Nhiều dự án chống ngập gặp khó, cần có các biện pháp tạm thời

Các chuyên gia cho rằng trong thời gian chờ nhiều dự án chống ngập hoàn thành, TP.HCM nên thực hiện một số giải pháp phi công trình để giảm tình trạng ngập như hiện nay.

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo UBND TP về tình hình thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn ODA về đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập, xử lý nước thải trên địa bàn TP. Trong đó, nhiều dự án gặp khó khăn đang chờ cơ quan chức năng xem xét, giải quyết khiến công tác chống ngập của TP bị ảnh hưởng.

Nhiều vấn đề cần giải quyết đối với bốn dự án

Theo Sở Xây dựng, TP hiện có bốn dự án chống ngập (vốn ODA) gặp khó và đang chờ cấp thẩm quyền tháo gỡ

Thứ nhất, dự án Cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở tại TP.HCM (dự án SPR), dự án được phê duyệt đầu tư đầu năm 2021 nhưng đến nay đang gặp vướng mắc trong công tác lựa chọn nhà thầu.

Về hướng giải quyết, Bộ KH&ĐT đã đề nghị UBND TP.HCM căn cứ trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Luật Đấu thầu để xem xét, xác định hình thức lựa chọn nhà thầu.

“Hiện nay, Ban quản lý hạ tầng phối hợp cùng đơn vị tư vấn đã hoàn tất biên bản thương thảo hợp đồng, hợp đồng tư vấn và đang chờ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt dự toán gói thầu để tiến hành ký kết hợp đồng” - văn bản Sở Xây dựng nêu rõ.

Đối với dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2, dự án đang được xem xét về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Do dự án có một phần vốn ODA (khoảng 31 triệu USD) tiết kiệm được trong quá trình đấu thầu, không phải đóng thuế, phí do áp dụng quy định mới nên không sử dụng đến. Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (BQL hạ tầng) đã trình UBND TP và Sở Xây dựng về điều chỉnh tổng mức đầu tư công trình. Hiện UBND TP và Sở KH&ĐT đang xem xét.

Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng chưa xác định ngày về đích dù đã hoàn thành 90% khối lượng dự án. Ảnh: K.CƯỜNG

Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng chưa xác định ngày về đích dù đã hoàn thành 90% khối lượng dự án. Ảnh: K.CƯỜNG

Đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án “Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực tây Sài Gòn”, ngày 6-4 UBND TP đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Ngày 14-4, BQL hạ tầng đã có tờ trình phê duyệt văn kiện dự án. Hiện nay, UBND TP và Sở KH&ĐT TP cũng đang xem xét.

Cuối cùng, dự án quản lý tích hợp ngập lụt đô thị TP.HCM, dự án được UBND TP đề xuất Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính ngày 3-11-2020 nhưng đến nay vẫn đang trong thời gian chỉnh sửa, bổ sung. Sở KH&ĐT đang xem xét đề xuất dự án đã được chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính.

Tính toán giải pháp chống ngập trước mắt

Các chuyên gia cho rằng các dự án nói trên đều có vai trò rất quan trọng đối với công tác chống ngập của TP, cần hoàn thành càng nhanh càng tốt. Dù những khó khăn của các dự án đều được cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ nhưng để hoàn thành dự án có thể sẽ mất thời gian dài.

GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng: Trong thời gian chờ đợi các dự án hoàn thành, TP nên thực hiện các giải pháp phi công trình.

Cụ thể, theo ông Hồng, nguyên tắc để chống ngập là nước mưa xuống thì phải làm sao để thoát nước. “Để làm được điều này, TP phải xác định được lượng mưa, nếu bình thường không có triều cường thì 1 giờ hệ thống thoát nước chịu được lượng nước bao nhiêu. Sau khi xác định được tối đa lượng nước thoát trong 1 giờ thì nghiên cứu cách để thoát nước nhanh” - ông Hồng góp ý.

Để thoát nước nhanh, TP phải có nơi để thấm và chứa nước. Trước mắt nếu chúng ta chưa xây dựng được hồ chứa nước thì nên tạo những vùng thấm nước như bãi cỏ hoặc những công trình thiết kế có điểm thấm.

“Ví dụ khi xây nhà nghỉ, tất cả đường trong nhà nghỉ là đường bê tông, chúng ta nên xây dựng theo hướng cứ cách 2 m phải tạo rãnh thoát nước. Chúng ta bỏ cát và đá vào phần rãnh đó để có chỗ thoát nước” - GS-TS Hồng gợi ý.

Ngoài ra, TP thường mưa cục bộ, nên cần có giải pháp dự báo được mưa sẽ xảy ra ở khu vực nào, từ đó nên tập trung những đội xe bơm để ứng cứu khu vực đó. Bên cạnh đó, TP cần xác định tuyến giao thông nào hay bị nước ngập rồi “giải tỏa giao thông” bằng cách thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân hạn chế đi qua đó.

GS Hồng còn đề xuất, TP.HCM nên đặt ra tiêu chí về tiêu thoát nước cho những địa phương muốn từ huyện lên quận hoặc từ quận lên TP.

KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội KTS TP.HCM, cũng cho rằng: Hiện nay, TP đã đưa ra nhiều giải pháp để chống ngập nhưng do kinh phí lớn, nhiều công trình chưa thực hiện được hoàn toàn thì chúng ta nên triển khai cục bộ từng khu, từng phần trước để giảm ngập.

“Những địa bàn thường ngập nhiều, ngập sâu chúng ta nên triển khai thực hiện trước. Ngoài ra, hiện nay các công trình xây dựng đều có thiết kế hệ thống tiêu thoát nước, TP cần kiểm tra, hậu kiểm, nếu công trình nào không thực hiện đúng nên xử lý nghiêm” - KTS Mười nhận định.•

Dự án ngăn triều 10.000 tỉ vẫn chờ gỡ vướng

Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng sử dụng nguồn vốn kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư.

Theo chủ đầu tư, hiện nay giá trị dự án đã hoàn thành là 8.446 tỉ đồng/9.566 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay), đạt khoảng 88% tổng mức đầu tư dự án, giá trị xây lắp chính đạt hơn 90%.

Dự kiến tiến độ trước đây, dự án có thể hoàn thành vào cuối 2021 nhưng với nhiều khúc mắc về hợp đồng BT đang chờ cơ quan chức năng giải quyết, dự án chưa xác định ngày về đích. Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết khả năng đến tháng 11-2023 dự án này mới xong.

HUY VŨ - NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-du-an-chong-ngap-gap-kho-can-co-cac-bien-phap-tam-thoi-post684653.html