Nhiều doanh nghiệp phân vân khi được mời đầu tư cho Hãng phim truyện Việt Nam

Liên quan đến những vấn đề tồn tại kéo dài của Hãng phim truyện Việt Nam khiến nhiều nghệ sĩ bức xúc thời gian qua, ngày 24/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đã đề xuất phương án tiến hành thu hồi số cổ phần của Nhà nước và trả lại tiền đầu tư cho Công ty vận tải thủy - Vivaso, đồng thời tích cực tìm kiếm nhà đầu tư mới nhưng chưa tìm được nhà đầu tư nào cho Hãng.

Khó tìm nhà đầu tư chiến lược mới cho Hãng phim truyện Việt Nam

Mặc dù Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan xem xét, tìm giải pháp phù hợp, có phương án xử lý tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam trước ngày 23/3 nhưng đến ngày 24/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định vẫn chưa có giải pháp cuối cùng cho vấn đến này.

Trao đổi với báo chí, bà Phan Linh Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ năm 2019, đồng chí Trương Hòa Bình – khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trả lại tiền cho nhà đầu tư chiến lược Vivaso. Bộ đã triển khai 1 loạt các hoạt động, từ gặp gỡ trực tiếp đến gửi văn bản cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, Vivaso vẫn chưa đưa ra văn bản chính thức về những tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ, tiến hành các thủ tục có liên quan, đề xuất số tiền cụ thể để hoàn trả lại cổ phần cho Nhà nước mà Vivaso đã mua tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Mặc dù, nhà đầu tư chiến lược không có động thái tích cực nhưng Bộ đã có những văn bản dự thảo, văn bản gửi ý kiến đến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về những kiến nghị, phương thức xử lý. Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản trả lời và khẳng định không có cơ sở pháp lý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đơn phương thực hiện thu hồi số vốn cổ phần và trả lại tiền cho Vivaso mà không có sự thống nhất thỏa thuận của Vivaso.

Hãng phim truyện Việt Nam - "cánh chim đầu đàn" của điện ảnh Việt Nam một thời.

Hãng phim truyện Việt Nam - "cánh chim đầu đàn" của điện ảnh Việt Nam một thời.

Khó khăn thứ hai là tiền để chi trả cho nhà đầu tư chiến lược. Trước 31/12/2021, nếu như nhà đầu tư đưa ra một con số hợp lệ thì số tiền chi trả cho Vivaso có thể được sử dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 148 về quản lý sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp. Theo Nghị định này, nếu Vivaso có đưa ra con số hợp lý thì cũng chưa có nguồn kinh phí để trả lại cho nhà đầu tư.

Cũng theo bà Chi, quá trình xử lý cũng như các vướng mắc, tồn tại liên quan đến Hãng phim truyện Việt Nam, trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái với các bộ ngành vào ngày 22/3, Bộ đã báo cáo lại. Hiện tại, Bộ cũng đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ.

Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính cũng tiết lộ, trong buổi làm việc nói trên, Bộ đã mạnh dạn đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, tiến hành thu hồi số cổ phần của nhà nước và trả lại tiền cho nhà đầu tư. Sau khi nhà đầu tư chiến lược hoàn tất thoái vốn thì sẽ tìm mô hình hoạt động phù hợp cho Hãng phim truyện Việt Nam nhưng tình hình có vẻ không mấy khả quan. Lý do là 2 năm ảnh hưởng đại dịch COVID-19, kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp được mời gọi làm nhà đầu tư chiến lược cho Hãng đều phân vân và hiện nay chưa có dấu hiệu tích cực trong giải quyết nút thắt này. Trước đó, vào năm 2019, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng từng đề xuất làm nhà đầu tư chiến lược mới cho Hãng phim và mua lại cổ phần từ Vivaso nhưng 7 tháng sau, nhà đài lại có văn bản từ chối với lý do không có đủ nguồn tài chính để thực hiện.

Không lo bị mất phim dù kho phim tại Hãng phim truyện Việt Nam ẩm, mốc?

Về thông tin kho phim tại Hãng phim truyện Việt Nam bị ẩm, mốc dẫn đến 291 phim đang được bảo quản tại đây bị hỏng, bà Phan Linh Chi cho hay, trong số phim này có gần 280 phim do Nhà nước đầu tư sản xuất không bị ảnh hưởng vì hiện đang được bảo quản tại Viện Phim Việt Nam. Chỉ có 13 phim khác do Hãng phim truyện Việt Nam hợp tác với các đơn vị khác sản xuất không bảo quản tại Viện. Bà Chi khẳng định, toàn bộ số phim do Nhà nước đặt hàng, bản quyền các phim và quyết định chiếu hay không chiếu các phim này thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, không thuộc về công ty. Các phim này là sở hữu Nhà nước, giao Hãng phim được giao thực hiện. Các điều khoản, nội dung trích dẫn cụ thể khẳng định bản quyền phim thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ sẽ có văn bản trả lời.

Về vấn đề quyền lợi của các nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên thuộc Hãng phim truyện Việt Nam bị ảnh hưởng sau khi thực hiện cổ phần hóa và hiện nay nhiều nghệ sĩ không được hưởng nhiều chế độ, nhất là bị ốm đau, phải vào viện mà không có bảo hiểm y tế, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, đời sống của cán bộ công nhân viên trong Hãng hiện nay đang thực hiện theo quy định của Vivaso. Do có những vướng mắc giữa công ty và nghệ sĩ trong 5 năm qua chưa được giải quyết nên tình trạng trên chưa được giải quyết. Vấn đề này, Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng và kiến nghị sớm xem xét thu hồi cổ phần của Nhà nước, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư nhằm tháo gỡ vướng mắc trên.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/nhieu-doanh-nghiep-phan-van-khi-duoc-moi-dau-tu-cho-hang-phim-truyen-viet-nam-i687693/