'Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn tăng đầu tư vào ĐBSCL'
TS.Trần Khắc Tâm chia sẻ, các doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ mong muốn gia tăng hợp tác, đầu tư, đặc biệt là trong thời điểm ĐBSCL đang phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc có 400 dự án đầu tư tại ĐBSCL
Chiều 5/9, tại TP.Cần Thơ đã diễn ra chương trình giao lưu - kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.
Chương trình do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM tổ chức.
Phát biểu tại chương trình, đại diện VCCI Cần Thơ cho biết, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam với các loại nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, trái cây. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2021 đạt 48 tỉ USD, năm 2022 đạt 57 tỉ USD và dự kiến năm 2023 sẽ chạm mốc 60 tỉ USD.
Đối với lĩnh vực nông sản, hàng năm, ĐBSCL xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 3,3 tỉ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc, đạt mức 118 tỉ USD (năm 2021). Điều đó cho thấy cán cân thương mại có sự chênh lệch và dư địa để 2 bên hợp tác là rất lớn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc thuộc là một trong các nhà đầu tư nước ngoài có tổng vốn đầu tư lớn vào Việt Nam. Tại ĐBSCL, Trung Quốc hiện có 400 dự án đầu tư, tập trung tại Tiền Giang, Long An, Bến Tre… Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, ĐBSCL còn có nhiều lĩnh vực mới nổi tiềm năng để hợp tác giữa 2 quốc gia: công nghệ thông tin, năng lượng, logistics…
Cầu nối của doanh nghiệp 2 nước
Ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM khẳng định: “Hôm nay, tôi một lần nữa được trở lại thành phố Cần. Vào buổi sáng, tôi có tham dự khai giảng của trường phổ thông TP.Cần Thơ và buổi chiều thăm UBND TP.Cần Thơ. Sau hàng loạt sự kiện tại TP.Cần Thơ, tôi có một cảm nhận rất sâu sắc về mảnh đất nơi đây”.
Vị này nói thêm, trước khi sang Việt Nam làm Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM, ông từng là giám đốc của một công ty nên cũng được coi là đồng nghiệp của các doanh nhân ở đây. Còn bây giờ, công việc của ông là cầu nối giữa nhân dân và các doanh nghiệp hai nước. Đến dự sự kiện này ngoài lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM còn có các hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và doanh nghiệp hai nước.
“Doanh nghiệp là động lực chính để phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Là Lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM, chúng tôi có trách nhiệm trong việc kết nối doanh nghiệp, giao thương giữa các doanh nghiệp hai nước”, ông Ngụy Hoa Tường chia sẻ.
Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM đánh giá, TP.Cần Thơ không chỉ có ưu thế là trung tâm ĐBSCL mà còn có Trường đại học Cần Thơ và những trường đại học khác, nên sẽ cung cấp nguồn nhân lực rất tốt. Ngoài ra, Cần Thơ có hệ thống giao thông tốt nên thành phố này sẽ là nơi lý tưởng cho doanh nghiệp đầu tư.
Phát biểu tại chương trình, ông Trương Vĩ, Hội trưởng Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam chia sẻ, việc Quy hoạch dài hạn TP.Cần Thơ năm 2021 – 2030 đã mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư. Điều này giúp các doanh nghiệp Trung Quốc có thể vào Cần Thơ để đầu tư. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam. Trong khi đó, ĐBSCL là khu vực có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Châu Á.
Ông Trương Vĩ bày tỏ: “Cuộc gặp gỡ trao đổi lần này là nền tảng để các doanh nghiệp kết nối hợp tác. Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam xin tích cực làm cầu nối để kết nối các doanh nghiệp, kết nối các sản phẩm nông nghiệp, tạo cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu từ Cần Thơ sang Trung Quốc”.
Trao đổi với báo chí tại chương trình, TS.Trần Khắc Tâm, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Các hiệp hội Doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Tôi rất vui khi được có mặt trong một cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa cho hợp tác doanh nghiệp Việt - Trung tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình này với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và các doanh nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Theo TS.Trần Khắc Tâm, hiện Trung Quốc có hơn 400 doanh nghiệp đầu tư vào ĐBSCL với tổng vốn lũy kế hơn 2,4 tỉ USD, chủ yếu là hợp tác trong lĩnh vực chế biến. Con số này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác của đôi bên. Tại hội nghị này, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn gia tăng hợp tác, đầu tư, đặc biệt là trong thời điểm ĐBSCL đang phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng. Phía doanh nghiệp nước bạn mong muốn chúng ta có giải pháp hiệu quả hơn trong đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu lao động tay nghề cao cho sản xuất công nghiệp.
“Như đã nhiều lần trao đổi với Tổng lãnh sự Ngụy Hoa Tường, bằng tất cả khả năng của mình, tôi luôn nguyện làm cầu nối cho hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp ĐBSCL, vì cuộc sống thịnh vượng cho tương lai con cháu chúng ta”, TS.Trần Khắc Tâm bày tỏ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, nếu như kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Mỹ sụt giảm 32,9%, sang Nhật Bản giảm 5,3%, sang EU giảm 16,6%, thì kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc lại tăng 7,7% so với nửa đầu năm ngoái.
Trong số 53 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022, thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 14 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Trung Quốc trên 260 tỷ USD/năm, thì Việt Nam mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc đem về 5,2 tỷ USD, tăng 7,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 4 mặt hàng tăng mạnh về giá trị: rau quả tăng 80,2% (đạt 1,45 tỷ USD); gạo tăng 79,2% (đạt 440 triệu USD); nhân điều tăng trên 50,9% (đạt 239 triệu USD); chè tăng 58,7% (đạt 5 triệu USD). Những mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc suy giảm kim ngạch xuất khẩu: gỗ và sản phẩm gỗ giảm 20,2%; lâm sản ngoài gỗ giảm 40,3%; sắn và sản phẩm sắn giảm 18,8%; cao su giảm 12,6%; thủy sản giảm 25,7%.