Nhiều dự án ở Phúc Yên vướng mặt bằng

Mặc dù công tác giải phóng mặt bằng luôn được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn thành phố Phúc Yên quan tâm triển khai, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân cả chủ quan, khách quan khiến kết quả chưa đạt như mong đợi. Mặt bằng vẫn là “điểm nghẽn” chủ yếu kéo chậm tiến độ nhiều dự án của thành phố.

Lực lượng chức năng thành phố Phúc Yên cưỡng chế thu hồi đất với Công ty TNHH MTV Lâm Việt. Ảnh: Thiệu Vũ

Lực lượng chức năng thành phố Phúc Yên cưỡng chế thu hồi đất với Công ty TNHH MTV Lâm Việt. Ảnh: Thiệu Vũ

Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo mở rộng Đường tỉnh 308 (QL23 cũ) thành phố Phúc Yên có chiều dài toàn tuyến hơn 1,6 km, do UBND thành phố Phúc Yên làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 11/2017. Thời gian thi công hoàn thành dự án theo hợp đồng là 350 ngày.

Tuy nhiên do vướng mặt bằng, dự án đã bị chậm hơn 4 năm. Sau nhiều nỗ lực đến đầu năm 2022, đại diện chủ đầu tư là Ban QLDA ĐT&XD Phúc Yên và nhà thầu thi công là Công ty TNHH Long Vương đã cơ bản thi công, hoàn thành dự án.

Chỉ duy nhất tại vị trí giao cắt với Quốc lộ 2A trên địa bàn phường Tiền Châu còn vướng mặt bằng do liên quan đến Công ty TNHH MTV Lâm Việt khi doanh nghiệp này không chịu bàn giao mặt bằng theo phương án bồi thường, thu hồi đất đã được phê duyệt, khiến tuyến đường bị “thắt cổ chai”, còn đơn vị thi công không thể hoàn thành dự án.

Đại diện Ban QLDA ĐT&XD Phúc Yên chia sẻ: Sau nhiều nỗ lực tuyên truyền vận động, phân tích đúng sai, được mất nhưng phía Công ty TNHH MTV Lâm Việt vẫn nhất quyết không bàn giao mặt bằng, dự án có nguy cơ tiếp tục kéo dài.

Do vậy, đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ, quy trình thủ tục, tham mưu UBND thành phố Phúc Yên xin ý kiến các cấp, các ngành để tiến hành cưỡng chế thu hồi đất bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Việc cưỡng chế thu hồi đất đã hoàn thành cuối tháng 3, hiện nhà thầu thi công đang khẩn trương triển khai thi công để sớm hoàn thành dự án. Có thể nói, cưỡng chế thu hồi đất là biện pháp cuối cùng phải thực hiện bởi nó thiệt hại cho cả nhà nước và người dân có đất.

Nhưng với những trường hợp cố tình chây ỳ, yêu sách ngoài chế độ chính sách quy định, không hợp tác gây khó khăn cho công tác GPMB thì cần phải thực hiện cưỡng chế để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tiến độ thi công các công trình, dự án, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Ngoài dự án trên, tại nhiều dự án khác, công tác GPMB cũng đang gặp khó khăn, nhất là 5 dự án trọng điểm của thành phố là Dự án phát triển đô thị phường Phúc Thắng đoạn từ ĐT 301 nối ra đường Nguyễn Tất Thành, diện tích thu hồi 8,3 ha.

Dự án Hạ tầng kỹ thuật phát triển đô thị phường Trưng Nhị diện tích thu hồi 9 ha; đường vào khu đất dịch vụ xã Cao Minh, diện tích thu hồi trên 5,1ha; dự án đường từ đường tránh Xuân Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Phúc Yên diện tích thu hồi 5,2ha và dự án cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Chí Thanh đoạn từ đường Trưng Trắc vào khu đô thị Đồng Sơn diện tích thu hồi gần 0,4ha.

Nguyên nhân chính là do một số hộ dân không phối hợp kê khai kiểm đếm, không đồng tình với việc triển khai dự án; khó khăn trong việc xác định chủ sử dụng đất; một số hộ chưa xác định được nguồn gốc đất, thông tin địa chính thửa đất, thời điểm trồng cây, đổ đất, xây nhà trái phép trên đất; đòi hỏi giá thỏa thuận…

Tính đến hết quý I/2022,15 dự án do thành phố làm chủ đầu tư, bao gồm cả 5 dự án trọng điểm với tổng diện tích thu hồi trong năm trên 21ha, thành phố đã thực hiện quy chủ 100% diện tích; lập phương án bồi thường đạt trên 17%; chi trả tiền bồi thường đạt gần 10% diện tích.

Được biết, năm 2022 là năm thành phố Phúc Yên xác định đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB, do vậy thành phố đã tập trung chỉ đạo các xã, phường rà soát các vướng mắc, thống nhất để xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm, bao gồm cả việc cưỡng chế thu hồi đất với các trường hợp cố tình chây ỳ.

Giám đốc Ban QLDA ĐT&XD Phúc Yên Trương Hùng Kiên cho biết: Thành phố đang quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB, với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

Trong đó, đẩy mạnh vận động, tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai đến người dân có đất thu hồi; nêu cao vai trò công tác “dân vận khéo” của các tổ chức đoàn thể chính quyền địa phương.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các xã, phường trong thực hiện công tác GPMB và giải quyết vướng mắc ngay trong quy trình thực hiện. Bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm công tác bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư.

Chỉ đạo tập trung kiểm kê đất đai, tài sản của các hộ gia đình, cá nhân có đất thu; hoàn thiện hồ sơ lập phương án trình thẩm định, trình UBND thành phố ban hành Quyết định phê duyệt phương án, Quyết định thu hồi đất đối với những trường hợp đầy đủ điều kiện.

Với những trường hợp cố tình chây ỳ, không bàn giao đất sẽ hoàn thiện quy trình, hồ sơ, thủ tục để thực hiện cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.

Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76404/nhieu-du-an-o-phuc-yen-vuong-mat-bang.html