Nhiều động vật có thể chết đói vì Covid-19

Đói khát, bạo loạn và bị mang đi xẻ thịt là những điều xảy ra với nhiều loài động vật trên khắp thế giới trong đại dịch Covid-19.

Mặc dù chó, mèo, chồn và động vật linh trưởng có thể nhiễm SAR-CoV-2, nhưng chúng dường như không dễ mắc như con người. Vấn đề lớn hơn đối với động vật là sự khủng hoảng do các lệnh phong tỏa.

Trên khắp thế giới, nhiều loài động vật có cuộc sống phụ thuộc vào du lịch. Con người trả tiền để tham quan các vườn thú, công viên, điểm du lịch, nơi các con vật biểu diễn hoặc thực hiện những dịch vụ khác. Động vật tại đây được du khách cho ăn trực tiếp hay tiêu thụ thức ăn thừa mà họ bỏ lại hoặc được nuôi dưỡng từ nguồn doanh thu.

Trong một số trường hợp, sự vắng mặt của con người ở nhiều nơi là sự giải phóng với các loài động vật. Lợn rừng đi lại trên đường phố Barcelona (Tây Ban Nha). Những con dê núi đến sân nhà thờ của thành phố Llandudno, miền Bắc xứ Wales. Gấu, sói và mèo rừng xuất hiện trong vườn quốc gia Yosemite ở vùng núi Sierra Nevada của California (Mỹ), nơi hiếm khi nhìn thấy chúng.

Tuy nhiên, ở Đức, Tây Ban Nha và Italy, chim bồ câu chết đói vì không có thức ăn thừa quen thuộc của khách du lịch. Trong khi hội đồng Khu Đông của Yorkshire (Anh) cảnh báo người dân địa phương hãy cẩn thận với những con mòng biển hung hăng có thể sà vào xe, vì chúng chẳng còn bữa ăn du khách bỏ lại trên bãi biển như thường ngày.

Bầy khỉ thiếu ăn gây chiến với nhau, làm đảo lộn thành phố cổ Lopburi ở Thái Lan. Ảnh: SCMP.

Bầy khỉ thiếu ăn gây chiến với nhau, làm đảo lộn thành phố cổ Lopburi ở Thái Lan. Ảnh: SCMP.

Ở Lopburi, cách Bangkok (Thái Lan) 155 km về phía bắc, hàng trăm con khỉ chạy khắp các con đường để tranh giành thức ăn và náo loạn cả thành phố. Bầy khỉ sống giữa tàn tích đền cổ từ lâu đã trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Du khách sẽ cho chúng ăn chuối và các loại trái cây mua từ những người bán hàng rong. Khi hoạt động du lịch tạm dừng, nguồn cung cấp thực phẩm của khỉ cũng không còn, vì đói khát, chúng đã phải hành động. Cư dân địa phương là những người trực tiếp hứng chịu sự "nổi loạn" của bầy khỉ. Họ phải dùng lưới bao quanh nhà cửa và sân thượng để ngăn chặn khỉ đột nhập, đập phá mọi thứ.

Những con voi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch

ỞThái Lan, khoảng 1.000 con voi có nguy cơ chết đói sau khi nhiều trại đóng cửa do đại dịch. Bình thường, các trại này là nam châm thu hút khách, những người trả tiền để tắm cho voi, cho chúng ăn, chụp ảnh và xem con vật to lớn đá bóng, biểu diễn xiếc…

Tổng giám đốc công viên voi Maetaeng phía bắc thành phố Chiang Mai cho biết khoảng 85 cơ sở kinh doanh du lịch về voi ở miền Bắc Thái Lan đã ngừng hoạt động do thiếu du khách. Một số con voi may mắn được chở đến sống tạm tại các ngôi làng, nơi chúng có thể kiếm thức ăn.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng, người sáng lập công viên thiên nhiên voi, Sangduen 'Lek' Chailert, đã khởi động một dự án cung cấp thức ăn cho voi với chi phí thấp. Tổ chức cứu voi của cô cũng kết nối với chủ đất để thuê những lô đất với giá rẻ, đồng thời họ cũng làm việc với cộng đồng huấn luyện voi truyền thống, nỗ lực tái trồng rừng nhằm tái lập môi trường tự nhiên cho voi.

Kể từ khi đại dịch xảy ra, các chủ trại voi ở Thái Lan phải vật lộn để nuôi những con vật khổng lồ. Ảnh: Adam Dean.

Kể từ khi đại dịch xảy ra, các chủ trại voi ở Thái Lan phải vật lộn để nuôi những con vật khổng lồ. Ảnh: Adam Dean.

Tại thành phố Jaipur của Ấn Độ, gần 100 con voi thường được trang điểm sặc sỡ bằng vải lụa, vòng xuyến và sơn màu để tham gia cuộc thi tìm ra con voi đẹp nhất trong một lễ hội hoành tráng. Lễ hội voi là hoạt động du lịch hút khách trong nhiều thập kỷ, mang lại cuộc sống sung túc cho vài trăm gia đình. Tuy nhiên, trong thời gian đại dịch, số lượng khách du lịch giảm mạnh và việc kiếm tiền từ voi của người dân là vô vọng.

Với khoản trợ cấp nhỏ từ Cục Lâm nghiệp của bang, các chủ sở hữu voi ở Jaipur có thể cung cấp cho những con vật 100-150 kg thức ăn mỗi ngày. Tuy nhiên, chế độ ăn này hạn chế hơn nhiều so với thông thường và nếu khách du lịch không quay trở lại thì rất có thể một số con voi sẽ chết.

Động vật tại khu bảo tồn bị xẻ thịt

Theo Reuters, Liên minh châu Phi ước tính chỉ trong 3 tháng chịu ảnh hưởng của Covid-19, các quốc gia châu lục này đã mất gần 55 tỷ USD doanh thu từ du lịch. Kể từ khi Nam Phi đóng cửa vào cuối tháng 3, khu bảo tồn Somkhanda (ở trung tâm phía bắc Zululand) rơi vào tình trạng đình trệ.

Chi phí cho công tác an toàn như trạm rửa tay, kiểm tra nhiệt độ và thiết bị bảo vệ cho nhân viên làm tăng thêm gánh nặng cho khu bảo tồn. Đối mặt với khoản lỗ lên tới 90% doanh thu, việc bán thịt thú trở thành cứu tinh của họ.

Trước đại dịch, khách du lịch ghé khu bảo tồn Somkhanda để quan sát các loài động vật hoang dã như sư tử, voi, hươu cao cổ... Ảnh: Siyabonga Sishi.

Trước đại dịch, khách du lịch ghé khu bảo tồn Somkhanda để quan sát các loài động vật hoang dã như sư tử, voi, hươu cao cổ... Ảnh: Siyabonga Sishi.

Khu bảo tồn bán thịt các loài động vật ăn cỏ như linh dương châu Phi và linh dương nyala. Những loài này cũng thường bị loại bớt số lượng cá thể hàng năm để quản lý đàn.

Roelie Kloppers, đồng quản lý khu bảo tồn, cho biết: "Ngành du lịch sụp đổ. Chẳng có ai đến đây. Thay vì tiêu hủy hay bán với giá rất thấp những con vật, chúng tôi cố gắng tiếp thị thịt của chúng". Thịt thú được xem là món ngon đối với các nhà hàng và khách du lịch nước ngoài. Việc bán thịt này có thể thu về 2.900-5.800 USD mỗi tháng cho khu bảo tồn.

Khu bảo tồn bán thịt linh dương trực tiếp cho các đối tác, chợ nông sản và một số cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Wildtrust.

Khu bảo tồn bán thịt linh dương trực tiếp cho các đối tác, chợ nông sản và một số cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Wildtrust.

Theo New York Times, sở thú Tierpark Neumunster (ở miền Bắc nước Đức) đã vạch ra kế hoạch dự phòng, họ sẽ buộc phải giết một số con vật và lấy thịt của chúng làm thức ăn cho loài khác, nếu lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính vì các lệnh phong tỏa chống dịch kéo dài.

Số phận lao đao của động vật lao động

Trong khi voi và các loài linh trưởng chủ lực ngành du lịch động vật được nhắc đến nhiều, hoàn cảnh của những con vật lao động hầu như không được chú ý.

Ở Morocco, lừa và la là động vật đa năng trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng cũng làm việc tại các thành phố, đặc biệt là trung tâm của Fes và Marrakech. Tại những nơi này, đường phố quá hẹp cho xe cộ, chúng phải chở nhiều vật liệu nặng nhọc như xi măng, gạch, đồ gia dụng hay làm tại xưởng thuộc da...

Giá một con lừa cũng rẻ, khoảng 100 USD. Nếu bị thương, ốm yếu hay quá già để làm việc, nó trở nên vô dụng và bị chủ sở hữu thả đi để mua một con khác. Ảnh: Pixabay.

Giá một con lừa cũng rẻ, khoảng 100 USD. Nếu bị thương, ốm yếu hay quá già để làm việc, nó trở nên vô dụng và bị chủ sở hữu thả đi để mua một con khác. Ảnh: Pixabay.

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, Morocco đã đóng cửa trong vài tháng. Đất nước phần nào kiểm soát được tình hình dịch bệnh nhưng suy thoái kinh tế dẫn đến hậu quả đặc biệt khó khăn với những con lừa và la. Không tạo ra lợi ích kinh tế, chúng không được chủ sở hữu cho ăn. Hình ảnh những con lừa hốc hác đáng thương được bắt gặp nhiều trên đường phố.

Cùng với lừa, những con ngựa kéo xe đưa du khách quanh khu vực trung tâm ở Marrakech cũng đang gặp "nạn đói". Hoạt động du lịch tiếp tục đóng băng dẫn tới nhiều chủ sở hữu phải bán bớt những con ngựa trong đàn để có tiền trang trải qua ngày.

Các xe ngựa ở Marrakech gần như không có khách trong đại dịch. Ảnh: AP.

Các xe ngựa ở Marrakech gần như không có khách trong đại dịch. Ảnh: AP.

Theo chủ một trung tâm cứu hộ động vật Susan Machin, nhiều con ngựa kéo xe của Marrakech chỉ nhận được khoảng 20% lượng thức ăn mà chúng thường có.

Trung tâm của Machin đang cố gắng hết sức có thể để thu nhận những con vật bị bệnh hoặc bị bỏ rơi. "Đó là một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc. Số lượng động vật cần được chăm sóc và quan tâm là rất lớn ở Morocco", cô cho biết.

Theo Uyên Hoàng/Zing

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nhieu-dong-vat-co-the-chet-doi-vi-covid-19/20200830044634363