Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số miền núi không dám nằm viện do bị cắt thẻ BHYT
Theo thông tin của một số Bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ người bệnh đến khám và điều trị tại đây giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến tỷ lệ này giảm có nhiều nhưng 1 trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do cắt giảm thẻ BHYT nên người dân không có điều kiện về kinh tế để chăm sóc sức khỏe như trước đây.
Bệnh nhân Vi Thị Nhàn nhập viện điều trị và phải mổ. Cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng nên phải vay mượn, chạy vạy mới đủ tiền đóng viện phí. Vì thế, khi bị cắt thẻ BHYT đã khiến gia đình thêm kiệt quệ.
Chị VI THỊ NHÀN -Bệnh nhân: “Làm cũng không biết làm gì ra tiền. Ốm đau, đi viện như thế này không có thẻ bảo hiểm thì ốm đau rất là khó khăn. Đi thì tiền nong không có, vay mượn đi xuống, có lúc cũng phải nhịn ăn để tiền nộp viện phí đây.”
Theo các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa huyện Lang Chánh, việc bệnh nhân vào viện không có thẻ BHYT là điều rất thiệt thòi. Nhiều bệnh nhân phải bỏ điều trị vì không có tiền.
BSCKII PHẠM THỊ THÚY - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa: “Một số những người bị bệnh họ chỉ dám đi khám, còn tư vấn nằm viện họ không có điều kiện để ở lại bệnh viện để theo dõi thêm. Chỉ trừ trường hợp nguy kịch họ mới vào viện ở lại vì không có điều kiện kinh tế. Đặc biệt, giá dịch vụ hiện nay theo giá dịch vụ người dân gặp rất nhiều khó khăn. Thứ 2, những trường hợp nặng phải vào viện nằm viện lẽ ra phải nằm đủ thời gian điều trị nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn họ chỉ ở lại qua giai đoạn cấp cứu sau giảm họ xin về nhà tự điều trị.”
Năm 2022, theo chỉ tiêu được giao, BHXH tỉnh Thanh Hóa tỷ lệ bao phủ BHYT phải đạt 91,75%, lộ trình đến năm 2025 đạt 95%. Nhưng với quyết định 861 cắt, giảm các chính sách dân tộc trong đó có thẻ BHYT sẽ khiến tỷ lệ bao phủ nơi đây khó đạt mục tiêu đề ra.
Ông VŨ NGUYÊN HIỆP - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa: “Để đạt Nghị quyết 688 Quốc hội đã ban hành là giai đoạn phát triển kinh tế người dân tộc thuộc các huyện miền núi phải đạt chỉ tiêu các huyện miền núi đạt 98% đến năm 2025. Mong rằng sau khi có tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các huyện, đơn vị thì Quốc hội cho phép được tiếp tục mua thẻ BHYT cho các đối tượng này cho đến cả giai đoạn để đạt mục tiêu”.
Theo quyết định 861, cả nước có 406 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trong đó Thanh Hóa đã có đến 79 xã. Theo thống kê của BHXH tỉnh này, có khoảng 345 nghìn người dân bị cắt giảm thẻ BHYT tại 18 huyện, thị xã.
Thực hiện : Phạm Cường Như Huỳnh