Nhiều giải pháp bảo tồn ở nơi đa dạng sinh học nhất Việt Nam

Thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, cứu hộ và tái thả hơn một nghìn cá thể động vật hoang dã về tự nhiên, thành lập các tổ tuần tra, gỡ bẫy là những hoạt động được Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang triển khai trong những năm qua, nhằm bảo tồn một trong những trung tâm đa dạng sinh học lớn nhất Việt Nam.

Nhiều giải pháp bảo tồn

VQG Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam với nhiều loài động thực vật nguy cấp quý hiếm, là nơi cư trú cuối cùng của một số loài có ý nghĩa cho công tác bảo tồn, là vùng sinh thái cực kỳ quan trọng cho cả Việt Nam và thế giới.

Năm 1992, VQG Vũ Quang được giới bảo tồn thế giới biết đến rộng rãi nhờ phát hiện ra một loài thú mới là Sao la – loài thú cực kỳ quý hiếm, được coi là Kỳ lân châu Á. Năm 1993, tại đây cũng phát hiện ra loài Mang lớn, góp phần bổ sung vào danh sách các loài thú lớn trên thế giới. Năm 2019, VQG Vũ Quang nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN.

Theo ông Thái Cảnh Toàn, Phó Giám đốc VQG Vũ Quang, với nhiều hệ sinh thái cùng tồn tại như hệ sinh thái rừng mưa ẩm nhiệt đới, hệ sinh thái rừng trên núi cao, hệ sinh thái ao hồ núi cao, hệ sinh thái rừng lùn, VQG Vũ Quang ghi nhận tới 1892 loài thực vật, 316 loài bướm, 315 loài chim, 94 loài thú, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá, 58 loài bò sát, trong đó 131 loài thực vật và 90 loài động vật nguy cấp quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam.

VQG Vũ Quang thực hiện tái thả trăn về rừng, chiều 22/5. Ảnh: Phạm Trường

VQG Vũ Quang thực hiện tái thả trăn về rừng, chiều 22/5. Ảnh: Phạm Trường

Theo ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc VQG Vũ Quang, công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm và đạt được nhiều kết quả. Trong 5 năm qua, Vườn tiếp nhận 1609 cá thể động vật hoang dã, trong đó có 777 cá thể quý hiếm, tái thả 1435 cá thể về tự nhiên, một số cá thể được chuyển về trung tâm cứu hộ.

Cũng trong 5 năm qua, Vườn đã tổ chức 4468 đợt tuần tra, tháo gỡ bẫy, vận động hơn 11 nghìn hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng, tuyên truyền cho hàng nghìn em học sinh. Vườn cũng phối hợp nghiên cứu, phát hiện và công bố 12 loài mới cho thế giới, các nghiên cứu đã được công bố và đăng tải trên các tạp chí Quốc tế chuyên ngành uy tín.

Mới đây, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ (thuộc Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học) đã thực hiện công tác điều tra bằng bẫy ảnh và hỗ trợ nâng cao năng lực trong tuần tra gỡ bẫy, bảo vệ rừng.

Hoạt động tuần tra rừng ở VQG Vũ Quang.

Hoạt động tuần tra rừng ở VQG Vũ Quang.

Trong đó, đưa ứng dụng smart vào quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả tuần tra, quản lý rừng. Theo đại diện Ban Quản lý Dự án, ứng dụng giúp cán bộ kiểm lâm, lực lượng chuyên trách tuần tra rừng ghi chép tất cả thông tin trong quá trình tuần tra, tổng hợp thành báo cáo sau khi quá trình tuần tra kết thúc. Các thông tin này được đưa lên máy chủ, giúp Ban quản lý rừng có thể cập nhật nhanh chóng, đầy đủ thông tin để ra quyết định xử lý kịp thời.

Ghi nhận thêm nhiều loài quý hiếm

Mới đây, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ công bố kết quả bẫy ảnh tại 21 khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại Việt Nam, trong đó có VQG Vũ Quang.

Kết quả cho thấy, VQG Vũ Quang một lần nữa khẳng định tính đa dạng và tầm quan trọng cho công tác bảo tồn với nhiều loài quan trọng được ghi nhận như loài cầy vằn - một trong những loài cầy quý hiếm nhất thế giới hay mang lớn – loài thú mới của thế giới được ghi nhận lần đầu ở Việt Nam vào năm 1993, là loài thú được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp.

Cá thể Mang lớn, thuộc loài nguy cấp quý hiếm được ghi nhận tại VQG Vũ Quang. Ảnh: WWF.

Cá thể Mang lớn, thuộc loài nguy cấp quý hiếm được ghi nhận tại VQG Vũ Quang. Ảnh: WWF.

Đợt bẫy ảnh vừa qua cũng chụp được loài thỏ vằn Trường Sơn quý hiếm, được coi như một loài thú cổ và là một trong hai loài thỏ có sọc quý hiếm trên thế giới. Ngoài ra, tại VQG Vũ Quang còn ghi nhận nhiều loài thú quý hiếm khác như lửng lợn, khỉ mặt đỏ, cầy vòi hương.

Ông Kỳ cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Vũ Quang để tiếp tục bảo tồn và phục hồi một trong những trung tâm đa dạng sinh học nhất Việt Nam.

Bên cạnh các công tác tuần tra, tháo gỡ bẫy, nghiên cứu khoa học, Vườn tiếp tục chú trọng việc vận động cộng đồng người dân trên địa bàn xung quanh và các em học sinh chung tay “Hành động vì động vật hoang dã”, cam kết không săn bắt, mua bán, nuôi nhốt và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.

Ông Bradley Dean Bessire, Phó Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ chia sẻ, việc hàng trăm chiếc bẫy được gỡ tại VQG Vũ Quang thời gian qua là thành tựu đáng tự hào mà các đơn vị khác có thể tham khảo.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà VQG Vũ Quang đạt được trong thời gian qua.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hà Tĩnh giao VQG Vũ Quang tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng rừng, thực hiện có hiệu quả các hoạt động Dự án “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học” (VFBC).

Bên cạnh đó, quan tâm công tác đào tạo cán bộ, ứng dụng khoa học công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ cũng như công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; thực hiện có hiệu quả “Đề án đa dụng hệ sinh thái rừng”, “Đề án nâng cao chất lượng rừng, bảo tồn hệ sinh thái và phòng, chống thiên tai đến năm 2030”, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng, phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng giao UBND các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang và các huyện có rừng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đa dạng sinh học trên địa bàn, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ VQG Vũ Quang thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-giai-phap-bao-ton-o-noi-da-dang-sinh-hoc-nhat-viet-nam-post1639654.tpo