Nhiều dự án LNG có nguy cơ chậm tiến độ

Nhiều dự án điện khí LNG tại Việt Nam đang đối mặt nguy cơ chậm tiến độ do vướng mắc trong thủ tục, thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ và đòi hỏi bảo lãnh từ nhà đầu tư nước ngoài.

 Quang cảnh diễn đàn về LNG ngày 18-12

Quang cảnh diễn đàn về LNG ngày 18-12

Chia sẻ tại diễn đàn về chuỗi phân phối LNG toàn cầu và vị thế Việt Nam, tổ chức ngày 18-12 tại Hà Nội, ông Lã Hồng Kỳ, đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng cho biết, trong số 14 dự án nhiệt điện khí đang triển khai, chỉ có Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 - các dự án sử dụng LNG nhập khẩu - dự kiến vận hành vào quý 2 và quý 3-2025. Đây là 2 dự án nổi bật trong danh mục điện khí LNG tại Việt Nam.

 Công trình xây dựng dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Ảnh: PETROTIMES

Công trình xây dựng dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Ảnh: PETROTIMES

Các dự án điện khí LNG khác có thể hoàn thành trước năm 2030, bao gồm các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Ô Môn và Hiệp Phước giai đoạn 1, với tổng công suất 6.634MW.

Tuy nhiên, ông Kỳ nhận định, các dự án này chỉ khả thi nếu hoàn tất đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA), hợp đồng mua bán khí (GSA) và thu xếp vốn trước năm 2026.

Đề cập đến nguy cơ chậm tiến độ của các dự án LNG, ông Kỳ chỉ ra hàng loạt khó khăn. Đầu tiên, tại một số tỉnh, quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vẫn còn lúng túng và chậm trễ.

Bên cạnh đó, chưa xác định rõ chủ đầu tư cho các đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các nhà máy nhiệt điện LNG. Điều này dẫn đến trì hoãn trong triển khai các dự án truyền tải điện và thỏa thuận đấu nối giải tỏa công suất.

Một số nhà đầu tư nước ngoài còn yêu cầu Việt Nam cung cấp bảo lãnh chính phủ về các vấn đề như chuyển đổi ngoại tệ, thanh toán và tiến độ đường dây truyền tải điện, khiến việc triển khai các dự án LNG thêm phức tạp.

 Tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Ảnh minh họa

Tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Ảnh minh họa

Ông Kỳ cho rằng, để các dự án LNG được triển khai đúng tiến độ, cần sớm xây dựng cơ chế và chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ các rào cản pháp lý và tài chính hiện nay.

Trong khi đó, bà Đặng Thị Thủy, đại diện Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), Việt Nam đang đứng trước bối cảnh gia tăng nhu cầu LNG, đặc biệt từ năm 2030 đến 2050.

Trong giai đoạn này, nguồn cung khí từ các mỏ nội địa sẽ chỉ đáp ứng khoảng 40-45% nhu cầu, trong khi LNG nhập khẩu sẽ chiếm tới 55-60%. LNG chủ yếu được sử dụng trong sản xuất điện, nông nghiệp, sản xuất phân bón và hóa dầu.

Còn ông Nguyễn Đức Tùng thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược - chính sách công thương cho biết, Việt Nam hiện chỉ đóng vai trò nhập khẩu và tiêu thụ LNG, phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Việt Nam chưa phát triển cơ sở khai thác hoặc hóa lỏng LNG và mới tiếp cận thị trường thông qua các giao dịch ngắn hạn. Điều này khiến giá LNG dễ biến động do phụ thuộc vào thị trường quốc tế, chính sách xuất khẩu của các nước cung cấp và các yếu tố địa chính trị. Sự bất ổn này không chỉ làm tăng chi phí đầu vào mà còn gây khó khăn trong lập kế hoạch đầu tư và vận hành dài hạn.

PHÚC VĂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-du-an-lng-co-nguy-co-cham-tien-do-post773720.html