Nhiều doanh nhân khởi nghiệp Trung Quốc bị mắc lừa tham gia 'câu lạc bộ giám đốc kín'
Trương Vân, 35 tuổi, chủ một công ty nghe nhìn Bắc Kinh, 2 năm qua kinh doanh khó khăn nên muốn tìm lối thoát. Một người bạn gợi ý cô nên làm quen với nhiều 'doanh nhân tiền bối' hơn để được hỗ trợ.
Sau khi chi 30.000 NDT, Trương Vân được tham gia một nhóm WeChat. Nhóm gồm hơn 30 người này là một câu lạc bộ kín có tên là "Tư đổng hội” (Hội đồng quản trị riêng), tuy nhiên những ý tưởng kinh doanh mà cô mong đợi đã không có mà thay vào đó cô lại bước vào một thế giới khác.
“Hội đồng quản trị riêng”
3 năm trước, Trương Vân thuê vài gian văn phòng ở Thông Châu, thành lập một công ty nghe nhìn, dựa vào nguồn khách hàng tích lũy được trong quá khứ, cô đã thành công trong việc kinh doanh năm đầu tiên. Tuy nhiên, do tập trung vào quảng bá và cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực video trực tuyến, thành tích kinh doanh của công ty bắt đầu sụt giảm. Cô có kế hoạch mở rộng mạng lưới quan hệ, làm quen các chủ doanh nghiệp có nhiều nguồn lực để quảng bá sản phẩm của mình.
Cô đặt nhiều kỳ vọng vào “hội đồng quản trị riêng” vì cho rằng thông tin kém và quen biết ít là trở ngại trên con đường khởi nghiệp của mình. Tháng 3 năm ngoái, qua sự giới thiệu của một người bạn, Trương Vân đã tham gia nhóm WeChat, nơi cô có thể gặp gỡ các "doanh nhân cao cấp", nơi tổ chức các hoạt động offline hàng tháng và kết nối "các mối quan hệ làm ăn trong giới sản xuất". Mặc dù không có mối liên hệ nào với ngành sản xuất nhưng cô cảm thấy những người này rất “giàu có”.
Trình Tiền, Chủ nhiệm một CLB giám đốc kín đang thuyết trình với chủ đề "Startup trẻ sinh không gặp thời" (Ảnh: Sohu)
Nhóm WeChat mà Trương Vân tham gia do Trình Tiền đứng đầu. Khách hàng chính là những người sáng lập công ty, CEO và nhà đầu tư, với yêu cầu công ty phải có giá trị vốn hóa thị trường hơn 100 triệu NDT mới được gia nhập.
Sau khi gia nhập tổ chức này, các doanh nhân được tham gia nhiều hoạt động ngoại tuyến như họp kín hội đồng quản trị riêng, ăn bữa tối riêng, hoạt động từ thiện và đào tạo nghề.
Người chủ trì cuộc họp kín yêu cầu những người tham gia không mang theo điện thoại di động, Trương Vân nghĩ rằng điều này có thể nhằm tạo ra một trải nghiệm yên tĩnh, nhưng ảo tưởng của cô nhanh chóng tan vỡ.
"Tôi cảm thấy như mình đang ở trong một tổ chức tương tự như hội giúp cai nghiện rượu ẩn danh. Tất cả những người tham dự đều phàn nàn gặp các vấn đề với chuỗi vốn và đang tìm kiếm nguồn tài chính nhưng không biết các kênh ở đâu. Rất nhiều người thổ lộ, nhưng cơ bản là không tìm ra giải pháp. Còn những 'doanh nhân hàng đầu' thì luôn nói về ‘cục diện’, ‘trọng tâm chiến lược’, ‘định hướng chung’...Mọi người ai nấy đều nói quan điểm của riêng mình", cô kể lại.
Trong việc tạo dựng các mối quan hệ, CLB giám đốc kín chẳng giúp được gì nhiều. Dường như hầu hết những người tham gia đều là những doanh nhân kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ, bỏ ra cả chục nghìn NDT để được có thể làm quen các khách hàng chất lượng có giá trị lợi nhuận cao, cho đây một khoản đầu tư xứng đáng.
Tuy nhiên, Trương Vân thấy rằng kinh nghiệm và đề xuất của các doanh nhân trong các lĩnh vực khác nhau trong nhóm có giá trị tham khảo rất hạn chế. Sau một lần tư vấn tay đôi, một CEO công ty sản xuất 40 tuổi đã đưa ra một đề xuất khiến cô ngã ngửa: hãy sa thải một nửa số nhân viên công ty.
Mất tiền vô ích
Tham gia hoạt động offline chỉ có 2 người phụ nữ, ngoài Trương Vân còn có một phụ nữ trung niên thanh lịch mặc áo khoác Chanel, sau khi trò chuyện với người phụ nữ này, cô mới biết đó chỉ là vợ của một doanh nhân đến tham dự thay người chồng quá bận rộn.
Trên thực tế, “hội đồng quản trị tư nhân” rất giống với các lớp MBA, EMBA và trường kinh doanh phổ biến ở tầng lớp lãnh đạo các công ty cấp trung và cấp cao. Chỉ là ngưỡng trình độ học vấn đầu vào thấp hơn và học phí không cao bằng. Thay vì học các phương pháp quản lý kinh doanh, họ bỏ tiền ra để được vào một nhóm WeChat, đó mới là cốt lõi của sự phổ biến của các CLB giám đốc kín.
Các thành viên "Tư đổng hội" trên mạng ở thành phố Phật Sơn gặp gỡ (Ảnh: Sohu)
Một số người từng tham gia các cuộc họp CLB cho biết, so với MBA, các thành viên có mối liên hệ chặt chẽ hơn và sẵn sàng cởi mở hơn, điều này có thể giúp mọi người giải quyết tốt hơn sự cô đơn và áp lực trong quá trình ra quyết định của công ty.
Tuy nhiên, chỉ cần là nơi tụ tập riêng tư, ắt sẽ có những sai lệch. Dịch vụ này được Trình Tiền cung cấp. Ông là blogger hàng đầu chuyên phỏng vấn doanh nghiệp của Douyin, tài khoản "Cheng Qian Moments" của ông có hơn 6 triệu người theo dõi. Theo tiết lộ với giới truyền thông, nhóm WeChat CLB giám đốc kín của ông có khoảng 100 thành viên.
Tiêu chuẩn tuyển dụng đối với nhiều thành viên, “thu nhập hàng năm trên 10 triệu NDT” là một tiêu chuẩn cứng, khiến nhiều người chế giễu rằng đó là cách tiêu dùng “không bóc lột người nghèo”.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn “thu nhập chục triệu tệ/năm” này không phải là không thể lay chuyển. Một số người tham gia cho biết thu nhập của họ chưa đến mười triệu tệ, nhưng họ cũng gia nhập một CLB giám đốc kín thành công thông qua các cuộc phỏng vấn hoặc thỏa thuận riêng.
Ngưỡng tham gia hoạt động CLB giám đốc kín mà Trương Vân tham gia rất đơn giản: chỉ cần có bản sao giấy phép kinh doanh và nộp đầy đủ hội phí là được.
Trong vài năm qua, sự gia tăng của các blogger cung cấp kiến thức trả phí trên các nền tảng Douyin, Bilibili đã gây ra làn sóng chống loại “hàng giả” này. Nhưng thực tế là dù có bao nhiêu video chống “hàng giả” thì vẫn luôn có một lượng người ổn định sẵn sàng trả tiền cho các khóa học kiểu như "dạy mọi người khởi nghiệp" và tham gia CLB giám đốc kín.
Quan sát video của một số người hướng dẫn, có thể thấy rằng việc tạo ra dữ liệu và lo lắng về lượng truy cập là chìa khóa để họ tuyển dụng học viên và kiếm tiền thành công. "Sự khác biệt lớn nhất giữa mọi người là cấu trúc", "Sau khi theo khóa học của tôi, thu nhập của bạn sẽ tăng ít nhất mười lần"…là những lời chào mời dễ lọt tai.
Nói cho cùng, chỉ cần nắm được nỗi lo lắng của các doanh nhân startup, họ sẽ có được “con bò sữa để vắt”. Không thể xác minh liệu các doanh nhân có trở nên giàu có nhanh chóng thông qua các cuộc họp CLB giám đốc kín hay không, nhưng các blogger thì đã kiếm được bội tiền bằng cách tổ chức các "tư đổng hội" này.
Trương Vân đã cố ở lại CLB, lý do duy nhất khiến cô không muốn rời nhóm là vì cô đã gặp những đồng sự có cùng cảnh ngộ. Nhưng cô không khỏi cảm thấy thất vọng “dù gì mình cũng đã vào đây”, “tuy mới tham gia một hai hoạt động nhưng tôi đã trót vào nhóm với giá hàng chục nghìn tệ nên chả lẽ lại chia tay nó".