Nhiều dư địa cho hợp tác Việt – Trung
Chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba (từ ngày 12-13/12) của ông Tập Cận Bình với danh nghĩa Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc sẽ là dịp để lãnh đạo hai nước xác định những phương hướng, trọng tâm lớn, các biện pháp cụ thể để tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích của cả hai bên.
Ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong.
Từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX, Trung Quốc có sự điều chỉnh về chính sách, trong đó có chính sách về đối ngoại. Theo ông, những điều đó có tác động gì đến quan hệ Việt - Trung?
Dưới thời Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Trung Quốc rất coi trọng vai trò của Đảng Cộng sản, coi trọng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Trong đối ngoại cũng mang dấu ấn của điều đó, nghĩa là coi trọng các nước có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong những năm qua, Việt Nam đổi mới rất thành công, cả thế giới đều công nhận, Trung Quốc cũng công nhận. Theo cách nhìn của phía Trung Quốc, thành công của Việt Nam cũng là thành công của chủ nghĩa xã hội, thành công của một quốc gia có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều vấn đề phức tạp, còn những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ mà chúng ta không thể bỏ qua. Hai bên sẽ tiếp tục bàn, sẽ tiếp tục làm, nhưng phải giữ ổn định cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Đó là lợi ích của Việt Nam và cũng là lợi ích của Trung Quốc và của khu vực.
Sẽ ký nhiều văn kiện
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam lần này, lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ xác định những phương hướng, trọng tâm lớn cũng như các biện pháp cụ thể để tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích của cả hai bên. Sẽ có thể có một số lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực được ký kết, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Từ câu chuyện xuất khẩu quả sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc hiện nay rất nóng, ông nhận xét như thế nào về câu chuyện thương mại giữa hai nước?
Sự ổn định của thị trường phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố người tiêu dùng. Nhu cầu người tiêu dùng thay đổi thì thị trường thay đổi. Có một số loại trái cây Việt Nam mà người Trung Quốc gần như không biết đến. Trung Quốc trước đây chỉ biết quả sầu riêng Thái Lan, na Thái Lan. Năm vừa rồi tôi cảm giác người Trung Quốc phát hiện ra quả sầu riêng Việt Nam rất ngon. Vì thế thị trường của loại quả này đang tăng rất nhanh, với hàng tỷ đô la sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Một điều Việt Nam nên làm là quảng bá sản phẩm sang Trung Quốc nhiều hơn, xúc tiến thương mại, lập văn phòng xúc tiến thương mại ở các địa phương của Trung Quốc, phát huy vai trò của các đại diện thương mại của Việt Nam ở các cơ quan đại diện như đại sứ quán, tổng lãnh sự quán, để người Trung Quốc biết đến sản phẩm tốt của Việt Nam.
Cơ sở hạ tầng giữa hai nước đang được đầu tư. Một ví dụ là tuyến đường Đồng Đăng - Trà Lĩnh lên Cao Bằng khi trở thành đường cao tốc trong mấy năm tới, việc xuất khẩu sẽ dễ dàng hơn.
Quan trọng là bộ lọc tốt
Ông nhận xét như thế nào về tình hình đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam?
Tôi thấy đây là lĩnh vực còn có nhiều tiềm năng. Đối với dự án Vành đai Con đường (BRI) Trung Quốc, một số nước gặp vấn đề này vấn đề kia. Ta phải nhìn vào đó để rút kinh nghiệm, nên tính toán như thế nào để phù hợp với mình. Trung Quốc có nguồn vốn lớn và sẵn sàng đầu tư vào nhiều công trình, đặc biệt các công trình liên quan đến Vành đai Con đường.
Trung Quốc có công nghệ mạnh về cơ sở hạ tầng, cao tốc, đường sắt, đường hầm, cầu cống... Chúng ta lựa chọn vì lợi ích của ta. Không chỉ Trung Quốc, chúng ta có thể kêu gọi Mỹ, Nhật Bản đầu tư. Chính sách của Việt Nam là bình đẳng, không ưu tiên nước này hoặc nước kia. Chúng ta phải chọn lợi ích thích hợp với Việt Nam nhất. Một điểm mạnh khác của Trung Quốc là năng lượng sạch. Rất nhiều nước đang làm, nhưng Trung Quốc làm với giá phải chăng, công nghệ của họ nếu ta thấy phù hợp thì có thể để họ đầu tư.
Quan trọng nhất là bộ lọc có tốt hay không, bộ lọc tốt sẽ đem lại lợi ích tốt. Trong bộ lọc, không ưu tiên tình cảm, mà những gì mang lại lợi ích tốt nhất, hiệu quả với ta thì chọn. Ai đầu tư, ai cho vay kèm theo các điều kiện chính trị thì phải cân nhắc.
Trong chuyến thăm này, hai bên sẽ ký rất nhiều thỏa thuận hợp tác. Theo ông, nội dung trọng tâm sẽ là gì?
Tôi nghĩ đó là vấn đề kết nối giữa hai nước trong chiến lược phát triển chung. Trong kết nối sẽ đi vào những dự án cụ thể, như kết nối cơ sở hạ tầng, Vành đai Con đường kết nối với Hai hành lang, Một vành đai của Việt Nam. Chúng ta nói vấn đề đó từ mãi năm 2017. Gần đây Tổng Bí thư với Thủ tướng cũng nhắc lại. Tôi hy vọng trong chuyến thăm này sẽ có những dự án cụ thể hơn.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-du-dia-cho-hop-tac-viet-trung-post1594530.tpo