Nhiều đồn đoán liên quan đến hành tung bí ẩn của các thủ lĩnh Taliban
Hành tung bí ẩn của các thủ lĩnh Taliban đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về số phận của những nhân vật này và sự chia rẽ trong nội bộ Taliban.
Lãnh đạo của Taliban hiếm khi xuất hiện tại những sự kiện công chúng và không sẵn sàng trả lời phỏng vấn hoặc tổ chức các cuộc họp báo. Nhiều người trong số họ sống ẩn mình, không rõ hành tung. Điều đó đã tạo ra những tin đồn về tình hình sức khỏe của họ và khả năng xảy ra bất đồng nội bộ.
Taliban vẫn là tổ chức bí mật
Những tin đồn đó đã thu hút nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây, khiến người phát ngôn của Taliban buộc phải trả lời những câu hỏi về việc liệu một trong những nhân vật cấp cao nhất của lực lượng này – ông Mullah Baradar, phó thủ lĩnh đồng thời là người đồng sáng lập nhóm đã bị thương hay bị sát hại trong cuộc giao tranh với mạng lưới khủng bố Haqqani tại Kabul cuối tuần qua.
Tương tự, các quan chức Taliban nhiều lần thông báo thủ lĩnh tối cao Haibatullah Akhundzada sẽ sớm ra mắt công chúng. Nhưng kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan từ tháng 8 đến nay, nhân vật này vẫn chưa xuất hiện, làm dấy lên đồn đoán rằng ông đang lâm bệnh, hoặc đã qua đời.
Tại những quốc gia khác, thông thường một chính trị gia khi gặp phải tình huống như vậy, sẽ tổ chức họp báo hoặc xuất hiện trên truyền hình để xóa tan nững tin đồn thất thiệt. Trước đó hôm 13/9, Taliban đã công bố một bản ghi âm dài 39 giây của Baradar cùng bản ghi chú viết tay từ trợ lý của ông, nhưng không có bất cứ video hoặc hình ảnh nào về nhân vật này. Lần cuối cùng ông Baradar xuất hiện thoáng qua tại một khách sạn ở Kabul là vào tuần đầu tiên của tháng 9/2021.
Trong đoạn ghi âm, ông Baradar cho biết: “Tôi đang thực hiện một chuyến đi trong những ngày này. Tôi đã đi đến một số nơi và tất cả chúng tôi đều mạnh khỏe. Một số phương tiện truyền thông đã đưa ra những lời nói dối đáng xấu hổ. Hay can đảm chối bỏ những thông tin này”.
Ông Mullah Baradar là người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban, dẫn đầu phái đoàn tham gia các cuộc đàm phán với chính quyền cũ và Mỹ. Một số người cho rằng ông sẽ được bổ nhiệm làm thủ tướng, nhưng sau các cuộc đàm phán kéo dài về mô hình của chính quyền mới, ông Mullah Baradar được bổ nhiệm làm phó thủ tướng.
Tin đồn về những mâu thuẫn nội bộ trong bộ máy điều hành của Taliban đã xuất hiện sau khi ông Baradar vắng mặt trong phái đoàn gặp Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tại thủ đô Kabul vào cuối tuần qua. Các quan chức Taliban giải thích rằng, khi đó, ông Baradar không có mặt Kabul mà đã đi tới Kandahar – nơi thủ lĩnh tối cao Haibatullah Akhundzada đang có mặt.
Việc các lãnh đạo của Taliban hiếm khi xuất hiện trước công chúng không phải là điều mới mẻ. Bằng nhiều cách khác nhau, các nỗ lực quảng bá của Taliban đã trở nên tinh vi hơn trong thời gian qua. Các tài khoản trên mạng xã hội của lực lượng lượng này sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau và những người phát ngôn như Zabihullah Mujahid cũng thường xuyên tổ chức họp báo.
Taliban đã đăng tải một số lượng lớn video khi các chiến binh của lực lượng này tiến hành chiến dịch tấn công trên khắp Afghanistan vào tháng 8/2021. Nhưng chiến lược truyền thông mạnh mẽ đó không áp dụng với đội ngũ lãnh đạo đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời họ để thực hiện chiến tranh du kích và nhiều người trong số này từng có quãng thời gian bị giam giữ. Đến nay, Taliban vẫn là một tổ chức bí mật.
Lý do các thủ lĩnh Taliban ít xuất hiện trước công chúng
Azaz Syed, một nhà báo Pakistan chuyên đưa tin về Taliban cho biết: “Hầu hết các thủ lĩnh chủ chốt của Taliban đều tránh xuất hiện trước công chúng vì họ tin rằng việc tiết lộ danh tính và nơi ở sẽ khiến kẻ thù tìm cách tấn công họ. Những quan niệm cũ dường như rất khó thay đổi”.
Trước đó vào năm 2013, ông Mullah Omar - lãnh đạo đầu tiên đồng thời là người đồng sáng lập lực lượng Taliban đã qua đời vì bệnh lao, nhưng phải dến 2 năm sau, Taliban mới tiết lộ cái chết của nhân vật này. Một số nhà phân tích cho rằng, sự ẩn mình của các quan chức cấp cao Taliban là dấu hiệu cho thấy đã xuất hiện những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nhóm, đặc biệt là về các cuộc đàm phán hòa bình – điều mà nhiều chỉ huy quân sự của Taliban phản đối. Sự mâu thuẫn nghiêm trọng đến mức, một số chỉ huy rời bỏ Taliban để gia nhập chi nhánh khủng bố IS tại Afghanistan.
Lãnh đạo tối cao đương nhiệm của Taliban, ông Haibatullah Akhundzada, được bầu từ năm 16 tại một cuộc họp của hội đồng lãnh đạo hay còn gọi là Shura ở thành phố Quetta (Pakistan) hiện đang sống lưu vong. Ông đã không xuất hiện công khai trong 5 năm qua kể từ thời điểm đó. Trong phần lớn thời gian vào năm 2020, ông cũng không đưa ra bất cứ tuyên bố nào.
Phát biểu với Foreign Policy năm 2020, ông Moulawi Muhammad Ali Jan Ahmed – một quan chức cấp cao của Taliban cho biết, Haibatullah Akhundzada đã bị mắc Covid-19. “Lãnh đạo của chúng tôi đã mắc bệnh nhưng ông ấy đang hồi phục”. Trong khi một nguồn tin khác của Taliban nói rằng ông Akhundzada có thể đã qua đời do dịch bệnh.
Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, chỉ có một tuyên bố được đưa ra dưới danh nghĩa của ông Akhundzada, nói rằng: “Tôi xin cam kết với tất cả người dân rằng, các nhân vật trong chính phủ mới của Taliban sẽ làm việc tận tụy để duy trì các quy tắc Hồi giáo và Luật Sharia”.
Theo CNN, sự chia rẽ nội bộ có thể nảy sinh trong hội đồng lãnh đạo của Taliban năm 2016. Vào thời điểm đó, một thỏa thuận đã được đưa ra để khiến các phe phái đối đầu làm việc với nhau, với 2 cấp phó được chỉ định là Mullah Yaqoob, con trai của Mullah Omar - thủ lĩnh đầu tiên của Taliban và Sirajuddin Haqqani - lãnh đạo Mạng lưới Haqqani. Cả hai nhân vật này đều có mặt trong chính phủ mới, với các vị trí đảm nhiệm lần lượt là bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng nội vụ. Tuy vậy, rất ít khi họ xuất hiện trước công chúng dù có vai trò quan trọng về mặt an ninh.
Trong đội ngũ này, ông Khalil – chú của Sirajuddin Haqqani, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng về người tị nạn, lại xuất hiện nhiều hơn cả, thậm chí cho phép báo chí nước ngoài phỏng vấn ông. Tuy nhiên, Azaz Syed – phóng viên của GeoNews cho biết: “Ông Khalil rất cẩn trọng trong việc đảm bảo an ninh. Bất cứ khi nào di chuyển trong thành phố, ông cũng được các nhân viên của Lữ đoàn Đặc công 313 bảo vệ”.
Theo CNN, điều đó không có gì ngạc nhiên vì Khalil là một trong những nhân vật bị Mỹ truy lùng gắt gao. Chính phủ Mỹ đã treo thưởng 5 triệu USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin để bắt giữ nhân vật này. Trong khi số tiền thưởng cho người cung cấp thông tin về Sirajuddin Haqqani lên tới 10 triệu USD./.