Nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao
Một số dự án đầu tư ra nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao. Cụ thể là các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản hoặc các dự án đầu tư tại các quốc gia bất ổn về chính trị dẫn đến thua lỗ trong nhiều năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.
Theo thông tin được đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trao đổi tại hội thảo "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới" ngày 26/9, Ủy ban được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật.
Đến năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1 triệu 154 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất đạt 2 triệu 491 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong cả nước.
Trong 5 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đã cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tối đa những cơ hội, hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó các tập đoàn, tổng công ty chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực vốn, tài sản được Nhà nước giao trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư. Đồng thời, chưa phát huy hiệu quả việc kiểm soát chất lượng thông qua lựa chọn và kiểm soát nhà thầu, xử lý phát sinh trong quá trình thực hiện, nhất là các dự án lớn, quan trọng.
Các tập đoàn, tổng công ty phân bổ nguồn vốn đầu tư chưa tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chưa có các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghệ cao, công nghệ lõi, có tính chất lan tỏa hoặc có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế từng doanh nghiệp...
“Hoạt động đầu tư chủ yếu vẫn mang tính đơn lẻ, chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của hệ thống các DNNN trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt là vấn đề thu xếp vốn cho dự án. Năng lực quản trị và triển khai dự án còn yếu ở nhiều khâu, từ việc chuẩn bị dự án kỹ và toàn diện, lựa chọn nhà thầu. Việc đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà thầu nước ngoài còn thiếu kinh nghiệm”, đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh.
Bởi vậy, quá trình quản lý đầu tư xây dựng dự án, tổ chức, khai thác, vận hành dự án còn hạn chế. Một số doanh nghiệp tiến hành đầu tư dự án khi năng lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu dựa vào vốn vay trong nước và nước ngoài (kể cả khi vốn vay có chi phí cao). Công tác phối hợp với các cơ quan liên quan (bộ, ngành), địa phương chưa sát sao. Không giải quyết kịp thời các vướng mắc trong thẩm quyền, nhất là việc giải phóng mặt bằng và phê duyệt chủ trương đầu tư.
Cùng với đó, một số dự án đầu tư ra nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao. Cụ thể là các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản hoặc các dự án đầu tư tại các quốc gia bất ổn về chính trị dẫn đến thua lỗ trong nhiều năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.
Thực hiện đầy đủ và có kết quả nhiệm vụ cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương; đến nay, Ủy ban đã báo cáo, đề xuất và được cấp có thẩm quyền đồng ý phương án xử lý đối với 08/12 dự án, giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện.
4 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại, Ủy ban đã trình Thủ tướng Chính phủ 3 phương án xử lý (Dự án Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất -DQS đã trình ngày 28/8/2023; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên - Tisco 2 và Dự án khai thác tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy Gang thép Lào Cai và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung - VTM đã trình ngày 15/9/2023). Như vậy, sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban sẽ báo cáo Bộ Chính trị phương án xử lý đối với 3 dự án còn lại theo đúng Chương trình làm việc của Bộ Chính trị năm 2023.
Để phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, chú trọng xây dựng chiến lược, kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển gắn với phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật của các tập đoàn, tổng công ty. Quy hoạch chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để sớm triển khai thực hiện.
Đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế. Thiết lập hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.