xe công nghệ vốn là nền tảng kết nối xe và người. Xe có thể kinh doanh chuyên nghiệp, nhưng cũng có thể là xe tư nhân khi rảnh thì chở khách. Đó là yếu tố căn bản, điều tốt đẹp của kinh tế chia sẻ. Chụp mũ taxi lên những chiếc xe này là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gián tiếp giết đi sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực này tại Việt Nam”, ông Chánh gửi bức xúc và sự thất vọng của mình trong từng câu chữ.
Ông không thể hiểu, tại sao Bộ GTVT lại coi đây là cách để giải quyết yêu cầu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và thể hiện sự công bằng giữa các doanh nghiệp.
Cuộc tranh luận có gắn hộp đèn hay không trên nóc xe công nghệ đã kéo dài suốt mấy năm, qua 11 lần dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tưởng như có thể kết thúc. Hồi tháng 7/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có yêu cầu nghiên cứu bãi bỏ quy định này và dùng công nghệ để quản lý. Nhiều bộ trưởng khi góp ý cho dự thảo Nghị định này cũng đồng quan điểm với Thủ tướng.
Vậy nhưng, với Công văn trình Thủ tướng Chính phủ ngày 11/9 vừa rồi, Bộ GTVT tiếp tục cho rằng, gắn hộp đèn là điều kiện kinh doanh mà các đơn vị kinh doanh taxi đều phải chịu, để đảm bảo sự công bằng và để chống xe hoạt động trá hình, góp phần cho công tác tổ chức giao thông đô thị, phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát.
Thậm chí, Bộ GTVT nhắc lại lý do cho đề xuất trên, là “nội dung quy định này kế thừa được những quy định đang thực hiện từ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và bổ sung nội dung quy định cho cái mới phát sinh (ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động vận tải taxi)…
“Đem cái hộp đèn của taxi truyền thống ra chụp lên đầu xe công nghệ, đó không phải là sự công bằng, mà đó là sự thụt lùi của xã hội”, ông Chánh nói và lo ngại nếu quan điểm này không phải chỉ của một mình Bộ GTVT.
Doanh nghiệp sản xuất khóc vì đề xuất giảm giờ làm
Cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp chiều ngày 16/9 chất chứa đầy tâm tư của doanh nghiệp.
“Các anh quyết một cái là doanh nghiệp sẽ chết. Chúng tôi có 16 doanh nghiệp thành viên, đang có lãi chỉ khoảng một nửa, nếu giảm giờ làm, siết giờ làm thêm, chúng tôi sẽ thiếu việc, sẽ lỗ nữa”, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên nói thẳng với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Ông Dương đến cuộc đối thoại này không phải chỉ để nói cho May Hưng Yên. “Tôi sốt ruột vì có doanh nghiệp chưa bao giờ thiếu đơn hàng thì nay đã thiếu vì bị cạnh tranh. Tháng 10 và tháng 3 là tháng “giáp hạt”, mỗi ngày doanh nghiệp chỉ hoạt động 4 - 5 tiếng để giữ người, lương vẫn trả đủ. Đến lúc đơn hàng về, không được làm thêm quá giờ. Giờ lại giảm giờ làm còn 44 giờ/tuần, không nới thời gian làm thêm, chúng tôi sẽ cạnh tranh thế nào”, ông Dương trăn trở.
Với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như dệt may, da giày, thủy sản… việc vi phạm các quy định liên quan đến lao động, môi trường… không chỉ phải chịu trách nhiệm với các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam. Các đối tác nhập khẩu nước ngoài cũng căn cứ vào việc tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp để quyết định tiếp tục hay rút đơn hàng.
“Họ không cần biết lý do, không cần biết đó là thời điểm chính vụ của thủy sản, bà con chở hàng đến rầm rập, hết giờ cũng phải nhận vào kho bảo quản, cứ thấy một người làm thêm quá thời gian quy định là bị đánh dấu vi phạm, là hủy đơn hàng”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ.
Một tin mừng từ cuộc đối thoại này là Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chưa có bất cứ kết luận nào. “Tinh thần là chúng tôi sẽ lắng nghe, nghiên cứu để tiếp thu các ý kiến hợp lý nhất”, ông Dung nói.
Hy vọng sẽ không có thêm khó khăn cho doanh nghiệp vì sự lấn cấn về tư duy quản lý của cơ quan nhà nước…
Trong rất nhiều lần thảo luận về các nội dung sửa đổi của Bộ luật Lao động, đề xuất giữ nguyên 48 giờ/tuần, tăng giờ làm thêm lên 300 - 500 giờ/năm từ các hiệp hội doanh nghiệp luôn bị vướng bởi tư duy cho rằng, công nghệ phát triển thì phải tăng lương, giảm giờ làm.
“Chúng ta không thể nói lý thuyết là bảo vệ người lao động, vì nếu doanh nghiệp như dệt may, da giày, thủy sản... không đủ lao động để sản xuất, không đủ điều kiện để cạnh tranh, thì người lao động sẽ không thể có việc làm, không thể tạo ra GDP cho nền kinh tế. Chúng ta phải bảo vệ các cỗ máy tạo việc làm, thì mới bảo vệ được quyền lợi của người lao động”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói.