Nhiều dư địa để hoàn thiện thể chế thị trường

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập là một trong hai lĩnh vực cải cách quan trọng đối với Việt Nam để duy trì thành công sự phát triển trong thập kỷ tới. Đó là khuyến nghị của các chuyên gia trong nước và quốc tế với Việt Nam tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam . Ảnh:VGP

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam . Ảnh:VGP

Chia sẻ tầm nhìn phát triển, ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, trong thập kỷ tới tồn tại rất nhiều cơ hội song hành với các rủi ro. Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy biến động, khi các biên giới đang đóng lại, và căng thẳng thương mại đang gia tăng.

Đồng thời, những thay đổi công nghệ đang diễn ra với một tốc độ chưa từng thấy... Những phát triển này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, vốn đã từng phụ thuộc rất nhiều vào thương mại toàn cầu như một động lực tăng trưởng.

Trong khi thời điểm này mô hình kinh tế của Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức trong nước, bao gồm dân số già hóa nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất… “Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công của mình nhưng cần cải cách táo bạo”, ông Dione nhấn mạnh.

Theo đó, lĩnh vực cải cách quan trọng cần lưu ý chính là thể chế thị trường. Bởi mặc dù có những thành tựu ấn tượng, song Việt Nam vẫn chưa thành công trong tạo ra thể chế thị trường có hiệu lực, hiệu quả và điều đó đang cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực tư nhân trong nước. “Làm thế nào Việt Nam có thể hiện đại hóa thể chế thị trường và quản trị quốc gia, từ đó tạo ra một môi trường nơi các DN thuộc khu vực tư nhân, bao gồm cả các DN trong nước, có thể phát triển và trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng?”, ông Dione đặt vấn đề.

Trong khi ông David Dollar - nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Hoa Kỳ) - nguyên Giám đốc quốc gia của WB tại Trung Quốc đánh giá, so với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam có chế độ pháp quyền tương đối tốt, nhờ đó thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, nhưng đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp bởi chủ yếu là DNNVV. Đáng nói, hoạt động xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam chủ yếu do khối FDI đảm nhiệm. Vì vậy, Việt Nam cần lưu ý một số điểm chính trong thực hiện cải cách thể chế pháp quyền trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Dollar khuyến nghị, trước hết cần tạo sân chơi công bằng giữa DNNN và DN tư nhân, mở cửa ngành tài chính như đã làm đối với ngành sản xuất chế tạo. Để cải thiện thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng cao và thu hút đầu tư hiệu quả; muốn vậy buộc phải có cải cách mạnh mẽ. “Ngay cả Mỹ muốn duy trì tăng trưởng tốt vẫn phải liên tục thực hiện cải cách”, ông nhấn mạnh.

Một vấn đề khác cần cải thiện chính là môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn còn những yếu kém. Đơn cử như quy trình phá sản còn phức tạp, gây khó khăn để DN tuyên bố phá sản và tăng quy mô thông qua hợp nhất DN. Xét đến chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam là ví dụ điển hình trong mở cửa thị trường sản xuất và xuất khẩu hàng hóa chế biến chế tạo, và lâu nay chủ yếu xuất khẩu những sản phẩm hữu hình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hiện nay xu hướng xuất khẩu các sản phẩm thương mại và dịch vụ như tài chính, viễn thông, sản phẩm thông minh, phần mềm… ngày càng nhiều.

Chuyên gia kinh tế Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, so với thông lệ quốc tế, vẫn còn một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam. Đó là thể chế kinh tế thị trường vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Một số quy định trong hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách và quản lý, điều hành còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, nhanh bị thay đổi, và nhiều trường hợp có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến tình trạng khó thực hiện.

Bên cạnh đó là vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu tài sản, bảo đảm quyền tự do kinh doanh còn hạn chế; hiệu quả giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm chưa cao, như vấn đề sở hữu và quyền sở hữu tài sản chưa được bảo đảm thực thi nghiêm minh. Đặc biệt vấn đề đất nông nghiệp, quyền sử dụng đất nông nghiệp, sở hữu trí tuệ...

Ngoài ra môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, công bằng, minh bạch; cạnh tranh bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, thành phần kinh tế vẫn diễn ra. Thị trường đất đai nông nghiệp, quyền sử dụng đất nông nghiệp tồn tại nhiều bất cập, như quy mô đất nông nghiệp của các hộ nông nghiệp ít thay đổi, nhỏ lẻ, manh mún, gây rất nhiều khó khăn cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất để phát triển lớn.

Ông Sinh lưu ý thêm, hiện vẫn còn khoảng cách khá lớn về quản trị nhà nước tốt; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế; công tác cải cách hành chính trong một số lĩnh vực vẫn chưa thực chất…

Lan Hương

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nhieu-du-dia-de-hoan-thien-the-che-thi-truong-92435.html