Nhiều gia đình châu Á hắt hủi con gái

Trong tư tưởng của nhiều gia đình truyền thống ở châu Á, con trai mới là người có thể gánh vác các trách nhiệm gia đình, phụng dưỡng bố mẹ còn con gái thì không.

Tháng 11/2015, Gao vẫn còn nhớ cái đêm kinh hoàng khi cô được thông báo về trường hợp khẩn cấp tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Như Đông (Trung Quốc), nơi cô làm nhân viên hành chính. Một hộp carton chứa xác một bé gái sơ sinh được tìm thấy trên cầu thang khoa sản.

Sau khi điều tra, cảnh sát cho biết em bé 4 ngày tuổi khỏe mạnh đã bị sát hại bởi chính bà của mình, Zhang Aifen (54 tuổi). Trước khi ra tay, Zhang hỏi một bác sĩ tại bệnh viện xem có ai muốn nhận nuôi đứa bé không vì gia đình “đã có một cháu gái”, theo Sixth Tone.

Cuối cùng, người bà nhẫn tâm bị tuyên tội giết người, ngồi tù 10 năm.

Đó chỉ là một trong những câu chuyện đau lòng phản ánh tình trạng “trọng nam khinh nữ” tồn tại dai dẳng ở một số nước châu Á. Trong quan niệm của nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc, Ấn Độ, sinh con trai sẽ bảo đảm có được chỗ dựa khi về già, còn con gái, lúc lấy chồng rồi thì cũng như “bát nước đổ đi”.

Danh dự của gia đình

Tại nhiều nước Á Đông, đặc biệt là Trung Quốc, một người vợ được coi là làm tròn bổn phận khi thành công sinh con trai cho gia đình nhà chồng.

Theo đó, con trai được xem là “có giá trị” hơn con gái, kiếm được nhiều tiền hơn, có khả năng làm việc tốt hơn, đặc biệt là trong nền kinh tế nông nghiệp ngày trước.

Bên cạnh đó, quý tử trong nhà khi lớn lên sẽ là người mang nhiệm vụ duy trì dòng giống, thờ cúng tổ tiên và phụng dưỡng bố mẹ già.

 Nhiều gia đình châu Á thích sinh con trai hơn con gái. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều gia đình châu Á thích sinh con trai hơn con gái. Ảnh: Shutterstock.

Theo AsiaTimes, khoảng 30% dân số Trung Quốc sống trong các hộ gia đình nhiều thế hệ. Do tập quán xã hội lâu đời và quỹ lương hưu thấp, người cao tuổi ở Trung Quốc có xu hướng dựa phần lớn vào sự hỗ trợ của con cháu.

Vì vậy, cha mẹ và ông bà thường dành sự quan tâm hơn cho con cháu là nam giới. Đặc biệt là khi các chính sách kiểm soát dân số của Trung Quốc góp phần dẫn đến cấu trúc gia đình “kim tự tháp ngược”, nơi một thanh niên có thể phải chịu trách nhiệm lo toan cho sáu người lớn tuổi (bố mẹ và ông bà hai bên).

Ở một số nơi, việc sinh được quý tử còn đại diện cho danh dự của cả gia đình. Nhiều ông bố, bà mẹ phải chịu cảnh bị xem thường, cười chê vì “không biết đẻ con trai”.

Tại Ấn Độ, việc con trai chăm sóc cha mẹ còn được coi là nghĩa vụ, con gái không bị ràng buộc trách nhiệm gì. Bởi sau khi kết hôn, con gái sẽ được coi là thành viên của gia đình chồng và thường phải chăm sóc bố mẹ chồng thay vì bố mẹ đẻ.

Mặt khác, có con gái còn được xem là một gánh nặng ở đất nước tỷ dân vì cha mẹ thường áp lực phải chuẩn bị của hồi môn khi con kết hôn. Việc này chẳng khác nào có con gái giống như một vụ làm ăn "thua lỗ".

Hậu quả

Trong chăn nuôi, từ "chọn lọc" có nghĩa là loại bỏ các con vật không mong muốn ra khỏi đàn - những con gầy và ốm yếu. Đây cũng là từ mà Valerie Hudson, giáo sư tại Đại học Texas A&M (Mỹ), gọi cách mà nhiều gia đình ở châu Á “chọn” lấy những bào thai mang giới tính nam nhờ công nghệ hiện đại.

Theo South China Morning Post, số nam giới ở Trung Quốc hiện nhiều hơn nữ giới khoảng 34 triệu người - tương đương dân số Malaysia. Ấn Độ cũng thừa đến 37 triệu đàn ông, thanh niên nam. Tỷ lệ sinh bé gái tiếp tục giảm kể cả khi kinh tế đất nước này phát triển.

Tình trạng mất cân bằng giới tính này còn ảnh hưởng đến thị trường lao động, kéo theo đó là tội phạm bạo lực, tệ nạn buôn người, mại dâm gia tăng. Những hậu quả này không chỉ giới hạn trong Trung Quốc hay Ấn Độ mà còn lan rộng tới các nước láng giềng.

Không những thế, có không ít câu chuyện đáng buồn là hệ quả của tư tưởng trọng nam khinh nữ trong các gia đình “khát con trai”.

 Nhiều nam giới Trung Quốc không thể cưới vợ vì tình trạng mất cân bằng giới tính. Ảnh: Getty Image.

Nhiều nam giới Trung Quốc không thể cưới vợ vì tình trạng mất cân bằng giới tính. Ảnh: Getty Image.

Giữa tháng 9 vừa qua, Lệ Lệ (22 tuổi, Trung Quốc) bị cha mẹ ruột kiện ra tòa vì từ chối nuôi dưỡng em trai 2 tuổi. Cuối cùng, cô thua kiện, buộc phải thay họ chăm sóc cậu em cho đến tuổi trưởng thành.

Trước đó, dù đã ngoài 50, bố mẹ Lệ Lệ vẫn quyết tâm sinh đứa thứ 2 để có mụn con trai. Cho rằng bố mẹ ích kỷ, Lệ Lệ không muốn phải gánh vác trách nhiệm của hai người. Chưa kể, bao năm qua, cô tự trang trải học phí bằng tiền trợ cấp và học bổng do gia cảnh thiếu thốn, khó khăn lắm mới tốt nghiệp đại học.

Theo nhà tâm lý Zhang Ping (Trung Quốc), trong xã hội hiện đại, chế độ phụ quyền không còn quá rõ ràng trong nhiều lĩnh vực. Nhiều người con gái trong các gia đình được ăn no, mặc ấm, được học hành đầy đủ. Tuy nhiên, khi gặp biến cố, phần lớn sự ưu ái vẫn dành cho người con “nối dõi tông đường”.

“Và ở những gia đình chuộng con trai, mỗi khi bị cha mẹ đối xử bất công, dù là vô tình, chẳng khác nào như một mũi dao nhọn cứa vào tim người con gái, mà hậu quả để lại là vết thương lòng suốt đời. Họ trở nên lạnh lùng, bất lực và thiếu tự tin”, Zhang Ping nhận định.

Thay đổi

Theo thời gian, sự cố chấp trong việc phải có con trai tại nhiều nơi không còn nặng nề như trước, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Theo Sixth Tone, bình đẳng giới ngày càng được coi trọng, người dân cũng chú ý đến các vấn đề phân biệt giới tính hơn.

“Rất ít người ở quê tôi bây giờ tin vào định kiến cho rằng con trai tốt hơn con gái. Với những người trẻ sinh sau năm 1990 bắt đầu lên chức bố mẹ, kỷ nguyên ‘định giá’ con trai hơn con gái sắp kết thúc”, Chen Nan (24 tuổi, Giang Tô, Trung Quốc) nói.

Kể từ năm 2001, Trung Quốc cũng đã cấm các bệnh viện cung cấp dịch vụ xét nghiệm giới tính thai nhi hoặc phá thai lựa chọn giới tính. 5 năm trở lại đây, tỷ lệ chênh lệch giới tính giữa bé trai và bé gái dần được cải thiện.

 Tư tưởng trọng nam khinh nữ dần được cải thiện ở nhiều nước. Ảnh: Pinterest.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ dần được cải thiện ở nhiều nước. Ảnh: Pinterest.

Các quan niệm mang tính gia trưởng cũng đang mất dần ảnh hưởng khi cấu trúc kinh tế và xã hội thay đổi.

Con trai từng được coi trọng vì giỏi lao động chân tay, duy trì nòi giống và phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Giờ đây, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rằng con gái cũng có thể đáng tin cậy như con trai, nếu không muốn nói là có năng lực và chu đáo, tinh tế hơn.

Một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Nhân dân Trung Quốc và Đại học Bắc Kinh đã khảo sát hơn 4.300 gia đình ở 10 thành phố của Trung Quốc cho thấy cha mẹ có con gái hạnh phúc hơn những người có con trai.

“Không phải người con trai nào lớn lên cũng phụng dưỡng bố mẹ già chu đáo. Nhiều người chỉ quan tâm vợ mình thôi. Bây giờ, nhiều người Hàn Quốc còn nói đùa: ‘Có hai con gái giống như giành được huy chương vàng’ vậy”, Heidi Shin, phóng viên người Hàn Quốc, nhận định qua một bài viết trên The World.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-gia-dinh-chau-a-hat-hui-con-gai-post1147871.html