Nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt, tiêu biểu của tỉnh được đặt tên đường

Thành phố Hòa Bình đang trong quá trình vừa quy hoạch, vừa xây dựng và nỗ lực triển khai các nhiệm vụ đột phá chiến lược, đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại với mục tiêu trở thành đô thị loại II trước năm 2025. Vì vậy, việc đặt các tên đường và điều chỉnh tên đường là cần thiết.

Thành phố Hòa Bình đang trong quá trình vừa quy hoạch, vừa xây dựng và nỗ lực triển khai các nhiệm vụ đột phá chiến lược, đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại với mục tiêu trở thành đô thị loại II trước năm 2025. Vì vậy, việc đặt các tên đường và điều chỉnh tên đường là cần thiết.

Đường tuyến 4 trên địa bàn phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình vừa được đặt tên là đường Lê Hòa và sẽ được cắm biển trong thời gian tới.

Đường tuyến 4 trên địa bàn phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình vừa được đặt tên là đường Lê Hòa và sẽ được cắm biển trong thời gian tới.

Trao đổi với lãnh đạo UBND thành phố Hòa Bình về thực trạng đường, phố và công trình công cộng đã được đặt tên, được biết: Sau năm 1994, thành phố có 65 đường, phố được đặt tên theo Quyết định số 49/QĐ-UBND, ngày 19/5/1994. Sau năm 2006, thành phố có thêm 41 đường, phố được đặt tên theo Nghị Quyết số 68/2006/NQ-HĐND. Đến năm 2022, thành phố có thêm 1 đường được đặt tên.

Đến nay, thành phố Hòa Bình có 107 đường, phố đã được đặt tên, gồm 97 đường, 10 phố, tập trung tại các phường: Phương Lâm, Đồng Tiến, Tân Thịnh, Thịnh Lang, Hữu Nghị, Tân Hòa, Thái Bình.

Về công trình công cộng, có 2 công trình đã được đặt tên: Quảng trường Hòa Bình tại phường Quỳnh Lâm (trước đây là xã Sủ Ngòi); cầu Hòa Bình nối qua sông Đà, điểm đầu đường Cù Chính Lan, điểm cuối là ngã 5 phường Tân Thịnh.

Thực tế cho thấy, việc đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hòa Bình thời gian qua chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa và phát triển của hệ thống giao thông. Công tác thống kê, rà soát, tổng hợp thực trạng tên đường, phố chưa được quan tâm. Nhiều tuyến đường, phố và một số công trình công cộng đã được xây dựng ổn định nhưng chưa được đặt tên.

Theo Đề án Đặt tên đường, công trình công cộng, đổi tên đường và điều chỉnh độ dài các tuyến đường đã được đặt tên trên địa bàn thành phố Hòa Bình năm 2024, có 34 đường đã được xây dựng và sử dụng ổn định; 6 đường đã được đặt tên đề nghị điều chỉnh độ dài; 2 công trình công cộng là cầu nối qua sông Đà đã được xây dựng và sử dụng ổn định; 1 đoạn đường trong tuyến đường đã được đặt tên nhưng do bị chia cắt bởi công trình cầu dự kiến đổi tên. Thành phố sẽ dựng 91 biển tên đường và công trình công cộng tại các tuyến đường được đặt tên sau khi được phê duyệt.

Trong những tên đường đã được HĐND tỉnh Hòa Bình thông qua ngày 28/6/2024 có nhiều đường mang tên của các danh nhân, nhà văn hóa, anh hùng dân tộc và có những cái tên rất mới như: đường Lê Hòa, Lê Đạm, Vũ Thơ, Nguyễn Văn Hậu…

Để giải đáp thắc mắc này, qua tìm hiểu được biết, đường Lê Hòa thuộc địa phận phường Quỳnh Lâm, điểm đầu đường Đào An Thái, điểm cuối đường Phan Lang có chiều dài 900 m, chiều rộng 14 m. Đồng chí Lê Hòa là Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình từ 9/1952 - 12/1955. Đồng chí cùng Đảng bộ tỉnh trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến của tỉnh Hòa Bình sau khi tỉnh được hoàn toàn giải phóng, góp phần chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Đồng chí được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý (Huân chương Độc lập hạng nhì, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng), là lão thành cách mạng.

Đường Lê Đạm thuộc địa bàn các phường Tân Thịnh, Hữu Nghị. Điểm đầu là ngã năm đường Đinh Tiên Hoàng - Trương Hán Siêu - Cầu Hòa Bình, điểm cuối đường Hữu Nghị (cây xăng Thành Long), chiều dài 60 m, rộng 13 m. Đồng chí Lê Đạm là Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình từ 1/1949 - 8/1952. Đồng chí là người trực tiếp lãnh đạo phong trào kháng chiến của tỉnh với rất nhiều chiến công trong các chiến dịch lớn như: Lê Lợi năm 1949, Hòa Bình năm 1951-1952. Sau khi miền Bắc được giải phóng, đồng chí được Trung ương điều quay lại Hòa Bình giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 1/1956 - 5/1963. Trước khi nghỉ hưu theo chế độ, đồng chí là Thứ trưởng Bộ Vật tư; được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu (Huân chương Hồ Chí Minh, Huy chương Độc lập hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng), là lão thành cách mạng.

Đường Vũ Thơ thuộc địa phận các phường Quỳnh Lâm, Thái Bình, Dân Chủ; điểm đầu ngã ba đường Trần Hưng Đạo, điểm cuối tiếp giáp với đường An Dương Vương, phường Thái Bình, chiều dài 3.900 m, chiều rộng 13 m. Đồng chí Vũ Thơ có nhiều đóng góp trong xây dựng phong trào cách mạng tỉnh Hòa Bình trước năm 1945. Đồng chí là Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình từ tháng 1 - 3/1945, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình từ tháng 12/1946 - 6/1947, từ tháng 12/1974 - 12/1975. Đồng chí được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu (Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng), là lão thành cách mạng...

Một số đồng chí khác được đặt tên đường cũng là những lão thành cách mạng có nhiều đóng góp cho tỉnh và địa phương.

Việc đặt tên đường, công trình công cộng, đổi tên đường và điều chỉnh độ dài các tuyến đường đã được đặt tên trên địa bàn thành phố Hòa Bình nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, quản lý đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống quê hương, đất nước, lòng tự hào về thành phố, về đất nước và tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết.

H.T

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/191116/nhieu-dong-chi-nguyen-lanhdaochu-chot,-tieu-bieucua-tinh-duoc-dat-ten-duong.htm