Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn có dấu hiệu gian lận thuế VAT
Theo Tổng cục Thuế, thông tin trả lời xác minh từ các cơ quan thuế nước ngoài cung cấp đã phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu tinh bột sắn tại Trung Quốc không còn tồn tại hoặc đã bỏ trốn, mất tích từ lâu.
Tổng cục Thuế phản hồi thông tin liên quan đến việc các doanh nghiệp xuất khẩu sắn “kêu cứu” vì các quy định hoàn thuế mới tại Công văn 632/TCT-TTKT của cơ quan này.
Theo Tổng cục Thuế, Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định để được hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện gồm hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan, hóa đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng…
Nhiều năm qua, đa số các doanh nghiệp đã thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và thực hiện hoàn thuế VAT. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị lợi dụng chính sách khuyến khích của Nhà nước để làm giả hồ sơ giấy tờ, kê khai khống hóa đơn,… nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT như Công ty TNHH JUNMA Phú Thọ, Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức…
Tuy nhiên, trong công tác quản lý thuế vừa qua cơ quan thuế nhận thấy một số dấu hiệu nghi vấn trong hồ sơ hoàn thuế VAT của một số doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc không đáp ứng điều kiện về hoàn thuế VAT: một bên chủ thể của hợp đồng nhập khẩu không tồn tại, đã bỏ trốn mất tích từ lâu, chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên người mua hàng, chuyển khoản thông qua ngân hàng biên giới không đúng quy định về điều kiện thanh toán để được hoàn thuế…
Thông tin trả lời xác minh từ các cơ quan thuế nước ngoài qua cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thuế đã phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu tinh bột sắn tại Trung Quốc không còn tồn tại hoặc đã bỏ trốn, mất tích từ lâu.
Tổng cục Thuế cho biết: “Để công tác quản lý hoàn thuế VAT đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, đầu tháng 3 Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 632/TCT-TTKT chỉ đạo nội bộ cơ quan thuế thực hiện các công việc liên quan đến công tác quản lý hoàn thuế”.
Cụ thể, chỉ đạo các cục thuế kiểm tra, rà soát và đối chiếu các doanh nghiệp trên địa bàn có kê khai phát sinh giao dịch mua bán với các doanh nghiệp, tổ chức có tên trong tài liệu xác minh từ cơ quan thuế Trung Quốc để thực hiện ngay các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó xác định rõ số kỳ hoàn, số tiền thuế đã hoàn, số thuế đang đề nghị hoàn.
Trường hợp xác định có hành vi vi phạm, không đủ điều kiện về hoàn thuế VAT thì kịp thời xử lý thu hồi tiền hoàn thuế về ngân sách nhà nước, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì củng cố hồ sơ hành vi vi phạm chuyển qua công an điều tra, khởi tố.
Đối với các hồ sơ hoàn thuế đã có kết quả trả lời xác minh của cơ quan thuế nước ngoài (đơn vị nhập khẩu không tồn tại hoặc có tồn tại nhưng không thừa nhận nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam...), Cục Thuế xác định dấu hiệu gian lận hoàn thuế, thu thập hồ sơ liên quan chuyển cơ quan công an đề nghị điều tra xử lý.
Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, hải quan thì phải cung cấp thông tin vi phạm của người nộp thuế cho cơ quan hải quan và đề nghị cơ quan hải quan phối hợp với cơ quan hải quan nước ngoài xác minh, điều tra làm rõ thực tế có xuất khẩu hay không...
Trước đó, Hiệp hội Sắn Việt Nam cùng các doanh nghiệp xuất khẩu sắn vừa ký đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong đó kiến nghị dừng thực hiện Công văn 632 của Tổng cục Thuế về việc hoàn thuế VAT đối với mặt hàng tinh bột sắn.
Cụ thể, tại Công văn 632, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế địa phương xác minh các khách hàng nước ngoài, dẫn đến việc dừng hoàn và truy thu tiền thuế VAT của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cho rằng, pháp luật hiện hành về hoàn thuế VAT không có quy định hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn. Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu cũng không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng.
Hiệp hội Sắn cho rằng nếu Công văn 632 được thực thi, các doanh nghiệp ngành sắn sẽ bị phá sản.