Nhiều dự án về thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai ở ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng từ lâu giới khoa học dự báo sẽ chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Từ những dự báo đó, thời gian qua, 17 dự án về thích ứng với BĐKH được tài trợ bằng vốn vay ODA nước ngoài được triển khai. Tổng vốn đầu tư các dự án này lên đến 99.133 tỉ đồng. Ngoài ra, còn nhiều dự án nghiên cứu khoa học chung quanh vấn đề thích nghi với BĐKH do các viện, trường trong vùng hợp tác thực hiện.

Trồng rau màu theo dự án thích ứng BĐKH ở Trà Vinh - Ảnh: V.K.K

Trồng rau màu theo dự án thích ứng BĐKH ở Trà Vinh - Ảnh: V.K.K

Cách đây gần 2 năm, ngày 8.7.2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA trong vùng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương vay ODA từ 6 đối tác với mức vốn 2,53 tỉ USD cho 16 dự án phát triển bền vững thích ứng với BĐKH của vùng ĐBSCL; Thủ tướng đồng ý cấp phát 90% vốn cho các dự án này.

Ngoài các dự án nêu trên, Bộ Nông nghiệp - PTNT (trước đây) cùng 10 tỉnh trong vùng chuẩn bị dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (MERIT - WB11) với tổng vốn đầu tư khoảng 741 triệu USD, tương đương 17.759 tỉ đồng.

Các dự án lớn về hạ tầng giao thông ở ĐBSCL phải tính đến BĐKH - Ảnh: L.X.C

Các dự án lớn về hạ tầng giao thông ở ĐBSCL phải tính đến BĐKH - Ảnh: L.X.C

Như vậy, tổng cộng có 17 dự án liên quan đến thích ứng BĐKH tại ĐBSCL được vay vốn từ nguồn vốn nước ngoài. Các dự án nói trên được phân bổ kinh phí từ các bộ ngành để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL.

Ngoài ra các viện, trường ở ĐBSCL cũng có nhiều dự án, chương trình hợp tác về khoa học thích ứng với BĐKH. Tiêu biểu là Trường đại học Cần Thơ và Trường đại học Trà Vinh.

Trường đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã và đang tham gia vào nhiều dự án hợp tác nhằm thích ứng với BĐKH. Dưới đây là một số dự án tiêu biểu:

Hợp tác với tổ chức Beanstalk và MBI Innovation: Ngày 19.3.2024, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (DRAGON-Mekong) của ĐHCT phối hợp với tổ chức Beanstalk (Úc) và MBI Innovation tổ chức cuộc họp tham vấn về "Cơ hội hợp tác xây dựng nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH". Sự kiện này nhằm kết nối các nhà cung cấp công nghệ Úc với doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, tập trung vào hai ngành chính là tôm và lúa gạo.

Viện Nghiên cứu BĐKH làm việc với các nhà khoa học quốc tế về thích ứng với BĐKH - Ảnh: VNC

Viện Nghiên cứu BĐKH làm việc với các nhà khoa học quốc tế về thích ứng với BĐKH - Ảnh: VNC

Đề tài: Xây dựng cộng đồng "Quan trắc và thích ứng": Viện Nghiên cứu (BĐKH) của ĐHCT đã triển khai đề tài xây dựng hai cộng đồng "Quan trắc và thích ứng" tại Hợp tác xã Quyết Thắng (xã Trí Phải) và Hợp tác xã Tân Lộc Phát (xã Tân Lộc), huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Mục tiêu là tăng cường khả năng thích ứng và quản lý rủi ro liên quan đến BĐKH cho người dân địa phương.

Chương trình Khoa học và công nghệ Net Zero: ĐHCT tiên phong và đồng hành cùng Chương trình Khoa học và công nghệ Net Zero tại ĐBSCL, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chương trình tập trung vào các giải pháp đột phá như công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, cải thiện chất lượng môi trường sống và bảo vệ đa dạng sinh học.

Các dự án thích ứng với BĐKH ở Trà Vinh - Ảnh: Văn Kim Khanh

Các dự án thích ứng với BĐKH ở Trà Vinh - Ảnh: Văn Kim Khanh

Hợp tác với Cơ quan Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Úc (CSIRO): Từ tháng 10.2010, ĐHCT phối hợp với CSIRO triển khai dự án "Thích ứng với BĐKH thông qua phát triển đô thị bền vững", tập trung vào hệ thống và môi trường nước của TP.Cần Thơ. Dự án áp dụng phương pháp quản lý tích hợp hệ thống nước đô thị nhằm cải thiện dịch vụ và môi trường nước, tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH.

ĐHCT hiện triển khai 12 dự án hợp tác với tổng kinh phí hơn 800.000 eur (khoảng 22 tỉ đồng), tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp bền vững, quản lý tài nguyên nước và phát triển cộng đồng, nhằm tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH cho khu vực ĐBSCL.

Những dự án trên thể hiện nỗ lực của ĐHCT trong việc hợp tác và triển khai các giải pháp thích ứng với BĐKH, góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực ĐBSCL.

PGS-TS Văn Phạm Đăng Trí - Viện trưởng Viện DRAGON cho biết: “Viện DRAGON-Mekong thuộc mạng lưới DRAGON toàn cầu, cơ sở tại ĐBSCL. Việc thành lập mạng lưới này nhằm mục tiêu thiết lập cơ sở thông tin toàn cầu, tăng cường quan hệ hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm lâu dài giữa các đồng bằng trên thế giới, đặc biệt là giữa ĐBSCL và đồng bằng Mississippi. Viện DRAGON-Mekong là đầu mối kết nối các hoạt động nghiên cứu, giáo dục và chuyển giao kiến thức khoa học đến các nhà lãnh đạo, quản lý và cộng đồng cấp địa phương, khu vực, quốc gia và các đồng bằng khác trên thế giới nhằm mục đích nâng cao năng lực thích nghi của con người đối với thiên tai, phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên”.

Giáo sư Matthias Garschagen (Trường đại học Ludwig Maximilians University of Munich (MLU, Đức) chia sẻ về sự thúc đẩy khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh: VNC

Giáo sư Matthias Garschagen (Trường đại học Ludwig Maximilians University of Munich (MLU, Đức) chia sẻ về sự thúc đẩy khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh: VNC

Cũng theo PGS-TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐHCT) đã hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên đề liên quan đến BĐKH các lĩnh vực tài nguyên - môi trường, kinh tế - xã hội cũng như khả năng ứng phó của cộng đồng ở ĐBSCL và chính quyền các cấp. Cho đến hiện nay, viện đã được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đến trao đổi và đề xuất hướng hợp tác, triển khai các dự án về BĐKH có hiệu quả tích cực.

Ngoài ĐHCT, Trường đại học Trà Vinh (ĐHTV) là một trong các trường đại học ở ĐBSCL có nhiều chương trình, dự án về thích ứng với BĐKH.

Trường đã tham gia vào một số dự án hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững. Dưới đây là một số dự án tiêu biểu của ĐHTV hợp tác với các tổ chức bảo vệ môi trường và thích nghi với BĐKH từ các tổ chức khoa học nước ngoài:

TS Trần Thị Ngọc Bích, Phó viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ môi trường ĐHTV báo cáo - Ảnh: V.K.K

TS Trần Thị Ngọc Bích, Phó viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ môi trường ĐHTV báo cáo - Ảnh: V.K.K

-Diễn đàn Mekong Salt Lab (MSL): Từ ngày 24 - 25.10.2024, ĐHTV đã phối hợp tổ chức Diễn đàn MSL tại Trà Vinh, với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, gồm đại diện Đại sứ quán Hà Lan và các tổ chức liên quan. Diễn đàn tập trung vào các giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn và BĐKH nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ sinh kế của người dân ĐBSCL.

- Hợp tác với Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF Việt Nam) và Công ty TNHH Tư vấn và đào tạo Kim Delta: Ngày 4.12.2023, ĐHTV đã tổ chức buổi gặp lãnh đạo WWF Việt Nam và Công ty Kim Delta để thảo luận về việc phát triển khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, nhằm thích ứng với BĐKH và bảo vệ môi trường. Các bên đã trao đổi về giải pháp thúc đẩy kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường bền vững.

Nuôi tôm thích nghi với BĐKH - Ảnh: L.X.C

Nuôi tôm thích nghi với BĐKH - Ảnh: L.X.C

Ngày 16 - 17.10.2024, ĐHTV đã phối hợp với các trường đại học tại Philippines tổ chức hội nghị về BĐKH. Tại đây, các giảng viên và nhà nghiên cứu của ĐHTV đã trình bày những dự án liên quan đến phát triển bền vững và ứng phó với BĐKH, thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học quốc tế.

TS Trần Thị Ngọc Bích, Phó viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ môi trường ĐHTV cho rằng: “Những hoạt động hợp tác khoa học nêu trên thể hiện nỗ lực của ĐHTV trong việc hợp tác quốc tế để ứng phó với BĐKH và thúc đẩy phát triển bền vững. Các dự án và chương trình hợp tác này đã có tác dụng tích cực trong việc thích nghi với BĐKH như việc phủ xanh rừng ở những vùng đất bãi bồi ven biển, nghiên cứu về đất về quản lý nước và những biện pháp tích cực thích nghi với BĐKH”.

Văn kim Khanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhieu-du-an-ve-thich-ung-bien-doi-khi-hau-duoc-trien-khai-o-dbscl-231041.html