Nhiều dự án hạ tầng giao thông ở Lạng Sơn chậm tiến độ
UBND tỉnh Lạng Sơn và các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ về vướng mắc GPMB, cũng như đánh giá tình hình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án, nhưng nhiều dự án đến nay vẫn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Một trong những mục tiêu phát triển được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đề ra là tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, hiện có một số dự án giao thông đang chậm tiến độ do vướng mắc về công tác GPMB, hỗ trợ, tái định cư cho người dân...
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B (đoạn Km3+700 đến Km18) do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 4/2021 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên sau hơn 2 năm, đến nay dự án vẫn đang trong quá trình thi công các hạng mục. Quốc lộ 4B là tuyến giao thông trọng điểm kết nối tỉnh Lạng Sơn với các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng... nên lượng phương tiện lưu thông rất lớn. Việc thi công kéo dài thường xuyên gây khói bụi, mặt đường nhiều "ổ gà, ổ voi"... gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông trên tuyến và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Xuân Tuyển, Công ty CP Xây dựng Trường An, đơn vị thi công 1 đoạn tuyến tại Dự án cho biết, hiện nay dự án vẫn vướng mặt bằng, nhiều điểm có nhà cửa vẫn chưa được giải phóng. “Các đoạn đã được giao mặt bằng công ty đều đã làm xong hết, còn những đoạn chưa được bàn giao công ty không thể làm gì. Chờ mặt bằng kéo theo việc máy móc, thiết bị cũng phải chờ theo, khi nào có mặt bằng lại mất công vận chuyển ra lần nữa. Không có việc làm công nhân, máy móc phải chờ đợi làm gia tăng thêm rất nhiều chi phí”, ông Tuyển ngán ngẩm.
Bà Vũ Thu Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cao Lộc cho biết, đối với Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B, địa phương đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được 32,48 ha, đạt khoảng 90%. Phần còn lại vẫn vướng mắc, chủ yếu liên quan các hộ gia đình phải di chuyển nhà cần tái định cư, thắc mắc về giá bồi thường, hộ gia đình xây dựng nhà trên đất nông nghiệp...
“UBND huyện Cao Lộc đang hoàn thiện các hồ sơ để thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất với một vài hộ dân, hy vọng trong quá trình tuyên truyền, vận động mọi người đều chấp hành chủ trương. Đối với công tác GPMB các hộ dân cần di chuyển nhà, huyện đang xây dựng khu nhà tạm cho các hộ di chuyển đến, hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế với các hộ còn chống đối. Hueyẹn đang cố gắng hết sức vì UBND tỉnh đã quán triệt hết năm nay phải bàn giao 100% mặt bằng sạch”, bà Hằng cho hay.
Theo chủ trương của tỉnh Lạng Sơn, Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B đi qua thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc và huyện Lộc Bình phải hoàn thành trong năm 2023, tức là chỉ còn hơn 2 tháng nữa. Ông Hoàng Định Tuệ, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn cho biết, mặc dù chủ đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị thị công tập trung máy móc, thiết bị phương tiện để đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên có vướng mắc trong công tác GPMB, đặc biệt tại các huyện Cao Lộc và Lộc Bình.
“Các nhóm vướng mắc cơ bản là một số hộ dân làm nhà trên đất nông nghiệp và theo quy định là không được đền bù hỗ trợ... nên chưa thể GPMB. Một điều nữa là Dự án tái định cư của huyện Cao Lộc và Lộc Bình cũng chưa thực hiện xong, gây khó khăn cho việc di dời các hộ dân... Chủ đầu tư thường xuyên phối hợp với các địa phương để tập trung tháo gỡ từng trường hợp, ưu tiên những đoạn tuyến có khả năng giải phóng, tránh những trường hợp giải phóng lẻ tẻ để các đơn vị thi công đào đắp tập trung. Do chậm tiến độ về mặt bằng, dẫn đến việc dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2023 là hết sức khó khăn”, ông Tuệ cho biết.
Ngoài dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B bị chậm tiến độ, một số dự án hạ tầng khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đơn cử như dự án đường giao thông kết nối Quốc lộ 4B đến Quốc lộ 18, huyện Đình Lập. Hiện dự án này vẫn còn một số vướng mắc phát sinh trong công tác bồi thường GPMB, khi UBND huyện Đình Lập chưa thể ra thông báo thu hồi đất, do dự án hiện còn thiếu chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất; Chưa có phê duyệt giá đất cụ thể cho dự án...
Hay như dự án nút giao đường cao tốc và khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn tại huyện Hữu Lũng khởi công từ tháng 7/2022, nhưng mất đến hơn 1 năm không có mặt bằng để triển khai thi công. Chỉ khi có sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Lạng Sơn, đến nay dự án mới bàn giao mặt bằng được 7,7 ha (khoảng 67%).
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý xây dựng và bảo trì hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn cho biết, dự án đường giao thông kết nối Quốc lộ 4B đến Quốc lộ 18 đã đấu thấu xây lắp xong, nhưng vẫn tạm dừng chưa thể thi công do dự án này đi qua trên 90% đất rừng. Với dự án nút giao đường cao tốc và Khu công nghiệp VSIP, Ban xác định đây là dự án cần triển khai sớm để đón các dự án khác, đặc biệt là dự án khu công nghiệp VSIP vì nếu muốn làm phải hoàn thành nút giao này.
“Mới đây Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công. Địa phương bàn giao mặt bằng đến đâu, Ban cũng cố gắng đẩy nhanh tiến độ để tiếp cận công trường và triển khai thi công đến đấy, giữ mục tiêu đến tháng 6/2024 sẽ cơ bản hoàn thành”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
UBND tỉnh Lạng Sơn và các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ về vướng mắc GPMB, cũng như đánh giá tình hình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án. Tuy nhiên, nhiều dự án đến nay vẫn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Điều này đòi hỏi chủ đầu tư, các địa phương, các nhà thầu thi công cần phải vào cuộc một cách quyết liệt, thực chất hơn nữa, qua đó giúp các dự án hạ tầng giao thông sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.