Nhiều dư địa xuất khẩu sang Anh hậu Brexit và Covid-19
Hậu Brexit và Covid-19, chính phủ Anh đang thực hiện chính sách thương mại mở cửa hơn, tự do hóa nhanh hơn, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp Anh phát triển xuất khẩu nhiều hơn tới những khu vực kinh tế năng động trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Xuất khẩu sang Anh vẫn tăng trưởng ấn tượng, bất chấp Covid-19.
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), năm 2021, thương mại Việt Nam – Anh vẫn tăng trưởng ấn tượng, bất chấp việc chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy do đại dịch Covid-19 gây ra.
11 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 6,02 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh đạt 5,2 tỷ USD, tăng 15,6%, nhập khẩu đạt khoảng 778,2 triệu USD, tăng 27,3%.
Các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao gồm: sắt thép, cao su, nông sản, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị…
Anh hiện là nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam, tuy nhiên, thị phần của Việt Nam tại thị trường này vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Vương quốc Anh. Vì vậy, tiềm năng dành cho doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều.
Đầu tư của Anh tại Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ kể từ khi người dân Anh bỏ phiếu việc Anh rời EU. Tính đến tháng 11/2021, Anh có tổng cộng 447 dự án FDI vào Việt Nam, chiếm 1,3% số dự án FDI của cả nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực đạt gần 4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam.
THÁCH THỨC NHIỀU, CƠ HỘI LỚN
Đánh giá về cơ hội, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Anh, tại tọa đàm “Triển vọng thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hậu Brexit và Covid-19”, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) chia sẻ, ngày 16/3/2021, Thủ tướng Anh công bố chiến lược “Nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh”.
Đặc biệt, Anh nhấn mạnh trọng tâm chiến lược hướng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với việc tăng cường hợp tác với các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, Anh đã nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Anh đang có nhiều cơ hội để đầu tư, hợp tác làm ăn với một số thị trường phát triển nhanh như Việt Nam.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh, cho biết sau Brexit, Hiệp định Thương mại UKVFTA đã kịp thay thế EVFTA từ ngày 1/1/2021 để duy trì ưu đãi cho giao thương với Việt Nam và Anh hậu Brexit.
Hơn nữa, với sự độc lập của mình, chính phủ Anh đang thực hiện một chính sách thương mại mở cửa hơn, tự do hóa nhanh hơn, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp Anh phát triển xuất khẩu.
Mặc dù vậy, thị trường Anh cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt sau khi nước này rời EU. Cụ thể, thủ tục về các loại giấy chứng nhận, thủ tục kiểm soát hải quan, động thực vật, khai báo thuế, nộp thuế, sẽ phải tuân theo hướng dẫn mới của Anh.
Về các yêu cầu luật pháp ảnh hưởng tới thương mại cũng như xuất khẩu hàng hóa vào Anh, ông Cường nói rõ hơn, trước đây các loại giấy chứng nhận cấp cho sản phẩm xuất khẩu sang EU thì đồng nghĩa là chứng nhận cấp cho vào Anh, nhưng giờ đây các giấy chứng nhận này phải mới, có dẫn chiếu các quy định của Anh chứ không phải của EU.
Chính phủ Anh dẫn đầu sáng kiến mang tính toàn cầu về giảm thiểu phát thải khí nhà kính, trên cơ sở đó Anh đã thiết lập 2 chương trình quốc gia: tài chính xanh (hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án xanh đối với các dự án trong nước và ngoài nước Anh) và hỗ trợ xuất khẩu của Anh (tài trợ máy móc, thiết bị sản xuất, ưu tiên các dự án điện gió).
Như vậy, các doanh nghiệp Anh cũng như Việt Nam sẽ được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ những hỗ trợ này.
“Chính sách thương mại của Anh hiện nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng Anh chứ không còn nằm trong chính sách thương mại chung của EU nữa. Chính sách thuế đã thay đổi từ ngày 1/1/2021, đơn giản hơn, thuận lợi hơn cho hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào Anh. Chính sách hạn ngạch, phòng vệ thương mại cũng đang và sẽ thay đổi”, ông Cường nói.
Đồng thời, Anh có những dự án chuẩn bị cho thay đổi này. Thay đổi dự kiến sớm ban hành trong thời gian tới là quy định liên quan tới SPS, riêng rẽ với EU. Đây là quy định pháp lý nhưng ảnh hưởng mạnh tới thương mại.
Hơn nữa, tập quán mua sắm tiêu dùng thay đổi mạnh trong đại dịch. Giao dịch trực tuyến, thanh toán điện tử cũng phát triển mạnh. Doanh nghiệp Việt Nam tiến lên để nắm bắt cơ hội này hay không, hay chờ đại dịch qua đi? là câu hỏi ông Cường muốn doanh nghiệp tự trả lời để có giải pháp khác biệt cho riêng doanh nghiệp của mình.
CẦN SỰ SẴN SÀNG CỦA DOANH NGHIỆP
Ông Cường cho rằng, những sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Anh và còn rất nhiều dư địa. Anh là thị trường rất rộng lớn, nên cơ hội sẽ có cho một số doanh nghiệp nhưng sẽ không có cơ hội cho nhiều doanh nghiệp khác.
Phân tích ý kiến này, theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh, số liệu xuất khẩu của Việt Nam vào Anh tăng trưởng rất ngoạn mục trong những tháng qua là bằng chứng cho thấy cơ hội luôn luôn có.
Những doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì sẽ tiếp tục mở rộng được thị phần. Còn những doanh nghiệp chưa thâm nhập được thị trường Anh vì chủ yếu là chưa sẵn sàng nên cơ hội không thể biến thành đơn hàng.
“Trong hoàn cảnh này, sự cố gắng của Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng khó đưa đơn hàng về cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Cường lưu ý.
Thậm chí, khi có khách hàng nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại báo giá quá cao, thời gian giao hàng lâu nên khó đáp ứng được. Nhiều giao dịch sắp thành công, nhưng hàng gửi sang lại có bao bì bằng tiếng Việt, nên đơn hàng bị chuyển sang doanh nghiệp Malaysia… điều này rất đáng tiếc.
Để đưa được hàng vào thị trường Anh, ông Dario Miraglia, Giám đốc thương mại, Công ty Vestey Foods International (doanh nghiệp Anh chuyên nhập khẩu, phân phối thực phẩm, rau củ), cho rằng điều quan trọng với doanh nghiệp Việt Nam là tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, sau đó tìm đối tác kinh doanh trên các website, liên hệ trực tiếp hoặc thông qua cơ quan thương vụ Việt Nam tại Anh.
Ông Miraglia lưu ý, ngoài các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế chung, mỗi thị trường đều có quy định, thủ tục, giấy tờ riêng nên doanh nghiệp cần nắm vững các quy định này. Doanh nghiệp Việt Nam cần trao đổi với các đối tác kinh doanh tại Anh để đáp ứng các yêu cầu này.
Là đơn vị tư vấn cho các doanh nghiệp trong giao thương với các đối tác nước ngoài, bà Ngô Thị Thu Thủy, Giám đốc toàn quốc Phát triển kinh doanh tài trợ thương mại HSBC Việt Nam, cho rằng trước khi làm ăn, doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ về đối tác của mình là ai, tình hình kinh doanh của họ ra sao, khả năng thanh toán thế nào…
May 10 đã có hoạt động xuất hàng và kinh doanh rất thuận lợi với phía Anh từ năm 2009 đến nay. Chia sẻ kinh nghiệm, bà Hoàng Hương Giang, Phó TGĐ Tổng công ty May 10, cho rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực thời trang cần đầu tư nhiều hơn về yếu tố “đội ngũ bán hàng và thiết kế” để cho ra đời những mẫu sản phẩm và chào giá phù hợp, nhanh nhất.
Mặt khác, Anh là thị trường khá khó tính, họ yêu cầu hệ thống quản lý của nhà máy và tiêu chuẩn đánh giá vô cùng chặt chẽ. Vì vậy, May 10 luôn phải chấp nhận trải qua những đợt đánh giá hàng năm về trách nhiệm xã hội, an toàn sức khỏe người lao động.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhieu-du-dia-xuat-khau-sang-anh-hau-brexit-va-covid-19.htm