Nhiều doanh nghiệp triển khai '3 tại chỗ' trong hoạt động sản xuất

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã triển khai phương án '3 tại chỗ', gồm: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - ở tại chỗ, cho hàng ngàn lao động tại doanh nghiệp mình.

Theo Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Ngô Văn Trọng, ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra và quay trở lại tỉnh Quảng Ngãi, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi (Ban Quản lý) đã có nhiều văn bản đề nghị các doan nghiệp tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ban quản lý cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp với diễn biến của dịch bệnh để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn; khi có khó khăn, vướng mắc phối hợp với Ban Quản lý để đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát tại các KCN trong nước, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những ca dương tính với vi rút SARS- CoV-2 nếu có trong các nhà máy, xí nghiệp, Ban quản lý đã yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất và 3 KCN VSIP, Quảng Phú, Tịnh Phong đã tiến hành tổ chức xét nghiệm Covid-19 đối với lao động tại doanh nghiệp. Đáng mừng là 20.044 lao động tham gia xét nghiệm thì tất cả đều có kết quả âm tính. Đối với các doanh nghiệp đã có phương án đưa người lao động vào nơi ở tập trung để làm việc tại doanh nghiệp hiện đang tiếp tục đẩy mạnh công tác xét nghiệm cho toàn thể người lao động trước khi quyết định tổ chức làm việc tập trung tại nhà máy.

Có 32 doanh nghiệp đã hoàn thiện phương án và sẵn sàng cho việc tổ chức làm việc tập trung tại nhà máy với số lượng dự kiến 19.400 lao động. Trong đó, có 08 doanh nghiệp đã triển khai phương án “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - ở tại chỗ cho 3.700 người lao động gồm: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty CP Vinaconex Dung Quất, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu Thủy Dung Quất, Công ty CP Bia Sài Gòn Quảng Ngãi, Chi nhánh Công ty TNHH Trâm Nam, Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi (PTSC), Công ty Cảng Quốc tế Gemadeppt Dung Quất.

Công nhân đang làm việc trong nhà máy

Các doanh nghiệp khi giữ công nhân ở lại để duy trì sản xuất phải được rà soát, kiểm tra, đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và được hướng dẫn đầy đủ các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn trong điều kiện vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch; doanh nghiệp chỉ sử dụng công nhân, người lao động đã được cơ quan y tế, chính quyền địa phương xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch. Bố trí nơi lưu trú hoặc ký túc xá riêng biệt và thực hiện xét nghiệm định kỳ cho công nhân và người lao động; Kiểm soát chặt chẽ người đến giao dịch, công tác, khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ khi ra, vào công ty. Tất cả công nhân phải tuân thủ đầy đủ khai báo y tế và các biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng đã báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh cần ưu tiên triển khai tiêm vắc xin cho người lao động trong các doanh nghiệp KKT, KCN bởi đây là giải pháp mang tính bền vững, dài hạn để thực hiện “mục tiêu kép" - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.

Qua thực tế cho thấy, khi dịch bệnh Covid-19 tác động đến nguồn cung cho các ngành sản xuất đã hiện ra một số điểm cần lưu ý của kinh tế là nội lực của các ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào chuỗi cung ứng từ nước ngoài; công nghiệp hỗ trợ trong nước còn hạn chế do đó không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp và dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.

Do đó, để tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị nội địa cần phải có cơ chế thông qua việc thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa trong chuỗi giá trị sản xuất.

Thanh Nương

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202107/nhieu-doanh-nghiep-trien-khai-3-tai-cho-trong-hoat-dong-san-xuat-3066997/