Nhiều doanh nghiệp thay thế nhân sự bằng ChatGPT

Một số công việc được các doanh nghiệp sử dụng ChatGPT như viết mã, sáng tạo quảng cáo, tạo nội dung, hỗ trợ khách hàng, tóm tắt cuộc họp, viết mô tả công việc, soạn thảo yêu cầu phỏng vấn và trả lời đơn ứng tuyển…

Ngày 1/3, Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT), Sở Khoa học - Công nghệ, Đại học Quốc gia TP HCM và Thành Đoàn TP HCM tổ chức tọa đàm "Ứng dụng ChatGPT trong quản lý Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức”.

 Tọạ đàm "Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức”

Tọạ đàm "Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức”

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM nhận định, ChatGPT đã tạo nên “cơn sốt” trên toàn cầu khi chỉ sau 2 tháng ra mắt vào tháng 11/2022 đã đạt khoảng 100 triệu người dùng.

Theo khảo sát trên 1.000 doanh nghiệp được công bố ngày 25/2 vừa qua cho thấy, khoảng 48% số công ty đã ứng dụng ChatGPT vào công việc.

“Khoảng một nửa nhóm này nói rằng ChatGPT đang dần thay thế nhân công tại công ty của họ. Công cụ này đã giúp công ty tiết kiệm được hàng trăm ngàn USD", ông Lâm Đình Thắng thông tin. Một số công việc được các doanh nghiệp sử dụng ChatGPT như viết mã, sáng tạo quảng cáo, tạo nội dung, hỗ trợ khách hàng, tóm tắt cuộc họp, viết mô tả công việc, soạn thảo yêu cầu phỏng vấn và trả lời đơn ứng tuyển…

Đối với lĩnh vực của quản lý Nhà nước, Giám đốc Sở TT-TT TP HCM cho biết, nhiều ý kiến cho rằng ChatGPT có thể ứng dựng vào hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho công dân hay hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc ra quyết định.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, ChatGPT cũng đặt ra những thách thức cho công tác của các cơ quan quản lý Nhà nước, như đảm bảo tính minh bạch, chính xác và an toàn thông tin cũng như với các thông tin do chính ChatGPT tạo ra; việc kiểm soát và giải quyết các tranh chấp hay xung đột có liên quan đến ChatGPT...

“Để tiếp cận ChatGPT hiệu quả, chúng ta cần bình tĩnh, thận trọng, xem xét một cách khoa học, tận dụng những lợi thế và xác định những rủi ro để có biện pháp phòng tránh liên quan đến bản quyền, an toàn an ninh mạng…”, ông Lâm Đình Thắng nhận định.

Đưa ý kiến tại tòa đàm, PGS.TS. Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia TP HCM cho rằng, ChatGPT tồn tại dưới dạng ngôn ngữ nên khi áp dụng vào quản lý Nhà nước sẽ hỗ trợ khá nhiều.

Ông đơn cử, mỗi ngày, một cơ quan hành chính có thể nhận hàng ngàn thư từ, thông tin phản ánh từ người dân, doanh nghiệp. Nếu giao cán bộ phân loại sẽ phải mất vài ngày xử lý, tuy nhiên khi ứng dụng ChatGPT thì thời gian xử lý sẽ nhanh.

Tuy nhiên, PGS.TS. Đinh Điền khuyến cáo ChatGPT cũng có sai số, thiếu chuẩn xác trong cung cấp kiến thức về kinh tế, xã hội, lịch sử... và tự ChatGPT không phân định được đâu là thông tin đúng và thông tin sai.

“Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả thì cần phải giỏi và làm chủ được ChatGPT. Người dùng phải tự trang bị kiến thức thông tin kỹ càng hơn để có thể kiểm chứng độ chính xác mà ChatGPT cung cấp", ông nói.

 Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức

Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức

Cũng tại tòa đàm, Sở TT-TT TP HCM đặt hàng nghiên cứu ứng dụng ChatGPT vào 4 lĩnh vực. Đầu tiên là ứng dụng ChatGPT hỗ trợ thành phố nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể, ứng dụng ChatGPT vào dịch vụ công trực tuyến, trả lời tiến độ giải quyết thủ tục hành chính; và ứng dụng ChatGPT vào Tổng đài 1022 nhằm ghi nhận và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Thứ 2 là ứng dụng Chat GPT trong việc hỗ trợ cho lãnh đạo thành phố, như xây dựng hệ thống trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ, tài liệu.

Thứ 3, thành phố cũng đặt hàng ứng dụng ChatGPT làm trợ lý ảo học tập phục vụ cho giảng viên, thầy, cô giáo, học sinh trên địa bàn. Cuối cùng là nghiên cứu cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu trong việc sử dụng ChatGPT.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP HCM đánh giá, cần tìm hiểu, nghiên cứu ChatGPT thành những ứng dụng cho từng lĩnh vực, từng ngành nghề một cách hiệu quả để góp phần cải thiện công việc cho bộ máy Nhà nước.

"ChatGPT hay một ứng dụng nào khác cũng là công cụ do con người tạo ra, điều quan trọng là sử dụng như thế nào. Muốn sử dụng hiệu quả phải hiểu nó và biết cách sử dụng đúng. Nếu bỏ đi một ứng dụng nào đó có thể là sai lầm khi đó là công cụ có thể ứng dụng phục vụ phát triển”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-doanh-nghiep-thay-the-nhan-su-bang-chatgpt-post237357.html