Nhiều dự án chủ đầu tư chỉ xây nhà nhanh để bán, xây trường rất chậm
Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, đa phần các dự án, khu đô thị chủ đầu tư xây nhà ở để bán, còn trường học xây sau, thậm chí không xây.
Ngày 19/11, tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội báo cáo về kết quả thực hiện công tác quy hoạch – kiến trúc trên địa bàn Thành phố năm 2019; phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Đại diện phía Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội có hai Phó Giám đốc Sở tham dự ông Nguyễn Đức Nghĩa và ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh.
Về vấn đề giáo dục, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội báo cáo Sở đang chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, quận huyện liên quan để giải quyết 3 nhiệm vụ: Tháo gỡ vướng mắc cho các trường học khu vực ngoài bãi sông (hiện Sở Quy hoạch Kiến trúc đang tổng hợp ý kiến đề xuất cụ thể của các quận, huyện làm cơ sở xin ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố;
Tăng tầng cao đối với các trường học có quỹ đất hạn hẹp tại các quận nội thành (căn cứ theo ý kiến của Bộ Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện triển khai thực hiện); Rà soát tình trạng quá tải về hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị khu vực nội thành và đề xuất giải pháp giải quyết.
Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề như Bản đồ quy hoạch của Hà Nội đã bị băm nát; quy hoạch của Hà Nội đang chạy theo dự án; quy hoạch đi sau xây dựng; quy hoạch có đưa hạ tầng cây xanh, trường học nhưng khi triển khai lại không có, nhà cao tầng mọc lên trong nội đô… phía Sở Quy hoạch Kiến trúc đưa ra câu trả lời chung chung.
Tại buổi họp báo, giải đáp những vướng mắc trong quy hoạch tại nghĩa trang Thanh Tước (huyện Mê Linh) dẫn đến tình trạng nhiều học sinh được phụ huynh cho nghỉ học để phản đối việc xây dựng nghĩa trang này?
Về việc này, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc xây dựng nghĩa trang Thanh Tước được thực hiện theo định hướng quy hoạch chung tổng thể do Bộ Xây dựng tổ chức triển khai thực hiện, được Chính phủ phê duyệt.
Thành phố Hà Nội triển khai trên cơ sở quy mô mở rộng tiếp 6,5 ha, sau này tổng thể 23 ha, năm 2014 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc thực hiện theo đúng luật và các quy định liên quan.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa nhấn mạnh: “Thành phố quyết tâm triển khai nghĩa trang này để phục vụ nhu cầu trước tiên là của địa phương huyện Mê Linh. Nghĩa trang này cũng nằm trong mạng lưới nghĩa trang của thành phố. Nếu không địa phương nào muốn nhận thì nó sẽ đi đâu?
Trong quy hoạch chung của thành phố, các vùng quy hoạch khác như Thạch Thất, Gia Lâm… đều có nghĩa trang tập trung của thành phố chứ không phải chỉ riêng Mê Linh”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc nhiều dự án khi phê duyệt quy hoạch có trường học, khuôn viên rất đẹp, nhưng thực hiện khác xa, hoặc được điều chỉnh quy hoạch biến đất trường học sử dụng vào mục đích khác vậy trách nhiệm của Sở Quy hoạch – Kiến trúc ở đâu, có hay không sự tiếp tay cho chủ đầu tư làm sai quy hoạch ban đầu?
Về việc này, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội không trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi và trả lời rất chung chung.
Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết: “Theo khảo sát của Sở hầu hết các dự án chủ đầu tư khi triển khai dự án đều xây nhà ở trước, sau đó mới xây trường.
Rất ít dự án xây trường học, khu tiện ích công cộng trước và chỉ có nhà đầu tư lớn, tập đoàn lớn làm vậy để tạo sự hấp dẫn cho dự án”.
Về việc dự án đưa lên rất đẹp trường học, cây xanh, tiện ích, nhưng khi thực hiện khác xa, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho rằng: “Sở Quy hoạch – Kiến trúc phê duyệt trên bản quy hoạch dự án, còn việc tiến độ dự án không phải thẩm quyền của Sở. Bởi vậy, họ làm nhà ở trước, làm trường, cây xanh sau”.
Cũng theo đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, rà soát thành phố có hơn 1500 chung cư. Trong đó, nhiều khu chung cư rất thiếu trường học, cây xanh.
Trước đó, Báo cáo của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội về kết quả giám sát việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập và việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố từ năm 2016 đến nay chỉ rõ, có nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường phổ thông, nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chậm xây dựng công trình trường học, nhà trẻ so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.
Ðiển hình như các khu đô thị mới Phùng Khoang, Xuân Phương-Viglacera, Thành phố giao lưu, Ðoàn Ngoại giao, Cổ Nhuế - Xuân Ðỉnh, Ðặng Xá, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Việt Hưng; dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế, khu nhà ở để bán Vĩnh Hoàng, khu chức năng đô thị Ao Sào, khu nhà ở Thạch Bàn,...
Qua giám sát cũng cho thấy, nhiều dự án được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư thứ cấp, nhưng các nhà đầu tư này chậm triển khai. Như tại khu đô thị Tây Nam hồ Linh Ðàm quy hoạch sáu ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên hiện mới chỉ hoàn thành, đưa vào sử dụng một trường tiểu học.
Còn năm ô đất quy hoạch xây dựng trường học, Tổng công ty Ðầu tư phát triển nhà và đô thị, Bộ Xây dựng (HUD) đã chuyển nhượng hạ tầng hai ô đất (NT1 và TH1) cho nhà đầu tư thứ phát, nhưng chưa xây dựng công trình; hai ô đất (NT2, HT2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; một ô đất (TH4) đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Tại khu đô thị mới Việt Hưng, HUD đã chuyển giao năm lô đất trường học cho các nhà đầu tư cấp 2, nhưng đến nay chỉ có một công trình trường học đã hoàn thành xây dựng.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc quy hoạch được phê duyệt. Việc kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư thực hiện xây dựng theo quy hoạch chưa chặt chẽ.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra việc điều chỉnh quy hoạch phần lớn theo xu hướng giảm đến mức thấp nhất các tiện ích công cộng, trong đó có đất xây trường học, tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các quận của Hà Nội thiếu hệ thống trường học.