Nhiều dự án, công trình trọng điểm ở Lâm Đồng vẫn 'nằm trên giấy'
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), xác định sẽ thực hiện 12 dự án, công trình trọng điểm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi nhiệm kỳ đại hội sắp kết thúc nhưng hầu hết dự án, công trình trọng điểm vẫn còn 'nằm trên giấy' hoặc dang dở.
Các công trình, dự án trọng điểm được xác định trong nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, gồm: Đường Cao tốc Dầu Giây-Liên Khương; hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải TP Bảo Lộc và vùng phụ cận; Khu công nghiệp-nông nghiệp Tân Phú, Khu công nghệ thông tin tập trung; các khu du lịch: Đan Kia-Suối Vàng, hồ Đại Ninh, hồ Tuyền Lâm; các dự án hồ thủy lợi: Đạ Sị, Đông Thanh, Ka Zam; Khu Trung tâm Hòa Bình-TP Đà Lạt, Trung tâm Văn hóa-Thể thao Lâm Đồng.
Không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Đảng bộ tỉnh, các dự án, công trình trọng điểm còn hứa hẹn sẽ góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội địa phương. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các dự án, công trình trọng điểm vẫn nằm trên giấy hoặc dở dang. Điển hình là dự án Khu du lịch Hồ Đại Ninh do Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn-Đại Ninh làm chủ đầu tư với quy mô 3.595,45ha, tổng vốn đầu tư 25.234 tỷ đồng, bao gồm hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng, khu thượng mại-dịch vụ-tài chính, trung tâm hội chợ triển lãm, công viên, khu bảo tồn thiên nhiên… Tuy nhiên, sau 6 năm, dự án chỉ có vài tấm pa-nô giới thiệu đã bạc màu nằm cạnh quốc lộ, nhà đầu tư thì vẫn chưa thực hiện các thủ tục liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai kể từ khi được UBND tỉnh cho thuê đất năm 2011; chưa thực hiện các thủ tục về thuê rừng và thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan; chưa thực hiện báo cáo tiến độ đầu tư theo đúng quy định, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng trong khu vực quản lý; chưa nộp tiền bồi thường tài nguyên rừng bị thiệt hại. Hiện Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra theo kế hoạch đối với dự án này.
Công trình có ý nghĩa cấp thiết là Dự án cấp nước sạch và thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn TP Bảo Lộc dự kiến triển khai từ năm 2018 nhưng đến nay chính quyền địa phương và chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền. Hồ hứa nước Đông Thanh, hồ Đạ Sị và cao tốc Dầu Dây-Liên Khương chưa thể triển khai vì thiếu vốn. Khu công nghệ thông tin tập trung chưa có nhà đầu tư nào quan tâm. Khu công nghiệp-nông nghiệp Tân Phú đang trong cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội” bởi tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp nhưng chưa được đồng ý bởi căn cứ Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 25-5-2018 của Chính phủ và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Lâm Đồng không có nội dung trên, nên không có cơ sở để thực hiện.
Cũng là dự án trọng điểm nhưng Khu du lịch hồ Tuyền Lâm thời gian qua lại xảy ra hàng loạt sai phạm về sử dụng đất, mặt nước, trật tự xây dựng, bảo vệ rừng, cụ thể: Công ty Cổ phần đầu tư Lý Khương tự ý cho san ủi mặt bằng và lấp lòng hồ Tuyền Lâm, san ủi làm biến dạng địa hình hiện trạng, lấp khe tụ thủy, tổng diện tích tác động gần 3ha nằm ngoài ranh giới đất của đơn vị được thuê. Công ty Cổ phần Thiên Nhân sử dụng xe cơ giới đào bới, san gạt gây thiệt hại 500m2 rừng và 700m2 đất lâm nghiệp, Công ty Cổ phần đầu tư Lan Anh xây sai phép bờ kè dài 49m, dày 0,2m cao từ 3m đến 4m chắn nước ngăn một nhánh hồ tại khu vực bảo vệ I của Thắng cảnh hồ Tuyền Lâm. Công ty Cổ phần Sao Đà Lạt đã thực hiện 43 hạng mục công trình xây dựng không phép nằm ngoài phần đất được thuê. Công ty TNHH Trà Vườn Thương xây dựng không phép 5 công trình trên diện tích hơn 600m2 mặt nước, xâm hại nghiêm trọng danh thắng quốc gia hồ Tuyền Lâm …
Lý giải nguyên nhân các công trình, dự án trọng điểm giậm chân tại chỗ, đại diện Ban chỉ đạo các dự án, công trình trọng điểm tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ thực hiện chủ trương siết chặt nợ công và cắt giảm vốn đầu tư, trong khi nhu cầu vốn của các công trình trọng điểm là rất lớn. Một số dự án có tổng mức đầu tư lớn, quy mô thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phải xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương; một số dự án đã hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư nhưng phải chờ lập quy hoạch hoặc điều chỉnh bổ sung quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương phê duyệt. Từ đó, tiến độ chậm hơn so với mục tiêu đề ra. “Các dự án liên quan đến rừng, đất rừng gặp khó khăn, phải rà soát tính toán lại quy mô dự án do chủ trương dừng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, các quy định của Chính phủ trong các lĩnh vực, như: Đầu tư, xây dựng, đất đai, quy hoạch còn chồng chéo, chưa có hướng dẫn cụ thể; điều này dẫn đến các sở, ban, ngành, địa phương còn lúng túng trong triển khai, khiến quá trình thực hiện một số công trình trọng điểm chưa đạt yêu cầu đề ra”, ông Đặng Trí Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng giải thích.
Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, đại biểu Quốc hội khóa XIII, ngoài những nguyên nhân kể trên thì sự ì ạch, giậm chân tại chỗ của các dự án trọng điểm tại Lâm Đồng thời gian qua chính là do ngay từ đầu, việc xác định các dự án, công trình trọng điểm của Đảng bộ tỉnh thiếu tính thực tế, còn mang tính chủ quan, duy ý chí.
Sự chậm trễ của các dự án, công trình trọng điểm không chỉ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Lâm Đồng mà còn cho thấy Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 chưa thực sự đi vào cuộc sống, gây thất vọng đối với người dân. Theo ý kiến của các chuyên gia, để khắc phục tình trạng này, Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng như ban chỉ đạo các dự án, công trình trọng điểm cần xác định lại mục tiêu, mạnh dạn loại bỏ hoặc gác lại những dự án chưa thực sự cần thiết; cần tạo sự đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là của Tỉnh ủy và người đứng đầu trong kiểm tra, đôn đốc, tìm biện pháp sớm tháo gỡ khó khăn để các dự án được triển khai, hoàn thành theo kế hoạch.