Nhiều đường dây đẻ thuê bị phát hiện, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn
Ngày 28/6 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội cho biết đã triệt phá một đường dây tổ chức đẻ thuê, mang thai hộ hoạt động tinh vi ngay trên mạng xã hội.
Đường dây mang thai hộ hoạt động tinh vi
Thông tin trên tờ Công an Nhân dân, "nữ quái” cầm đầu là Đinh Thị Bình (SN 1993, trú tại P414, tòa HH03C, Khu đô thị Thanh Hà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội. Hỗ trợ cho Bình là chồng của cô ta - Dư Văn Linh (SN 1990).
Trong đường dây mang thai hộ này có nhiều người phụ nữ đẻ thuê đến từ nông thôn, họ khỏe mạnh, có sức lao động nhưng hoàn cảnh hết sức khó khăn. Thậm chí có cả những sinh viên trẻ tuổi, công nhân nghe theo lời dụ dỗ của những kẻ môi giới, bước chân vào đường dây đẻ mướn. Số tiền họ kiếm được từ việc đẻ thuê này là khá lớn, nên bất chấp vi phạm pháp luật, họ vẫn nhắm mắt làm liều, trở thành công cụ, phương tiện tiếp tay cho đường dây làm ăn phi pháp của vợ chồng Đinh Thị Bình.
Để tránh bị phát hiện, Bình khôn ngoan không bao giờ tuyển chọn người lạ mang thai hộ. Đa phần đều quen biết hoặc qua mối lái. Trong suốt thời gian mang thai hộ, Bình tuyệt đối không cho phép người mang thai hộ ra ngoài, hay tiếp xúc, liên lạc với bất kỳ ai, nhằm tránh trường hợp người mang thai hộ, bán trứng bỏ trốn.
Khám xét tại một nơi nuôi nhốt người mang thai hộ của đường dây này, lực lượng công an phát hiện máy tạo phôi dấu, 55 hình mẫu dấu tròn bằng silicon của nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, UBND và công an các cấp của các tỉnh, thành trên cả nước, nhiều dấu tên, chức danh, mẫu phôi giấy đăng ký kết hôn... Đây là công cụ phục vụ việc làm giả giấy tờ để hợp thức hóa hồ sơ.
Giữ vai trò sản xuất hồ sơ giả là Đinh Thị Thiện, sinh năm 1995; Nguyễn Bá Minh, sinh năm 1990, là em ruột và em rể của Bình. Trong quá trình hoạt động, Đinh Thị Thiện và Nguyễn Bá Minh còn làm giả nhiều loại văn bằng, chứng chỉ, sau đó rao bán trên mạng với giá 500 nghìn đến 1 triệu đồng để kiếm lời.
Để tránh bị phát hiện giấy tờ giả, các đối tượng Đinh Thị Thiện và Nguyễn Bá Minh đã tập chép theo chữ ký của các lãnh đạo bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, lãnh đạo UBND, Công an các tỉnh, thành. Do vậy, giấy tờ giả trong hồ sơ đều có chữ ký “tươi”.
Khám xét tại một địa điểm nuôi nhốt người mang thai hộ khác, lực lượng Công an phát hiện 7 phụ nữ đang ăn ở tập trung tại đây. Trong đó có 5 phụ nữ đang mang thai, cùng nhiều giấy tờ như đăng ký khám, giấy ra viện, giấy chứng nhận kết hôn, các biên lai thu tiền, mẫu hợp đồng mang thai hộ và sổ chi trả tiền cho những phụ nữ mang thai hộ.
Thông tin trên tờ An ninh Thủ đô, từ tháng 5/2021 đến 4/2022, đường dây mang thai hộ của Đinh Thị Bình đã thực hiện môi giới trót lọt 8 vụ mang thai hộ. Tổng số tiền thu từ 8 hợp đồng này là khoảng 6 tỷ đồng.
Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự đã tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp và bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Đinh Thị Bình, Dư Văn Linh, Đinh Thị Thiện, Nguyễn Bá Minh về hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đề phòng mang thai hộ vì mục đích thương mại
Thông tin trên VietNamNet, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi một loạt đơn vị tăng cường phòng chống vi phạm pháp luật về thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Hiện cả nước có 45 cơ sở hỗ trợ sinh sản trong và ngoài công lập. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tăng cường biện pháp chống nhầm lẫn hoặc tráo đổi, mua bán tinh trùng/noãn/phôi bằng cách rà soát, hoàn thiện quy trình chống nhầm lẫn tinh trùng/noãn/phôi và phổ biến đến tất cả nhân viên; Quy trình lấy mẫu tinh dịch nên có nội dung về việc kiểm soát để bảo đảm mẫu tinh dịch được lấy đúng người và lấy tại bệnh viện, đề phòng tráo mẫu tinh dịch mang từ ngoài vào.
Bộ Y tế khuyến khích các cơ sở đầu tư và sử dụng phần mềm quản lý các trường hợp cho/nhận tinh trùng/noãn/phôi, thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (MTH vì MĐNĐ).
“Việc nhận diện người bệnh và giao tử không chỉ bằng giấy tờ cá nhân mà có thể sử dụng các kỹ thuật nhận diện sinh trắc học hiện đại như chụp ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt để phòng tránh nhầm lẫn hoặc tráo đổi do sử dụng giấy tờ giả”, Bộ Y tế nêu giải pháp nên lưu trữ mẫu tinh dịch và mẫu máu để đối chiếu sau này.
Các đơn vị được yêu cầu xây dựng quy trình vận chuyển, tiếp nhận tinh trùng/noãn/phôi giữa các bệnh viện và thường xuyên kiểm tra để phòng tránh việc tráo đổi. Trong quy trình nhận/chuyển phôi, bình trữ phôi và hồ sơ kèm theo cần được bàn giao giữa 2 bệnh viện và có thông tin phản hồi. Việc này để đảm bảo phôi được chuyển đến đúng đơn vị nhận phôi, phòng tránh việc tráo hồ sơ hoặc phôi bị chuyển cho người khác với mục đích đẻ thuê.
Đề phòng mang thai hộ vì mục đích thương mại tại các bệnh viện đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật này, Bộ Y tế nêu rõ để bảo đảm xác định mối quan hệ thân thích cùng hàng giữa người MTH và người nhờ MTH, ngoài Giấy xác nhận của UBND xã, bệnh viện có thể yêu cầu gia đình cung cấp các giấy tờ có liên quan để đối chiếu.
Các cơ sở cũng được khuyến khích ký hợp đồng với công ty Luật về tư vấn pháp lý, trong đó cần có đầy đủ các điều khoản để ràng buộc trách nhiệm trong việc tư vấn pháp lý.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát nội bộ, bảo đảm nhân viên tuân thủ các quy định chống nhầm lẫn, tráo đổi tinh trùng/noãn/phôi. Các cơ sở cần có quy định về việc xử lý nghiêm các nhân viên vi phạm quy định chống nhầm lẫn hoặc để việc nhầm lẫn/tráo đổi xảy ra; tham gia hoặc tiếp tay cho các đường dây buôn bán tinh trùng/noãn/phôi, đẻ thuê…
Theo Bộ Y tế, những biện pháp này nhằm bảo đảm việc chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản; phòng tránh tình trạng buôn bán tinh trùng, noãn, phôi trong cơ sở khám chữa bệnh, mang thai hộ vì mục đích thương mại hoặc các hành vi tiếp tay, tham gia vào những đường dây phi pháp của cán bộ y tế.