Mới đây, một nhóm nhà khoa học dẫn đầu bởi tổ chức Bảo tồn quốc tế phối hợp cùng chính phủ Honduras đã đến thăm và khảo sát rừng nhiệt đới Mosquitoia. Họ đã phát hiện ra một hệ sinh thái riêng rất đa dạng, với nhiều loài động vật được cho là đã tuyệt chủng. Ếch mắt đỏ (trong hình) là một trong số 22 loài lưỡng cư được tìm thấy tại đây.
Khu vực này là một rừng nhiệt đới hoang sơ, rất thích hợp cho các loài động vật sinh sống và phát triển. Trond Larsen, trưởng nhóm thám hiểm khoa học đã nói với phóng viên: "Khu rừng rất tươi tốt với dòng thác nước trong vắt như pha lê, khung cảnh ở đây thực sự đẹp như tranh vẽ".
Các nhà khoa học quyết tâm khám phá Mosquitoia sau khi phát hiện tàn tích thành phố cổ xưa tại đây vào năm 2012. "Đây là động lực thúc đẩy chúng tôi khám phá nơi này, bởi thực tế những phát hiện khảo cổ tuyệt vời mới được thực hiện tại đây", Larsen cho biết.
Larsen và nhóm của ông ngay lập tức phát hiện con chim ưng bắt mồi là một loài vẹt xanh cỡ lớn đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Tại các dòng suối, nhóm nhà khoa học cũng phát hiện ra loài cua nước kỳ lạ. Họ cho biết đã cung cấp thức ăn cho nhiều loài động vật ở đây, trong đó có rái cá sông Neotropical đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Loài rắn cây san hô có màu sắc bắt mắt này được cho là đã tuyệt chủng ở Honduras, cho đến khi được phát hiện tại đây.
Khu vực này cũng tồn tại nhiều loài rắn độc khác, một trong số đó là viper lông mi. Toàn thân loài rắn này có màu vàng đốm, nằm trong họ rắn lục. Chúng thường sử dụng lưỡi để dò hướng di chuyển của con mồi.
Các nhà khoa học cũng chụp được ảnh một con báo đốm ở Ciudad Blanca, khu tàn tích khác nằm trong rừng nhiệt đới Mosquitoia. Báo đốm ở Honduras đang trở thành nạn nhân của phá rừng, mất môi trường sống và săn bắt trái phép.
Trong số các loài côn trùng được phát hiện tại đây, đáng chú ý là bọ hổ cánh cứng, loài được cho đã tuyệt chủng trên thế giới và được tìm thấy duy nhất ở Nicaragua.
Loài dơi có khuôn mặt nhợt nhạt kỳ lạ này cũng được phát hiện ra trong chuyến thám hiểm. Tài liệu gần nhất từng nhắc đến loài dơi này đã có ở Honduras từ năm 1942.
Kỳ nhông giun cực kỳ hiếm trên thế giới. Chúng nằm trong danh sách cần được bảo tồn nghiêm ngặt bởi đây là loài rất dễ bị tổn thương.
Larsen đặc biệt ấn tượng với loài lợn peccaries môi trắng. Ông cho biết: "Loài vật này cần những khu vực rộng lớn để có thể tự do di chuyển. Tuy nhiên, thật kỳ lạ khi chúng tôi bắt gặp chúng sinh sống tại đây".
Bức ảnh một con bướm helenor morpho được các nhà khoa học chụp lại. Đây là loài bướm lớn nhất thế giới với chiều dài đôi cánh lên tới hơn 20 cm.
Cuộc sống ban đêm trong rừng nhiệt đới Mosquitoia cũng rất đa dạng. Các nhà khoa học đã bắt gặp nhiều động vật như báo sư tử hay heo vòi Trung Mỹ. Đây cũng là loài động vật nguy cơ tuyệt chủng cao, có nguồn gốc Mexico, Trung Mỹ và tây bắc Nam Mỹ.
Cuộc khảo cổ trong khu vực vẫn đang được tiếp diễn. Việc phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm tại đây cũng đem lại những giá trị to lớn. Ảnh chụp các nhà khoa học từ chương trình đánh giá nhanh của tổ chức Bảo tồn quốc tế làm việc tại Mosquitoia, Honduras.
An Ngọc
Theo CNN