Nhiều dự án bất động sản 'hội tụ' ở tứ giác kinh tế của Đồng Nai
Đồng Nai có gần 230 dự án bất động sản (BĐS) là nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng. Phần lớn các dự án này nằm ở 4 địa phương: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom.
Trong quy hoạch tỉnh đến năm 2030, các địa phương trên sẽ trở thành đô thị phát triển nhất của Đồng Nai. Các dự án BĐS lớn sẽ là điểm nhấn cho đô thị.
Nơi “hội tụ” dự án bất động sản
Tính đến cuối tháng 7-2024, trên địa bàn tỉnh có gần 230 dự án nhà ở thương mại đang triển khai, không kể các dự án tái định cư và nhà ở xã hội. Phần lớn các dự án nằm ở địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, có quy mô dân số đông.
Đứng đầu trong số này là huyện Long Thành. Với lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành và là đầu mối của nhiều tuyến đường cao tốc, huyện có 72 dự án BĐS thương mại đang triển khai với quy mô hơn 660 hécta. Một số dự án đáng chú ý là: Khu dân cư theo quy hoạch tại xã Long Đức 92 hécta, Khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước 56 hécta, Khu dân cư theo quy hoạch tại xã Bình Sơn 50 hécta… Điểm chung của các dự án là ở gần các xã phụ cận Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Mặc dù ít hơn huyện Long Thành 2 dự án nhưng tổng diện tích đất các dự án BĐS thương mại ở huyện Nhơn Trạch gấp 5 lần (70 dự án, hơn 3,3 ngàn hécta). Một số dự án có quy mô lớn như: Khu dân cư theo quy hoạch tại xã Long Tân và xã Phú Thạnh gần 843 hécta, Khu du lịch sinh thái và đô thị mới tại cù lao Ông Cồn xã Đại Phước 464 hécta, Khu đô thị du lịch Long Tân tại xã Long Tân 330 hécta... Đa số các dự án BĐS nằm ven sông phù hợp với phát triển chuỗi đô thị dọc sông và giãn dân để tránh “nén” đô thị.
Thời gian qua, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, phân loại nhóm vướng mắc của các dự án BĐS để đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ, góp phần phát triển các đô thị của tỉnh.
Đứng thứ 3 là thành phố Biên Hòa với 49 dự án, diện tích hơn 2,7 ngàn hécta. Một số dự án BĐS thương mại lớn tại thành phố Biên Hòa: Khu đô thị KN Biên Hòa 843 hécta trên địa bàn 2 phường Phước Tân, Tam Phước và xã Tam An (huyện Long Thành); tại xã Long Hưng có Khu đô thị thương mại dịch vụ thành phố Waterfront hơn 366 hécta; Khu đô thị Aqua City 305 hécta… Cũng giống với Nhơn Trạch, các dự án BĐS lớn ở thành phố Biên Hòa nằm ở ven sông. Đây là nơi có lợi thế về cảnh quan và quỹ đất.
Ở vị trí cuối cùng trong tốp 4 địa phương có nhiều dự án BĐS thương mại là huyện Trảng Bom. Huyện có 18 dự án BĐS đang triển khai, diện tích hơn 487 hécta. Một số dự án đáng chú ý là: Khu dân cư dịch vụ Giang Điền (Khu B) hơn 104 hécta, Khu dân cư Phú An Lành tại xã Sông Trầu gần 98 hécta, Khu dân cư dịch vụ Giang Điền (Khu A) tại xã Giang Điền 94 hécta…
Góp phần phát triển đô thị, địa phương
Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án BĐS quy mô lớn một mặt để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và gia tăng sản phẩm nhà ở cho người dân. Mặt khác, các dự án: Aqua City, Gem Sky World, Swan Bay, Cù lao Phước Hưng… với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư bài bản, kiến trúc hiện đại đã gia tăng sức hút đầu tư cho địa phương trong các lĩnh vực như: thương mại dịch vụ, công nghiệp.
Mặc dù vậy, việc nhiều dự án triển khai chậm do vướng pháp lý, thị trường BĐS những năm qua trầm lắng hoặc năng lực nhà đầu tư không đáp ứng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương.
Quyền Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong chia sẻ, trên địa bàn huyện có nhiều dự án BĐS triển khai chậm làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. Huyện đã rà soát, báo cáo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và đầu tư, Thường trực Huyện ủy về tình hình thực hiện các dự án BĐS thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư trước và sau ngày 1-7-2014; các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị để hỗ trợ chủ đầu tư tiếp tục triển khai hoặc thu hồi dự án chậm triển khai theo quy định.
Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam cho hay, trên địa bàn huyện có một số dự án BĐS do vướng mắc về đất đai, đầu tư, xây dựng nên triển khai chậm hoặc đang tạm dừng. Việc này ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như quyền lợi của các nhà đầu tư. Huyện kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh sớm có giải pháp xử lý hoặc kiến nghị Trung ương hướng xử lý đối với các dự án này.
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho biết, các dự án BĐS tập trung ở đô thị và địa phương được định hướng trở thành đô thị. Các dự án này đã gia tăng nhà ở, khu đô thị hiện đại, tạo bộ mặt mới cho địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, do chính sách pháp luật có nhiều thay đổi; công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tại nhiều dự án còn chậm; nguồn lực tài chính của nhà đầu tư còn hạn chế dẫn tới kéo dài.