Nhiều giải pháp cấp bách để giảm thiểu thiệt hại do các tai biến thiên nhiên tại Việt Nam
Ngày 29-8, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức Hội thảo 'Đánh giá tình hình thiên tai khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và lãnh thổ Việt Nam, đề xuất các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại'.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Tai biến thiên nhiên, trong đó có tai biến địa chất như trượt lở, nứt đất, sụt lún, động đất, sạt lở, xói lở bờ sông, bờ biển đã và đang gây những thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh tế, giao thương. Chỉ trong tháng 7 và 8 năm 2023, hàng loạt các vụ trượt lở, sạt trượt, nứt đất đã xảy tại Tây Nguyên. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, từ nhiều năm qua, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra, đánh giá trên hiện trường và có những chỉ đạo quyết liệt nhằm giảm thiểu tác động của tai biến thiên nhiên. Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã có những nghiên cứu tiên phong đánh giá về vấn đề thiên tai từ nhiều năm trước”.
Phó Chủ tịch Trần Tuấn Anh cho biết, hội thảo lần này là dịp để đề xuất những nhóm vấn đề, những nhiệm vụ đột phá về phương pháp, công nghệ phát hiện, giám sát, cảnh báo và chỉnh trị nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tai biến thiên nhiên tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên nói riêng và trên toàn lãnh thổ Việt Nam nói chung.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về nguyên nhân dẫn tới xuất hiện hàng loạt các vụ trượt lở, nứt đất ở các khu vực Nam Tây Nguyên cũng như tình hình sạt lở sông, biển ở Đồng bằng sông Cửu Long và các loại thiên tai khác tại Việt Nam. Đặc biệt, các báo cáo khoa học chỉ ra vấn đề trượt, sạt lở đất ở Tây Nguyên, sạt lở sông, biển ở Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ liên quan trực tiếp đến rất nhiều yếu tố tự nhiên như: Địa hình, địa mạo, thủy thạch động lực, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu... mà còn có yếu tố tác động từ phía con người trong các hoạt động dân sinh.
Một số kiến nghị và giải pháp để giải quyết các vấn đề cấp bách đã được đề xuất như: Có biện pháp xử lý các vị trí trượt lở, sạt lở, nứt đất để giảm thiểu thiệt hại thiên tai; chú trọng tới các giải pháp kỹ thuật công nghệ giám sát, cảnh báo sớm tai biến trượt lở, sạt lở, nứt đất theo diện và theo điểm; tăng cường sự phối kết hợp giữa các ban, ngành của địa phương với các tổ chức khoa học trong nghiên cứu nhận diện và xử lý các tai biến; cần có cách tiếp cận tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nghiên cứu thiên tai.
Việc tổ chức thực hiện các nghiên cứu thiên tai cần theo cách tiếp cận từ khái quát đến chi tiết, từ quy mô quốc gia, đến vùng - miền, cấp huyện, khu dân cư, công trình với các cách tiếp cận, hệ phương pháp và mục tiêu khác nhau tương ứng với từng quy mô; cần có sự đầu tư cho việc nghiên cứu khoa học và công nghệ đối với các tai biến thiên tai; sớm có các nhiệm vụ/nghiên cứu phối hợp liên ngành, chuyên sâu và toàn diện về các tai biến thiên tai; đưa các ứng dụng công nghệ vũ trụ, công nghệ giám sát mới vào nghiên cứu…
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang ghi nhận các kiến nghị và đề xuất, đồng thời đề nghị, các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng và Ban chủ nhiệm các chương trình KC.08, KC.09 tham khảo, chủ động đề xuất các nhiệm vụ cụ thể về phòng, chống thiên tai để sớm thực hiện trong giai đoạn tới, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương định hướng phát triển kinh tế - xã hội các vùng trọng điểm.