Nhiều giải pháp bảo đảm chỗ học cho học sinh
Năm học mới đang đến gần, nhưng nhiều cơ sở giáo dục khu vực trung tâm ở các tỉnh, thành phố gặp không ít khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp lớp học, nhất là học sinh đầu cấp. Giải pháp của các địa phương, cơ sở giáo dục là tăng cường đầu tư xây mới và sửa chữa trường, lớp học tạo điều kiện học tập thuận lợi cho học sinh.
Năm học mới đang đến gần, nhưng nhiều cơ sở giáo dục khu vực trung tâm ở các tỉnh, thành phố gặp không ít khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp lớp học, nhất là học sinh đầu cấp. Giải pháp của các địa phương, cơ sở giáo dục là tăng cường đầu tư xây mới và sửa chữa trường, lớp học tạo điều kiện học tập thuận lợi cho học sinh.
Mặc dù được quan tâm, đầu tư nhưng so với nhu cầu thực tế, nhiều trường học vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cơ sở vật chất phục vụ dạy học.
Khó khăn tại các trường trung tâm
Năm học 2023-2024, Trường trung học cơ sở Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) đã nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục. Năm học này, trường có 54 lớp học, 10 phòng học chức năng. Chuẩn bị năm học mới, trường đã rà soát, kiểm tra, đánh giá các trang thiết bị được cấp, trang thiết bị tự mua sắm để bảo đảm số lượng phù hợp với cơ cấu lớp học, số lượng học sinh theo yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Do dân số cơ học trên địa bàn tăng nhanh cho nên trường cũng gặp một số khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí chỗ học cho học sinh. Cô giáo Vũ Hạnh Nguyên, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Chu Văn An cho biết, để có đủ chỗ cho học sinh, trường bố trí lớp 7, lớp 9 học buổi sáng, lớp 6, lớp 8 học buổi chiều. Bình quân sĩ số học sinh/lớp trong năm học này là 47 em, vượt hai học sinh/lớp so với quy định trường chuẩn quốc gia. Riêng lớp 6 là 48 học sinh/lớp do gặp áp lực hơn trong tuyển sinh đầu cấp.
Trước sức ép học sinh nhập cư tăng nhanh, năm học 2023-2024, Trường trung học cơ sở Lương Định Của, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) có gần 1.900 học sinh với 48 lớp, tăng bốn lớp so với năm học trước, đã gây áp lực lên cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Thầy giáo Trần Văn Tình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sĩ số học sinh tăng, trường không còn cách nào khác là lấy các phòng Tin học làm lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Học sinh tăng nhanh cũng tạo áp lực về bố trí đội ngũ giáo viên. Trong khi chưa kịp tuyển dụng giáo viên mới, nhà trường bắt buộc phải tính đến phương án mời giáo viên thỉnh giảng ở một số môn học.
Tại thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), mặc dù đã lập dự án đầu tư xây dựng thêm một nhà ba tầng với chín phòng học cho Trường tiểu học Tân Long, nhưng do có nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng cho nên đến nay chưa thực hiện được. Vì vậy, nhiều năm nay, thầy và trò phải đi dạy và học nhờ tại trường khác với biết bao nhọc nhằn, phiền phức, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Năm học 2022-2023, trường có 17 lớp học, nhưng chỉ có 12 phòng học. Khắc phục tình trạng thiếu phòng học, buổi chiều các ngày trong tuần, học sinh năm lớp phải di chuyển học nhờ tại Trường trung học cơ sở Tân Long. Cô giáo Lê Thị Anh Đào, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Long chia sẻ, năm học 2023-2024 sắp diễn ra, nhà trường vẫn có 17 lớp học và học sinh khối lớp 5 vẫn tiếp tục phải đi học nhờ. Không chỉ thiếu lớp học, trường còn thiếu các phòng chức năng như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, nhà đa năng.
Tập trung đầu tư xây dựng trường, lớp học
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên cho rằng, để giải quyết chỗ học cho học sinh, thời gian qua, thành phố thu hút đầu tư xã hội hóa nhiều hơn với khu vực trường tư. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, việc đầu tư trường công là quan trọng. Thành phố Thủ Đức đặt mục tiêu từ nay đến 30/4/2025 sẽ xây dựng thêm 300 phòng học (tương đương 10 trường học) để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2023-2024, số học sinh tăng thêm hơn 35 nghìn, trong đó, chủ yếu ở bậc trung học cơ sở chiếm hơn 34 nghìn em. Để giải quyết chỗ học cho học sinh, thành phố dự kiến đưa vào sử dụng thêm gần 700 phòng học dù chưa giải quyết được hết nhu cầu nhưng cũng góp phần quan trọng trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, quan điểm của sở là nhận hết học sinh có nguyện vọng vào các trường công lập lớp 1 và lớp 6. Các quận, huyện chỉ còn có giải pháp là tăng sĩ số học sinh/lớp, đó là một điều bất khả kháng. Đồng thời, giảm bớt các trường, lớp tổ chức dạy học hai buổi/ngày trong một địa phương để tăng chỗ học. "Để bù lại việc tăng sĩ số, cũng như giảm bớt buổi học/ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giúp học sinh tham khảo, tự học; thực hiện dạy học buổi hai qua hệ thống trực tuyến, hệ thống số khi giảm bớt thời gian trên lớp do thiếu điều kiện về chỗ học”, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.
Chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới, trong tháng 8/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã thành lập hai đoàn kiểm tra công tác triển khai nhiệm vụ đầu năm học ở các cơ sở giáo dục của năm huyện: Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Đồng thời, thành lập một tổ công tác hỗ trợ Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải) khắc phục sau mưa lũ, chuẩn bị các điều kiện khai giảng năm học 2023-2024.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, ngành giáo dục đã chỉ đạo các trường tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có, trên cơ sở đó xây dựng và báo cáo cấp có thẩm quyền phương án đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Hoàn thành việc sửa chữa trường, lớp, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng kế hoạch sử dụng các phòng học bộ môn, phòng chức năng theo hình thức liên trường, liên cấp học, đối với các tiết học thực hành bảo đảm thuận lợi, hiệu quả trong tổ chức dạy học.
Hiện nay, các trường cơ bản đã bố trí phòng học bảo đảm đủ cho các lớp; ưu tiên bố trí phòng học cho lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 được học hai buổi/ngày. Trong hè, các huyện, thị xã, thành phố đã đưa vào sử dụng mới 148 phòng học, 101 phòng học bộ môn. Các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai mua sắm thiết bị với kinh phí được giao 10,734 tỷ đồng.
Năm học 2023-2024, ngành giáo dục Hà Nội được xây mới, thành lập mới 24 trường học các cấp; cải tạo, sửa chữa 528 trường. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, ngành đã tham mưu lãnh đạo UBND thành phố ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với các đơn vị trực thuộc.
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học vừa qua vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như: tình trạng thiếu giáo viên; tình trạng thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại các thành phố lớn, các khu đông dân cư. Vì vậy trong năm học 2023-2024, các địa phương, cơ sở giáo dục cần có giải pháp hiệu quả để huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú...