Nhiều dự án chậm triển khai, do đâu?
Toàn tỉnh hiện có 740 dự án với diện tích gần 37.000 ha. Trong đó, giao đất là 88 hồ sơ với diện tích hơn 5.600 ha; thuê đất là 652 hồ sơ với diện tích hơn 31.000 ha. Trong số này, có đến 146 dự án với tổng diện tích 1.745,25 ha chậm triển khai đưa đất vào sử dụng (chiếm 19,7%).
Nhiều nguyên nhân
Theo UBND tỉnh, việc chậm triển khai đưa đất vào sử dụng có rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu là các dự án du lịch thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, huyện Tuy Phong, huyện Bắc Bình, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết. Thứ nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, kéo dài thời gian do chậm xác định tính pháp lý, chính sách giá đền bù thay đổi, chủ dự án và người dân không thỏa thuận được giá đền bù. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các dự án chậm triển khai. Có một số hộ gia đình, cá nhân nhiều năm khiếu nại việc đền bù, tranh chấp đất đai, gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư trong việc triển khai dự án nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Ngoài ra, có tình trạng tái lấn chiếm của các hộ dân làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án (khu vực Bắc Bình, Hàm Tân, dự án đền bù xong giao đất cho các chủ đầu tư khai thác titan, sau khi khai thác xong titan bàn giao lại cho các dự án du lịch triển khai thì dân lấn chiếm).
Thứ hai, về kết cấu hạ tầng, có 34 dự án điều kiện hạ tầng thiếu hoặc chưa đồng bộ. Một số nhà đầu tư triển khai xây dựng cầm chừng như khu vực Long Sơn Suối Nước, khu vực giáp ranh xã Hòa Thắng, khu vực ven biển xã Tân Thắng, Thắng Hải, huyện Hàm Tân hiện chưa có đường vào, chưa có hệ thống nước sinh hoạt, xử lý nước thải... nên các doanh nghiệp khó khăn trong quá trình xây dựng.
Thứ ba, về chồng lấn quy hoạch titan, có 24 dự án chồng lấn quy hoạch cát đen (chờ thăm dò, khai thác), như khu vực Long Sơn Suối Nước - Mũi Né, khu vực Hồng Phong, Hòa Thắng (Bắc Bình), khu vực xã Tân Thắng (Hàm Tân). Các dự án này phải tạm ngừng để ưu tiên cho việc thăm dò, khai thác khoáng sản. Một số dự án mới được bàn giao đất sau khi hoàn thành khai thác cát đen.
Thứ tư là vướng quy hoạch (kế hoạch sử dụng đất, đất rừng): Do dự án sau khi thỏa thuận đền bù xong phần diện tích đất của dân, thì công trình chưa có trong kế hoạch sử dụng đất nên phải chờ bổ sung kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở thu hồi cho thuê đất theo quy định. Mặt khác, một số dự án phải làm thủ tục chuyển đổi đất rừng, trồng rừng thay thế do đó cũng mất nhiều thời gian. Có 12 dự án khu vực xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam vướng quy hoạch Cảng Kê Gà, sau khi Chính phủ có chủ trương ngừng quy hoạch Cảng Kê Gà, các dự án mới hoàn tất thủ tục để triển khai xây dựng. Bên cạnh đó, có 146 dự án vướng quy hoạch xây dựng (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu), điều này dẫn đến các chủ đầu tư không thể hoàn thành các thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng dự án.
Thứ năm là vướng Khoản 1, Điều 79 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (chỉ giới đường bờ). Thời gian qua, do các dự án du lịch dọc biển ven đường ĐT 716 (khu vực Long Sơn – Suối Nước, TP. Phan Thiết, khu vực xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình) và đường ĐT 719 (khu vực xã Thuận Quý và xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam) có chiều dài từ mực nước biển đến dự án rất ít, nên trong quá trình triển khai xin giấy phép xây dựng lại vướng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Do vậy, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai dự án của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, có 11 dự án nhà đầu tư chậm triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, thiếu năng lực tài chính hoặc không có thiện chí đầu tư, chờ đợi các dự án trong khu vực cùng triển khai, xây dựng cầm chừng đối phó. Đối với những trường hợp này, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo rà soát và đã thu hồi 11 dự án.
Tháo gỡ khó khăn, tăng cường kiểm tra
Để các dự án chậm triển khai đẩy nhanh tiến độ, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn pháp luật về đất đai, nâng cao ý thức, nhận thức cộng đồng về chấp hành pháp luật đất đai. Thực hiện nghiêm túc công bố, công khai kế hoạch sử dụng đất của UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải theo đúng thẩm quyền và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất. Tổ chức kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm lấn, chiếm, chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Phát hiện, áp dụng các biện pháp để ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình nhà ở, hạ tầng hình thành các khu dân cư mới trái phép trên đất nông nghiệp và kiên quyết buộc người có hành vi vi phạm phải khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm.
Trên cơ sở khả năng ngân sách và huy động đóng góp, UBND huyện Hàm Tân, UBND thị xã La Gi sớm triển khai giải quyết các tuyến đường Tân Bình – Tân Hải, khu vực xã Tân Thắng – Thắng Hải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có đường vào để triển khai thi công. Chủ động làm việc với các chủ đầu tư để theo dõi tiến độ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư dự án sau khi được UBND tỉnh chấp thuận, theo dõi tiến độ đền bù giao đất, tiến độ triển khai xây dựng dự án, đề xuất thu hồi đối với các dự án chậm triển khai.
Ngoài ra, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trong việc điều chỉnh, gia hạn tiến độ đầu tư, chấm dứt dự án đầu tư có sử dụng đất mà không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư, yêu cầu các chủ dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện…
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nhieu-du-an-cham-trien-khai-do-dau-105664.html