Nhiều doanh nghiệp vẫn 'đau đầu' với nợ cũ vì lãi vay cao 'ngất ngưởng'
Các khoản vay cũ lại đang là bài toán 'đau đầu' của nhiều doanh nghiệp khi lãi vay giảm rất chậm, hầu như vẫn neo ở mức cao 'ngất ngưởng'.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm mạnh kể từ tháng 4/2023, lãi suất cho vay cũng được các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm dần để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp phục hồi.
Nhiều khoản vay mới, đặc biệt là vay ngắn hạn dành cho các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ với lãi suất từ 4-5%/năm.
Tuy vậy, các khoản vay cũ lại đang là bài toán "đau đầu" của nhiều doanh nghiệp khi lãi vay giảm rất chậm, hầu như vẫn neo ở mức cao "ngất ngưởng". Thậm chí, không ít doanh nghiệp đang phải chi trả mức lãi vay đối với khoản nợ cũ cao gấp đôi so với khi vay mới.
* "Đau đầu" với các khoản nợ cũ
Tại hội nghị đối thoại chính sách ngân hàng cụm quận Bình Tân – huyện Bình Chánh (Tp. Hồ Chí Minh), tổ chức ngày 18/10, bà Mạc Thị Mùi, Giám đốc Công ty TNHH HIS Hải Dương cho biết: Công ty này đang có khoản vay 20 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), được giải ngân lần lượt vào quý IV/2022 và đầu năm 2023. Số tiền này được công ty đầu tư mua 8 xe tải chở vật liệu xây dựng (đất, đá) ở khu vực sân bay Long Thành.
Ở thời điểm giải ngân, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên thị trường đang ở mức đỉnh nên dù có tài sản thế chấp, HIS Hải Dương cũng chịu mức lãi vay lên tới 14%/năm. Đây cũng là mức lãi vay phổ biến ở thời điểm đó. Tuy nhiên, điểm chú ý là dù mặt bằng lãi suất trên thị trường hiện đã giảm mạnh so với trước đó, thế nhưng công ty này vẫn phải chi trả mức lãi suất cao ngất, trung bình 13%/năm, trong khi hoạt động kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn.
"Mấy tháng qua thời tiết mưa rất nhiều, xe chạy được một ngày thì nghỉ tới 3 ngày, dẫn đến doanh thu hoạt động chỉ đủ chi trả tiền lương cho tài xế và chi phí xăng dầu. Dòng tiền eo hẹp nên chúng tôi không đủ kinh phí trả lãi ngân hàng, cứ phải vay chỗ nọ trả chỗ kia và gặp rất khó khăn. Vì vậy, rất mong ngành ngân hàng có giải pháp hỗ trợ và giảm lãi suất trên các khoản vay cũ để các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi có thể duy trì hoạt động trong thời điểm khó khăn này", bà Mùi chia sẻ.
Không chỉ phải vay với lãi suất cao, HIS Hải Dương còn phải chịu một số chi phi "không tên" để có thể tiếp cận nguồn vốn vay này như mua bảo hiểm nhân thọ lên đến 400 triệu đồng; hỗ trợ ngân hàng bằng việc mua tài khoản số đẹp với trị giá 50 triệu đồng… mà bản thân chủ doanh nghiệp cũng không có nhu cầu. Đáng kể, khi mua bảo hiểm nhân thọ, vợ chồng bà Mùi không đủ điều kiện ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (trường hợp lớn tuổi, gần 70 tuổi), nên đành phải "năn nỉ" người quen đứng ra mua, nhận dùm mới rồi mới đủ thủ tục giải ngân.
Trở lại vấn đề lãi vay đối với các khoản nợ cũ còn neo cao, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành – một doanh nghiệp chuyên làm nhà ở xã hội cũng phản ánh, các ngân hàng thương mại đang triển khai cho vay mới với mức lãi suất rất tốt, chỉ 8-9%/năm. Tuy nhiên, lãi vay ở các gói vay cũ vẫn gần như bất động, các ngân hàng vẫn còn neo ở mức rất cao.
"Chúng tôi có khoản vay hồi đầu năm với lãi suất lên tới 14%/năm và hiện đã được ngân hàng điều chỉnh giảm còn 13%/năm. Trong khi đó, vay mới gần đây, mức lãi suất chỉ từ 8-9%/năm. Đây rõ ràng là sự vô lý và bất cập. Dù thời điểm đầu năm các ngân hàng phải huy động vốn cao, nhưng hiện đã có độ trễ 4-5 tháng, thì các ngân hàng cũng nên xem xét điều chỉnh giảm mạnh lãi vay hơn đối với các khoản vay cũ để hỗ trợ doanh nghiệp. Chưa kể, với mức lãi suất 13-14%/năm thì các doanh nghiệp nhà ở xã hội sẽ khó có thể hoạt động hiệu quả", ông Nghĩa nói.
* Cần điều chỉnh lãi vay ở các khoản nợ cũ về mức hợp lý hơn
Trên thực tế, không chỉ riêng 2 trường hợp trên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang "đau đầu" với áp lực lãi vay còn neo cao ngất ngưỡng ở các khoản nợ cũ. Trước đó, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) cũng cho biết, dù thị trường xuất khẩu gỗ bắt đầu có tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây, song vẫn chưa thực sự phục hồi. Do đó, ở thời điểm này vẫn không có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay mới để đầu tư máy móc, vật liệu, mà chủ yếu vay để đảo nợ cũ.
Theo ông Phương, một trong những vấn đề chính của các doanh nghiệp trong ngành là lãi vay các khoản nợ cũ còn khá cao. Doanh nghiệp rất muốn vay mới để đảo nợ, tuy nhiên hầu hết đã sử dụng hết tài sản thế chấp nên lại không vay mới được.
Đáng chú ý, kể từ 1/9/2023, các ngân hàng thương mại triển khai chính sách cho khách hàng vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất khá ưu đãi, chỉ từ 6-8%/năm. Đây là mức lãi vay rất hấp dẫn, thậm chí chỉ bằng 50% so với mức lãi vay ở khoản nợ cũ. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn không hào hứng với chính sách mới này.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, khi vay mới chắc chắn doanh nghiệp sẽ nhận được mức lãi vay thấp hơn so với khoản nợ cũ. Tuy nhiên, để được vay mới, doanh nghiệp cũng phải có tài sản thế chấp. Trừ khi doanh nghiệp có tài sản thế chấp mới, còn việc chuyển tài sản thế chấp từ ngân hàng này sang ngân hàng khác là bất khả thi, vì chỉ áp trong nghiệp vụ mua bán nợ.
Chưa kể, doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí tất toán khoản vay trước hạn (thường khoảng 1-3% dư nợ, có ngân hàng áp phí phạt lên đến 5% trong vòng 1-2 năm đầu); cộng thêm chi phí khác như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm khoản vay… Những điều này sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các doanh nghiệp muốn vay ở ngân hàng mới để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ. Do đó, không có nhiều doanh nghiệp mặn mà với việc vay mới để "đảo nợ".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, dù gần đây lãi suất huy động đã giảm nhưng các ngân hàng vẫn phải quân bình vốn khiến lãi suất cho vay giảm chậm hơn. Ngoài ra, việc thừa vốn của các ngân hàng cũng khiến chi phí lãi tăng lên, ảnh hưởng tới việc giảm lãi suất cho vay.
Tuy vậy, vị chuyên gia cũng dự báo, xu hướng lãi suất thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục giảm, bởi dòng vốn giá rẻ chảy về ngày càng nhiều giúp các ngân hàng có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, do thừa vốn nên các ngân hàng cũng có xu hướng cạnh tranh lẫn nhau để thu hút khách vay tiền. Hiện đang là thời điểm "vàng" để doanh nghiệp và người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi và nhận được nhiều hỗ trợ từ ngân hàng.
Giới phân tích nhận định, chính sách lãi suất hiện nay của Việt Nam đã hỗ trợ rất kịp thời cho nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng. Tuy vậy, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều lĩnh vực vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, các chuyên gia tài chính và doanh nghiệp cũng kiến nghị ngành ngân hàng xem xét điều chỉnh giảm mạnh lãi vay hơn nữa ở các khoản vay cũ. Đây sẽ là giải pháp rất quan trọng để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ, góp phần "trụ vững" trong giai đoạn khó khăn hiện nay./.